Doanh nghiệp F&B lay lắt chờ thời
Hơn 40% doanh nghiệp ngành F&B có doanh thu sụt giảm nửa đầu năm, nhiều "ông lớn" tụt dốc trên 60%. Hầu hết các doanh nghiệp đang nỗ lực duy trì năng lực tài chính để hy vọng thị trường thoát đáy vào cuối năm...
Ngày 4/8, iPOS.vn, một doanh nghiệp cung cấp giải pháp quản lý chuyên biệt trong lĩnh vực F&B (kinh doanh ẩm thực, đồ uống) tại Việt Nam công bố kết quả khảo sát thị trường kinh doanh ẩm thực 6 tháng đầu năm 2023.
Khảo sát được thực hiện trên phạm vi 137 nhà hàng, quán cafe, cùng 200 thực khách tại một số tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhằm phác hoạ toàn cảnh thị trường F&B Việt Nam nửa đầu năm 2023 đầy biến động và đưa ra những định hướng phát triển trong giai đoạn cuối năm.
DOANH NGHIỆP LỚN "CO CỤM", DOANH NGHIỆP NHỎ NỖ LỰC NGƯỢC DÒNG
Theo nhìn nhận của ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần iPOS.vn, 6 tháng đầu năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm của thị trường F&B tại Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực ghi nhận doanh thu giảm hoặc giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thị trường vẫn xuất hiện những tín hiệu tích cực từ nhiều mô hình kinh doanh mới, được định vị ở phân khúc bình dân.
Kết quả khảo sát của iPOS.vn cho thấy thị trường F&B 6 tháng đầu năm chứng kiến sự suy giảm đáng kể. Theo khảo sát 137 chủ nhà hàng, cafe tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, có tới hơn 40,1% doanh nghiệp F&B ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm 2023.
"Nếu xét trên quy mô, doanh nghiệp F&B lớn có từ 150 chỗ ngồi trở lên có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi có tới 63,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm", iPOS.vn nêu rõ.
Đặc biệt, thị trường F&B cũng chứng kiến những cuộc rời đi lặng lẽ của các thương hiệu lớn tại khu vực đắt giá.
Nhìn nhận về xu hướng này, CEO Nguyễn Hà Linh, chủ hệ thống nhà hàng Thái Koh, cho biết năm ngoái là thời điểm bùng nổ sức ăn, sức mua khi bị nén bởi một thời gian dài giãn cách.
Tuy nhiên, mọi việc sẽ trở về dần quỹ đạo, suy thoái kinh tế mới được bộc lộ và sức chi tiêu mua sắm của người dân ảnh hưởng rõ rệt nhất từ quý 4/2022. "Thị trường chứng kiến rất nhiều mô hình, đặc biệt, mô hình nhà hàng sang trọng ghi nhận sụt giảm doanh thu từ 40 - 50%, thậm chí là cao hơn", bà Linh thông tin.
Ngược chiều với diễn biến của nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn, iPOS.vn ghi nhận 33% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ có mức doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, với nhiều tín hiệu tích cực. Tỷ lệ sụt giảm doanh thu của nhóm này cũng ở mức thấp hơn rõ rệt (38,8%) so với sự tụt dốc của nhóm có quy mô lớn (63,6%).
Một tín hiệu tích cực khác là theo kết quả khảo sát của iPOS.vn, có tới 89,8% doanh nghiệp nỗ lực duy trì ổn định số lượng cửa hàng hiện có, thậm chí nhiều cửa hàng mở được thêm chi nhánh mới.
Hầu hết các doanh nghiệp hiện đang gồng mình trước sức ép, thử thách hiện tại để vượt qua giai đoạn khó khăn và hướng tới mùa lễ hội cuối năm.
"THẮT LƯNG BUỘC BỤNG", SẢN PHẨM GIÁ RẺ LÊN NGÔI
Cũng theo iPOS.vn, bất chấp những khó khăn của kinh tế, người trẻ đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi có tới 47,5% khách hàng khảo sát thừa nhận rằng mức chi tiêu 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, độ tuổi từ 23 - 25 tuổi là những đối tượng có tỷ lệ tăng mức chi nhiều nhất.
Tuy vậy, dưới sự ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, cùng với đó là làn sóng sa thải của nhiều doanh nghiệp khiến thu nhập một bộ phận người lao động sụt giảm, phải "thắt lưng buộc bụng" khiến mức chi tiêu của khách hàng trong 6 tháng đầu năm cũng có những sự biến động.
Theo trên, có tới 32% khách hàng giảm mức chi tiêu, trong đó đối tượng từ 26 - 31 tuổi có tỷ lệ giảm chi tiêu nhiều nhất, lên tới 52,6%.
Cũng 6 tháng đầu năm 2023 chứng kiến sự mở rộng của mô hình đồ uống bình dân, trong số đó phải kể đến thương hiệu trà sữa Mixue, khi đã cán mốc 1.000 cửa hàng nhượng quyền tại Việt Nam.
Highlands Coffee là thương hiệu đồ uống được nhiều khách hàng ưa chuộng nhất, theo sau đó là Phúc Long Coffe & Tea. Ở phân khúc giá bình dân cũng có thể nhận thấy được sự phát triển mạnh mẽ của một số thương hiệu, điển hình Mixue có tới 27% khách hàng lựa chọn là thức uống yêu thích.
THỊ TRƯỜNG SỚM CHẠM ĐÁY, DOANH NGHIỆP CHỜ THỜI
Theo khảo sát 200 chủ nhà hàng, cafe của iPOS.vn, có 40,1% doanh nghiệp F&B kỳ vọng vào những tín hiệu khả quan hơn của thị trường cuối năm. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp đều khá lạc quan về dòng vốn kinh doanh trong 6 tháng tiếp theo khi có tới 80,3% doanh nghiệp có sức khoẻ tài chính tốt, đủ sức duy trì và phát triển trong 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, 29,2% sẵn sàng đầu tư, phát triển thêm trong tương lai.
Dù vậy cũng có tới 39,4% chủ nhà hàng, cafe nhận định thị trường kinh doanh ẩm thực sẽ khó khăn hơn. Hiện 13,9% số doanh nghiệp thừa nhận rằng họ đang gặp những khó khăn trong dòng tiền ngắn hạn, thậm chí, khoảng 5,8% số doanh nghiệp đang thiếu vốn để duy trì và phát triển
Về phía thực khách, trước những đánh giá khó khả quan về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2023, có tới 50% thực khách sẽ giữ nguyên mức chi tiêu.
Bên cạnh đó, 32,5% thực khách sẽ giảm mức chi tiêu trong năm 2023, cao hơn rõ rệt so với số liệu từng được đưa ra trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực năm 2022 (22,84%).
Theo quan sát từ Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, dự kiến giai đoạn cuối năm sẽ là đáy của thị trường F&B và thị trường sẽ đón một kỳ nghỉ lễ cuối năm với sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng.
Do đó, Tổng Giám đốc iPOS.vn Vũ Thanh Hùng cho rằng các doanh nghiệp trong ngành cần lên những chiến lược phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn này.