Điều hành tỷ giá có nên tiếp tục cách làm cũ?
Nếu ổn định là lựa chọn tốt nhất, thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải đối diện với những đánh đổi
Ngày 11/8/2011, lần đầu tiên trong lịch sử điều hành chính sách tiền tệ, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đưa ra một cam kết cứng về giữ ổn định tỷ giá: trong những tháng cuối năm, xét thấy nếu cần điều chỉnh cũng không quá 1%.
Tuyên bố của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi đó lập tức thu hút sự chú ý của thị trường, các con mắt hướng về, chờ đợi và xen lẫn hoài nghi.
Vừa trải qua giai đoạn căng thẳng và ngột ngạt, với loạt phá giá tới 25,3% trong ba năm 2009-2011, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ là điều gì đó xa xỉ.
Nhưng, trước hết, tuyên bố ngày 11/8 trở thành điểm xuất phát cho cách gọi vui về cách điều hành chính sách của Thống đốc Bình, mà nhiều người trong ngành biết đến không lâu sau đó: “dương mưu”.
Giá trị của bốn năm
Từ đó, lần lượt qua bốn năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đều đặn đưa ra các tuyên bố trước về tỷ giá, lãi suất, hoặc các chính sách quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện.
Nói trước để làm, nên mới có cách gọi là “dương mưu”, chứ không phải âm mưu hoặc khó lường trong điều hành chính sách tiền tệ.
Cho đến nay, việc tuyên bố trước các khoảng biến động tỷ giá định hướng mỗi năm từ 2011-2015 vẫn còn những tranh luận về quan điểm và kỹ thuật, nhưng có một giá trị được khẳng định: chính sách điều hành tỷ giá đã tạo một cuộc chơi công bằng trên thị trường.
Trong bốn năm, các thành viên trên thị trường và các tính toán trong dân cư đều có chung một giới hạn rủi ro tối đa, mức độ sinh lời tối đa. Thông tin định hướng công bằng như nhau, qua đó hạn chế bớt nhiễu động từ tin đồn, đầu cơ và hoài nghi.
Việc còn lại là hoạch định sản xuất kinh doanh, ứng xử trong đầu tư và quản lý tài sản cá nhân theo định hướng rõ ràng đó của chính sách. Đây là khác biệt lớn so với môi trường đầy biến động, sóng gió và khó lường của tỷ giá những năm trước đó.
Và sau nhiều tổn thương từ lạm phát phi mã, lãi suất leo tháng, tỷ giá căng thẳng và ngột ngạt, niềm tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam mới dần được gây dựng lại. Theo đó, “dương mưu” tỷ giá giúp định hướng thị trường, tạo được giá trị lớn là niềm tin, và khi thị trường có niềm tin sẽ hỗ trợ ngược lại cho việc điều hành.
Cho nên, xét rộng hơn, ổn định tỷ giá những năm qua cũng đã góp phần quan trọng để Chính phủ thực hiện được mục tiêu xuyên suốt cho đến nay là ổn định vĩ mô.
Nhưng, 2015, quãng cam kết ổn định tỷ giá đưa ra đầu năm đã bị phá vỡ, với “kẻ phá bĩnh” Nhân dân tệ, cùng hiệu ứng tác động trên thế giới.
Điều chỉnh chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao ở sự linh hoạt, chủ động, và nếu bảo thủ với định hướng cũ sẽ dẫn đến những rủi ro rộng lớn hơn…
Nhưng, qua các biến cố, điểm mà hẳn các thành viên thị trường lúc này quan tâm là tiếp theo sẽ như thế nào, chính sách tỷ giá có tiếp tục “dương mưu” như những năm qua hay không?
Hai quan điểm trái chiều
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần khẳng định: tỷ giá hiện đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016.
Cùng đó là định hướng sẽ bằng mọi biện pháp để ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép. Như quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD vừa qua là một điển hình.
Song, dài hạn hơn, chính sách điều hành tỷ giá với khoảng biến động định hướng cụ thể cho cả năm có được tiếp tục trong 2016 hay không?
VnEconomy tham vấn một số chuyên gia về câu hỏi trên. Tựu trung, có hai quan điểm trái chiều.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, chính sách tỷ giá cần tiếp tục “dương mưu” như bốn năm qua. Bởi lẽ, việc điều hành hiệu quả không chỉ dựa vào nguồn lực và công cụ, mà còn phải kết hợp với thông tin định hướng, thậm chí là cam kết rõ ràng.
Như trên, thông tin định hướng rõ ràng và việc thực hiện đúng định hướng đó đã tạo cuộc chơi công bằng, hạn chế bớt những nhiễu động đồn đoán, tạo được niềm tin và thiết lập được trật tự cho thị trường.
Ở quan điểm này, niềm tin của doanh nghiệp và người dân là tối thượng, dù có lúc bị tổn thương.
Chia sẻ bên lề với VnEconomy về quyết định phải điều chỉnh chính sách tỷ giá vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh rằng: “Ngân hàng Nhà nước đã có được chỗ dựa là niềm tin của thị trường để điều hành thời gian qua. Nếu không có bốn năm ổn định, nếu thiếu niềm tin của thị trường vào điều hành chính sách tiền tệ, thì những cú sốc vừa rồi sẽ càng lớn, khôn lường đến nhường nào”.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không nên tiếp tục cách làm cũ trong điều hành chính sách tỷ giá.
Lý do, thứ nhất, dễ gặp rủi ro nếu tiếp tục đưa ra một khoảng biến động tỷ giá cho cả năm 2016. Bối cảnh của nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, thế giới càng bộc lộ nhiều biến động khó lường.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước không nên tự tạo áp lực cho mình khi đặt ra một cam kết cứng. Thực tế bốn năm qua, để đảm bảo cho giá trị của sự ổn định, nhà điều hành đã phải nhận về nhiều áp lực và khó khăn, cả sự đánh đổi nhất định giữa các mục tiêu và giá trị khác…
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bỏ mặc thị trường, doanh nghiệp và người dân tự ứng phó với những biến động và rủi ro của tỷ giá, mà luôn bám sát, linh hoạt để can thiệp khi cần.
Thứ ba, rủi ro xung đột chính sách cũng là điểm được lưu ý nếu tiếp tục đưa ra khoảng biến động cụ thể như bốn năm qua, bởi tỷ giá có mối liên hệ chặt chẽ với các cân đối, các chính sách vĩ mô khác, trong khi khó cùng lúc thực hiện đa mục tiêu.
Điển hình như hiện nay, quyết tâm giữ ổn định tỷ giá dường như đang mâu thuẫn với mong đợi lãi suất cho vay có thể giảm thêm.
Ở hai chiều quan điểm đó, chính sách tỷ giá 2016 sẽ là những lựa chọn khó khăn, dù đích đến của nó luôn không đổi: làm sao để có lợi nhất cho nền kinh tế, mà cái lợi nhất này trong thời gian qua vẫn còn nhiều tranh luận.
Còn nếu xác định ổn định tỷ giá là giá trị lớn nhất trong các lựa chọn cho năm tới (dĩ nhiên có mức độ điều chỉnh nhất định, cách thức điều chỉnh), Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sẵn sàng tiếp tục đón nhận những khó khăn, thử thách có thể sẽ còn lớn hơn nữa.
Tuyên bố của tân Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi đó lập tức thu hút sự chú ý của thị trường, các con mắt hướng về, chờ đợi và xen lẫn hoài nghi.
Vừa trải qua giai đoạn căng thẳng và ngột ngạt, với loạt phá giá tới 25,3% trong ba năm 2009-2011, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ là điều gì đó xa xỉ.
Nhưng, trước hết, tuyên bố ngày 11/8 trở thành điểm xuất phát cho cách gọi vui về cách điều hành chính sách của Thống đốc Bình, mà nhiều người trong ngành biết đến không lâu sau đó: “dương mưu”.
Giá trị của bốn năm
Từ đó, lần lượt qua bốn năm, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đều đặn đưa ra các tuyên bố trước về tỷ giá, lãi suất, hoặc các chính sách quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện.
Nói trước để làm, nên mới có cách gọi là “dương mưu”, chứ không phải âm mưu hoặc khó lường trong điều hành chính sách tiền tệ.
Cho đến nay, việc tuyên bố trước các khoảng biến động tỷ giá định hướng mỗi năm từ 2011-2015 vẫn còn những tranh luận về quan điểm và kỹ thuật, nhưng có một giá trị được khẳng định: chính sách điều hành tỷ giá đã tạo một cuộc chơi công bằng trên thị trường.
Trong bốn năm, các thành viên trên thị trường và các tính toán trong dân cư đều có chung một giới hạn rủi ro tối đa, mức độ sinh lời tối đa. Thông tin định hướng công bằng như nhau, qua đó hạn chế bớt nhiễu động từ tin đồn, đầu cơ và hoài nghi.
Việc còn lại là hoạch định sản xuất kinh doanh, ứng xử trong đầu tư và quản lý tài sản cá nhân theo định hướng rõ ràng đó của chính sách. Đây là khác biệt lớn so với môi trường đầy biến động, sóng gió và khó lường của tỷ giá những năm trước đó.
Và sau nhiều tổn thương từ lạm phát phi mã, lãi suất leo tháng, tỷ giá căng thẳng và ngột ngạt, niềm tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam mới dần được gây dựng lại. Theo đó, “dương mưu” tỷ giá giúp định hướng thị trường, tạo được giá trị lớn là niềm tin, và khi thị trường có niềm tin sẽ hỗ trợ ngược lại cho việc điều hành.
Cho nên, xét rộng hơn, ổn định tỷ giá những năm qua cũng đã góp phần quan trọng để Chính phủ thực hiện được mục tiêu xuyên suốt cho đến nay là ổn định vĩ mô.
Nhưng, 2015, quãng cam kết ổn định tỷ giá đưa ra đầu năm đã bị phá vỡ, với “kẻ phá bĩnh” Nhân dân tệ, cùng hiệu ứng tác động trên thế giới.
Điều chỉnh chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vừa qua được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao ở sự linh hoạt, chủ động, và nếu bảo thủ với định hướng cũ sẽ dẫn đến những rủi ro rộng lớn hơn…
Nhưng, qua các biến cố, điểm mà hẳn các thành viên thị trường lúc này quan tâm là tiếp theo sẽ như thế nào, chính sách tỷ giá có tiếp tục “dương mưu” như những năm qua hay không?
Hai quan điểm trái chiều
Ngân hàng Nhà nước đã hai lần khẳng định: tỷ giá hiện đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015 mà cả những tháng đầu năm 2016.
Cùng đó là định hướng sẽ bằng mọi biện pháp để ổn định tỷ giá trong biên độ cho phép. Như quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi USD vừa qua là một điển hình.
Song, dài hạn hơn, chính sách điều hành tỷ giá với khoảng biến động định hướng cụ thể cho cả năm có được tiếp tục trong 2016 hay không?
VnEconomy tham vấn một số chuyên gia về câu hỏi trên. Tựu trung, có hai quan điểm trái chiều.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, chính sách tỷ giá cần tiếp tục “dương mưu” như bốn năm qua. Bởi lẽ, việc điều hành hiệu quả không chỉ dựa vào nguồn lực và công cụ, mà còn phải kết hợp với thông tin định hướng, thậm chí là cam kết rõ ràng.
Như trên, thông tin định hướng rõ ràng và việc thực hiện đúng định hướng đó đã tạo cuộc chơi công bằng, hạn chế bớt những nhiễu động đồn đoán, tạo được niềm tin và thiết lập được trật tự cho thị trường.
Ở quan điểm này, niềm tin của doanh nghiệp và người dân là tối thượng, dù có lúc bị tổn thương.
Chia sẻ bên lề với VnEconomy về quyết định phải điều chỉnh chính sách tỷ giá vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh rằng: “Ngân hàng Nhà nước đã có được chỗ dựa là niềm tin của thị trường để điều hành thời gian qua. Nếu không có bốn năm ổn định, nếu thiếu niềm tin của thị trường vào điều hành chính sách tiền tệ, thì những cú sốc vừa rồi sẽ càng lớn, khôn lường đến nhường nào”.
Quan điểm thứ hai cho rằng, không nên tiếp tục cách làm cũ trong điều hành chính sách tỷ giá.
Lý do, thứ nhất, dễ gặp rủi ro nếu tiếp tục đưa ra một khoảng biến động tỷ giá cho cả năm 2016. Bối cảnh của nền kinh tế đã có nhiều thay đổi, thế giới càng bộc lộ nhiều biến động khó lường.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước không nên tự tạo áp lực cho mình khi đặt ra một cam kết cứng. Thực tế bốn năm qua, để đảm bảo cho giá trị của sự ổn định, nhà điều hành đã phải nhận về nhiều áp lực và khó khăn, cả sự đánh đổi nhất định giữa các mục tiêu và giá trị khác…
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là bỏ mặc thị trường, doanh nghiệp và người dân tự ứng phó với những biến động và rủi ro của tỷ giá, mà luôn bám sát, linh hoạt để can thiệp khi cần.
Thứ ba, rủi ro xung đột chính sách cũng là điểm được lưu ý nếu tiếp tục đưa ra khoảng biến động cụ thể như bốn năm qua, bởi tỷ giá có mối liên hệ chặt chẽ với các cân đối, các chính sách vĩ mô khác, trong khi khó cùng lúc thực hiện đa mục tiêu.
Điển hình như hiện nay, quyết tâm giữ ổn định tỷ giá dường như đang mâu thuẫn với mong đợi lãi suất cho vay có thể giảm thêm.
Ở hai chiều quan điểm đó, chính sách tỷ giá 2016 sẽ là những lựa chọn khó khăn, dù đích đến của nó luôn không đổi: làm sao để có lợi nhất cho nền kinh tế, mà cái lợi nhất này trong thời gian qua vẫn còn nhiều tranh luận.
Còn nếu xác định ổn định tỷ giá là giá trị lớn nhất trong các lựa chọn cho năm tới (dĩ nhiên có mức độ điều chỉnh nhất định, cách thức điều chỉnh), Ngân hàng Nhà nước sẽ phải sẵn sàng tiếp tục đón nhận những khó khăn, thử thách có thể sẽ còn lớn hơn nữa.