Doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 30,4%
5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp bất động sản giải thể tăng 30,4%; còn số doanh nghiệp thành lập mới giảm 61,4% so cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, quý 1/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản cũng giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2022…
Trong chuyên đề “Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam” do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) công bố cho thấy bức tranh không mấy sáng sủa của doanh nghiệp bất động sản.
LỢI NHUẬN SAU THUẾ GIẢM 38,6%
Cụ thể 5 tháng đầu năm 2023 có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm tới 61,4% so cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp. Ngoài ra quý 1/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, một lượng hàng lớn vẫn còn tồn kho đến chủ yếu từ những dự án xây dựng dở dang hoặc buộc phải tạm dừng.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Theo dữ liệu của 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất tính đến cuối năm 2022, thì 6 doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm vừa qua gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HOSE: DXG) cùng công ty con là Công ty cổ phần Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (HOSE: DXS) lần lượt giảm 41%; 45% nhân sự; Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Địa ốc Nova (HOSE: NVL) giảm 20%, Công ty cổ phần Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH) 16%, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản An Gia (HOSE: AGG) 29%.
Sang đến quý 1/2023, một số doanh nghiệp lớn lại tiếp tục cắt giảm nhân sự như: Đất Xanh (DXG) cắt thêm 1.384 người, Đất Xanh Services (DXS) giảm 1.245 người so đầu năm. Bên cạnh đó, tuy không giảm nhân sự vào năm 2022 nhưng quý 1/2023, Vinhomes (VHM) cũng bớt đi 1.527 người.
Còn theo thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã liên tục phản ánh về việc gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Thêm nữa là tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, một số vấn đề pháp lý chưa được khơi thông cũng gây tác động đáng kể.
Như vậy với tình hình hiện nay, không quá khi có ý kiến ví von doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản giống “người sắp chết đuối”. Mặc dù động lực sống khiến họ cố gắng “vùng vẫy” và sẵn sàng “bấu víu” vào bất cứ chiếc phao cứu sinh nào. Nhưng những chiếc phao tạo ra kể từ đầu năm 2022 nhằm cứu thị trường lẫn doanh nghiệp, chưa thực sự đến được doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có thể bám víu, tạo đà ngoi lên mặt nước.
KHẨN TRƯƠNG GIẢI QUYẾT VƯỚNG MẮC
Về những gì diễn ra, VARs nhận định, nếu doanh nghiệp nào còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Qua đó giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này nên ưu tiên dự án cấp thiết, phù hợp nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Ngoài ra, với doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án song đã hoàn thiện cơ bản thủ tục pháp lý, thì tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích kết nối chủ đầu tư và nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư, hoặc M&A. Còn doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần áp dụng giải pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại, rồi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án.
Được biết, tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách hồi cuối tháng 5, trong đó trả lời về tình hình doanh nghiệp bất động sản khi lĩnh vực này đang tiếp tục chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chính phủ cùng các Bộ, ngành đang rất quyết liệt thực hiện giải pháp về tiếp cận nguồn vốn, lãi suất, thị trường, đơn hàng… để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất thông qua việc ổn định thị trường tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh thực thi chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế, phí, gia hạn chính sách cho vay trả lương, chính sách hỗ trợ người lao động thuê nhà nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm chi phí, có tiền duy trì sản xuất kinh doanh và giữ được người lao động. Đặc biệt là sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tổ chức thực thi chính sách của bộ máy hành chính các cấp thuận lợi hơn; giải quyết các quy định pháp luật chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn...
Tuy nhiên, trong lúc điều kiện nền kinh tế khó khăn, khó dự báo, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiêp phải chủ động lên kế hoạch ứng phó với tình huống bất ngờ, hoặc các cuộc khủng hoảng chưa dự báo trước. Doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền, thay đổi quy mô sản xuất, hình thức, phương thức kinh doanh phù hợp điều kiện thực tế, mở rộng tìm kiếm thị trường, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng thương mại, cần tiếp tục đa dạng hóa hình thức huy động vốn, hướng tới nâng cao năng lực quản trị rủi ro, thích ứng tốt hơn trước biến động môi trường đầu tư kinh doanh trong dài hạn.