Đồ gỗ nội thất: Thiếu vùng nguyên liệu, nguy cơ mất vị thế top đầu xuất khẩu?
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là một trong 8 ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD và liên tục tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ đang gặp nhiều thách thức…
Nhu cầu về đồ nội thất gỗ trong và ngoài nước ngày càng tăng do tính thẩm mỹ không gian gia đình và những nơi như nhà hàng, khách sạn, văn phòng, giải trí, trung tâm thương mại... liên tục gia tăng sử dụng đồ gỗ nội thất do tính sang trọng, bền bỉ của sản phẩm.
GỖ VIỆT XUẤT KHẨU THỨ 7 THẾ GIỚI, FDI CHIẾM GẦN 40%
Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, chuyên gia của Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), ngành gỗ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng năng động nhất thế giới trong hơn 10 năm qua và vươn lên vị trí thứ 7 thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất. Xuất khẩu gỗ là 01 trong 8 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD năm 2021.
Trong hơn 10 năm qua, (2010-2021), kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và đồ nội thất tăng hơn 4 lần, từ mức 3,44 tỷ USD vào năm 2010 lên mức 14,12 tỷ USD vào năm 2021.
Thặng dư xuất khẩu gỗ đứng thứ 3, cung cấp hơn nửa triệu việc làm. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI tạo ra 43% việc làm và 36% doanh thu cho ngành trong khi chỉ chiếm 5% tổng số doanh nghiệp ngành gỗ, phần lớn là doanh nghiệp tư nhân Việt chiếm hơn 92%; doanh nghiệp lớn và hợp tác xã chiếm 2,9%.
Tổng doanh thu của doanh nghiệp sản xuất nội thất cũng tăng nhanh từ mức 3,86 tỷ USD năm 2010 lên mức 11,18 tỷ USD năm 2020, gấp gần 3 lần sau 10 năm. Về doanh thu chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng từ mức 2,1 tỷ USD năm 2010 lên mức 8,54 tỷ USD năm 2020, gấp 4 lần sau 10 năm.
Về thị trường xuất khẩu gỗ, Mỹ đang là quốc gia chiếm hơn một nửa lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp gỗ Việt. Thị phần xuất khẩu sang Mỹ liên tục tăng mạnh từ 38% năm 2015 lên 58,1% năm 2020. Các thị trường xuất khẩu lớn khác là Úc, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, EU.
Dự báo, thị trường nội thất toàn cầu còn rất tiềm năng với mức tăng trưởng kép đạt 3,75%. Năm 2020, Việt Nam chỉ chiếm 2,58% trong tổng quy mô thị trường nội thất toàn cầu đạt mức 509,8 tỷ USD, tiềm năng cho tăng trưởng còn rất lớn. Đến năm 2027 đạt khoảng 650 tỷ USD và có sự tăng trưởng dịch chuyển về khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Theo đề án của Chính phủ đối với phát triển ngành gỗ, đến năm 2025 xuất khẩu gỗ đạt 20 tỷ USD, tiêu thụ nội địa 5 tỷ USD; năm 2030 đạt 25 tỷ USD, tiêu thị nội địa 6 tỷ USD.
Trên 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm gỗ từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Mục tiêu của ngành gỗ Việt Nam hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, trong đó, doanh nghiệp Việt phải chiếm 60-70% kim ngạch xuất, 30% doanh nghiệp xuất khẩu tạo ra được mặt hàng có giá trị gia tăng cao, 20% giá trị xuất khẩu là ODM…
CẤP BÁCH TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU
Theo bà Hương, với sự chuyển dịch thị trường về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đối thủ cạnh tranh của mặt hàng gỗ Việt chủ yếu là Trung Quốc khi nước này dẫn đầu về xuất khẩu đồ nội thất, chiếm 38% thị phần trên thế giới (năm 2015). Malaysia đang cạnh tranh sát sao với Việt Nam tại thị trường Mỹ và Nhật…
Trong khi đó, ngành gỗ Việt đang đối mặt nhiều thác thức, như: chưa có chính sách đồng bộ để tạo sức bật cho ngành. Chưa quan tâm đầu tư đồng bộ các vùng nguyên liệu, công nghiệp hỗ trợ.
Ngành gỗ và chế biến gỗ đang thiếu vùng nguyên liệu tập trung. Vì hiện nay, có 3,19 triệu ha rừng trồng từ hộ gia đình, 1,45 triệu ha rừng sản xuất của hộ gia đình chủ yếu là gỗ nhỏ, số diện tích còn lại của hộ là rừng tự nhiên.
Rừng trồng từ các công ty lâm nghiệp hiện có 112 công ty lâm nghiệp đang hoạt động nắm giữ tổng diện tích đất lâm nghiệp trên 1,47 triệu ha.
Trong khi đó, diện tích trồng rừng đạt quản lý bền vững có chứng chỉ chiếm 8,4% tổng diện tích rừng trồng của cả nước, khoảng 307.000ha
Về nguồn nguyên liệu gỗ cho chế biến gỗ, năm 2020, tổng nhu cầu gỗ nguyên 38,5 triệu m3 gỗ quy tròn. Trong đó, nguồn nguyên liệu gỗ khai thác trong nước ước đạt 30 triệu m3, chiếm 75% (khai thác từ rừng trồng đạt 20,5 triệu m3; khai thác từ cây trồng phân tán và gỗ cao su khoảng 9,5 triệu m3).
Nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3, chiếm 25% tổng khối lượng gỗ của ngành chế biến.
Ngoài ra, chi phí gỗ nhập khẩu và chi phí hàng hoá xuất khẩu là vấn đề làm tăng giá thành, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Nguồn cung gỗ hợp pháp từ nước ngoài chưa kiểm soát được trên thực tế nên có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về tính hợp pháp.
Do đó, khả năng gian lận thương mại của các doanh nghiệp bằng cách dùng hàng nhập từ Trung Quốc, thay đổi xuất xứ từ Việt Nam là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đối với ngành.
Nhấn mạnh vấn đề quan trọng của ngành gỗ là vùng nguyên liệu, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), cho biết ngành đang tính đến thực hiện chuỗi lâm nghiệp: trồng rừng – sản xuất nguyên liệu trung gian – chế biến sâu.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đáng thất vọng khi việc trồng rừng của thiếu từ chính sách đến kỹ thuật trồng và quy mô…
“Chúng ta đang mất cân đối về trồng rừng, về giống cây dẫn tới hiệu quả rất thấp của chuỗi lâm nghiệp” ông Lập nói.
Theo ông Thang Văn Thông, Tập đoàn Hào Hưng, việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rất nhiều tiềm năng nhưng vướng chính sách. Hiện có 03 loai đất: đất rừng tự nhiên (nhưng không có trữ lượng sinh khối); đất đồi trọc; đất nằm ở các công ty lâm nghiệp ở các tỉnh còn rất lớn.
VIFOREST có thể kiến nghị Chính phủ đưa tất cả các loaij đất trên vào sản xuất trồng rừng nguyên liệu, để sau 10 năm nữa Việt Nam không còn lo lắng đến vùng nguyên liệu.
"Doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ về chế biến xuất khẩu. Vấn đề là giá cả không ổn định, lúc có lúc không? Vậy tại sao Việt Nam có dãy Trường Sơn đất màu mỡ trồng rừng được mà chúng ta không làm?"
Ông Thang Văn Thông, Tập đoàn Hào Hưng
Về giống cây trồng, hiện đất rừng tại Việt Nam chiếm 43-47% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Đất rừng được giao cho dân canh tác tự phát nên không tạo ra vùng nguyên liệu lớn.
Thực tế, doanh nghiệp gỗ cũng đã liên kết với các hộ dân về trồng rừng nhưng diện tích rất nhỏ, khiến rừng nguyên liệu chỉ đến 1000ha là nhiều nhất. Số liệu khảo sát 311 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam: chỉ có 10,5% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn (từ 36 tháng trở lên) với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước; hơn 7% doanh nghiệp có ký hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài.
Theo ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, vai trò của ngành gỗ quan trọng nhưng lại là một trong những ngành ít được đầu tư, quan tâm của Nhà nước. Sự lớn mạnh ngành gỗ cả trong nước hay nước ngoài đều không dựa vào đầu tư công.
Vấn đề đặt ra là tương lai, giải pháp nào cho ngành gỗ với việc Chính phủ thực hiện cam kết COP26 (Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu)? (Ngành gỗ trong thuộc 06 nhóm ngành hàng thực hiện trách nhiệm rủi ro về COP26, tới 2030 việc sử dụng gỗ tự nhiên phải dừng lại). Cần đề xuất Chính phủ quy hoạch đất trồng rừng sản xuất trong việc sửa đổi, bổ sung Luật đất đai 2013.
Ban IV kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách cho phép các công ty lâm nghiệp có hiệu quả sử dụng thấp được góp đất hợp tác để các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận được quỹ đát này để phát triển nguồn gỗ lớn.
Đồng thời, có cơ chế, chính sách mạnh để thúc đẩy hình thành liên kết giữa hộ gia đình và các công ty chế biến, Chính phủ rà soát đất trống đồi trọc để cho phép các công ty tham gia trồng rừng trên diện tích đất này; Có cơ chế đặc thù để thúc đẩy đầu tư liên kết chuỗi từ khâu trồng rừng đến chế biến sâu; Cấp phép xây dựng một khu công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ trong năm 2022.
Chính phủ nghiên cứu thành lập quỹ cho doanh nghiệp vay trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi; Ban hành chính sách hạn chế tiến tới loại bỏ hoàn toàn các nguồn gỗ nhập khẩu từ vùng có rủi ro pháp lý…
Về vấn đề 04 mặt hàng gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đang có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá, theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), các mặt hàng có tính chất chiến lược để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thường tăng nhanh về số lượng xuất khẩu.
Việt Nam đang nằm ở ngã ba của vấn đề cần giải quyết, đó là có thực sự tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt hay của doanh nghiệp FDI hay là nguyên nhân từ xuất xứ hàng hoá. Tại hội nghị ngày 08/5/2022 tới của ngành sẽ làm rõ vấn đề này khi đề cập đến đầu tư FDI trong thời gian qua của ngành gỗ, cũng như vấn đề xuất xứ sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ bị những nước mua mặt hàng đưa vào diện điều tra áp thuế chống bán phá giá, có nhiều việc phải làm.
Thứ nhất, cần tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, minh chứng cho việc không có vấn đề nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Vì khung thuế bị áp từ 4%-200%. Nếu sản phẩm của Việt Nam dùng nguyên phụ liệu trong nước, nguy cơ bị áp thuế nếu có xảy ra nhưng ở mức thấp.
Thứ hai, làm thật tốt việc kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu dễ bị lẩn tránh trốn xuất xứ.
Thứ ba, hạn chế phát triển các sản phẩm đã bị nước thứ 3 áp thuế. Đây là những việc rất cần làm của ngành gỗ. Vì việc tăng đột ngột xuất khẩu nhưng không phải của doanh nghiệp gỗ Việt là nguy cơ đối với ngành.