Doanh nghiệp BOT muốn thoát lệ thuộc ngân hàng, kênh hút vốn trái phiếu vẫn chưa thông
Room tín dụng về ngành hạ tầng giao thông ngày càng hạn chế. Đây là thời điểm chín muồi để phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện các dự án PPP giao thông. Tuy nhiên, nhiều quy định còn bó hẹp doanh nghiệp...
Trên đây là chia sẻ của ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả tại toạ đàm trực tuyến “Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cân bằng lợi ích giữa nhà phát hành và nhà đầu tư” ngày 16/8.
Tổng mức đầu tư của Tập đoàn Đèo Cả vào các dự án giao thông hiện trên 60.000 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đặt quyết tâm hoàn thiện 3.800km đường cao tốc, nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp vô cùng lớn. Tuy nhiên, hiện nay, tín dụng tăng trưởng thấp, khẩu vị của ngân hàng đối với đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT không còn mặn mà.
NHIỀU QUY ĐỊNH "BÓ GỐI" DOANH NGHIỆP BOT
Phát triển mạnh mẽ trong hơn hai năm trở lại đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Giá trị huy động trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng lớn và sôi động, đáp ứng lớn nhu cầu doanh nghiệp.
Giai đoạn trước, chúng tôi chú trọng và phụ thuộc nguồn vốn tín dụng là chủ yếu, nhưng do room tín dụng về ngành hạ tầng giao thông ngày càng hạn chế, ngân hàng siết cho vay dự án BOT. Vì vậy, đây là thời điểm để triển khai phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện các dự án giao thông theo hình thức đối tác công tư PPP.
Trong tháng 9, 10 tới đây, Đèo Cả sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện các dự án giao thông vừa trúng thầu. Trong đó, có nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Điển hình là, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, một dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 9.000 tỷ đồng, dự án Hữu Nghị - Chi Lăng khoảng 7.500 tỷ đồng, dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh 12.000 tỷ...
Một mặt, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PPP đã mở hành lang, tháo gỡ cho vấn đề tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp.
Tức là, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có quyền thế chấp quyền thu phí trong suốt vòng đời dự án để phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, được nhà nước đảm bảo đầu tư, đảm bảo hoàn vốn theo phương án tài chính đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, doanh nghiệp có thuận lợi trong câu chuyện về tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, nhu cầu hiện rất lớn, nhưng trong quá trình phát hành trái phiếu, còn vài vướng mắc về mặt chính sách cũng như thực tiễn. Cụ thể, theo Điều 6, Nghị định 28/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định về cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ. Như vậy, quy định này đã bó hẹp doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn một điểm bất lợi, nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông rất lớn trong khi thời gian hoàn vốn thông thường của một dự án kéo dài. Với dự án có phương án tài chính tốt, thời gian hoàn vốn 15 năm, còn lại rơi vào 20 năm, thậm chí 23 năm. Vì vậy, doanh phiệp phải tính đến phương án phát hành trái phiếu làm sao đảm bảo tính chất tuần hoàn, liên tục, đảm bảo các kỳ trả nợ phù hợp với vòng đời của dự án trong suốt 15 năm để hoàn vốn.
THÁO ĐIỂM NGHẼN, SỚM THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG QUỐC GIA
Để triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu thời gian tới, trước tiên, Tập đoàn Đèo Cả đã xây dựng chiến lược dài hạn để tái cơ cấu nguồn vốn, đặc biệt chú trọng phát hành trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu công chúng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Điều quan trọng là tăng cường sức khỏe của tổ chức phát hành, đảm bảo tốt năng lực trả nợ gốc và lãi cho nhà đầu tư cũng như các tổ chức tín dụng. Đèo Cả cũng dần đại chúng hóa công ty con và tập đoàn, để minh bạch hóa thông tin. Tiếp đến, xây dựng kế hoạch truyền thông về kênh thu hút vốn trái phiếu cũng như chiến lược chăm sóc nhà đầu tư.
Sau khi đầu tư vào trái phiếu của Tập đoàn Đèo Cả, ngoài nhận lãi theo định kỳ, nhà đầu tư được cung cấp thông tin thường xuyên về tài chính và các dự án đầu tư của tập đoàn. Từ đó, nhà đầu tư có thể cập nhật các thông tin liên quan đến hoạt động tài chính, để nhà đầu tư yên tâm hơn và tạo tiền đề cho các đợt phát hành trái phiếu lần sau.
Về mặt chính sách, chúng tôi có một số kiến nghị đề xuất để gỡ vướng cho các doanh nghiệp BOT.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, thậm chí phát hành trái phiếu quốc tế, vì lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông đòi hỏi nguồn vốn vô cùng lớn và phù hợp với việc phát hành trái phiếu quốc tế.
Nếu được phát hành trái phiếu chuyển đổi, sau giai đoạn 3-5 năm, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phần, doanh nghiệp biến nợ thành vốn chủ sở hữu. Nghĩa là, doanh nghiệp không còn nghĩa vụ trả nợ, mà sử dụng vốn góp của nhà đầu tư, cùng phát triển doanh nghiệp và dự án đó.
Thứ hai, giống các quốc gia trên thế giới, chúng tôi đề xuất sớm có Quỹ đầu tư hạ tầng, chuyên cho vay ưu đãi, hoặc đầu tư trái phiếu hạ tầng, trái phiếu dự án của doanh nghiệp. Quỹ đầu tư hạ tầng quốc gia cũng có thể rót vốn mồi, vừa tạo niềm tin cho các nhà đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp hạ tầng giao thông, khiến thị trường hấp dẫn hơn.