Doanh nghiệp FDI khó phục hồi vì thiếu lao động và điện

Anh Quân
Chia sẻ

Sự phục hồi sản xuất của khối doanh nghiệp FDI đang vấp phải những rào cản lớn

Nhiều doanh nghiệp FDI không thể tuyển đủ lao động.
Nhiều doanh nghiệp FDI không thể tuyển đủ lao động.
Những đổi mới trong chính sách đầu tư, thuế và lao động của Việt Nam không phải không nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp tỉnh Aichi (Nhật Bản) tại buổi tọa đàm với các doanh nghiệp tỉnh này, được tổ chức chiều 8/7.

Nhưng, chuyện lao động khó tuyển dụng đủ số lượng, đình công ngày càng nhiều, hay điện mất không báo trước... lại có vẻ thiết thực hơn đối với hơn 40 doanh nghiệp tỉnh Aichi đầu tư tại phía Bắc, và đã được các doanh nhân tỉnh này chuyển đến đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính…, nhờ tháo gỡ.

Thiếu lao động

“Sau chuyến thực địa Việt Nam vào năm ngoái, nhiều vị trong đoàn doanh nghiệp chúng tôi cho biết đã có những suy nghĩ thực tế về việc triển khai đầu tư tại Việt Nam”, Giám đốc điều hành Bộ phận đầu tư và du lịch tỉnh Aichi, ông Masanori Ito thông báo như vậy trong phần phát biểu của mình.

Sự phục hồi sản xuất của khu vực doanh nghiệp FDI thể hiện rất rõ trong các chỉ tiêu kinh tế năm nay, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đến 39,5% (không kể dầu thô), nhập khẩu tăng đến 48,9% trong 6 tháng đầu năm nay.

Sức hấp dẫn ấy biến Việt Nam trở thành điểm ngắm của doanh nghiệp Nhật Bản. Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp từ đất nước "mặt trời mọc" đã đăng ký số vốn đầu tư tới 1,22 tỷ USD vào Việt Nam, và là một trong những nhà đầu tư đứng hàng đầu về giải ngân, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho hay.

Nhưng mặc dù “tin tưởng vào chính sách của Việt Nam”, như vị đại diện cho tỉnh Aichi nói, một loạt các khó khăn trong phát triển sản xuất gần đây đã được nhiều doanh nhân Nhật Bản “kêu” lên với các vị chức sắc Việt Nam.

“Lao động thiếu hụt nhiều và là chuyện nóng bỏng hiện nay, không chỉ ở một số tỉnh phía Nam mà cả ở phía Bắc”, thay mặt các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Koichi Takano, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) nêu vấn đề.

Với khoảng 48 triệu người trong độ tuổi lao động và mỗi năm, gia nhập đội ngũ này có thêm từ 1-1,2 triệu người, việc thiếu lao động tưởng chừng là nghịch lý. Nhưng đúng là như vậy. “Cần đẩy mạnh hình thành các trung tâm đào tạo nghề và có chính sách khuyến khích lao động tại các địa phương di cư đến thành phố làm việc”, ông này nói.

Đáp lại, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Xuân Thành cho rằng, Việt Nam đã “rất cởi mở với việc lao động nông thôn ra thành thị làm việc”.

Nhà nước đã dành 10 tỷ đồng cho một kế hoạch dài hạn đào tạo lao động nông thôn để tạo cơ hội cho các đối tượng này tìm kiếm được việc làm phù hợp. Lao động nhập cư cũng được hưởng chính sách như lao động tại chỗ về mua nhà, nhập hộ khẩu, thụ hưởng các dịch vụ an sinh xã hội…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước một thực tế, nếu số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn đổ dồn về các thành thị, tình trạng quá tải đối với cơ sở hạ tầng xã hội sẽ gây khó khăn không nhỏ, ông cho biết.

Lương thấp, đình công nhiều

Trong khi lao động nhiều nơi thiếu nghiêm trọng, doanh nghiệp tại một số ngành đặc thù gia công treo biển tuyển dụng suốt năm mà không tìm đủ số lượng, các tranh chấp lao động ngày càng gia tăng.

“Đáng tiếc là các vụ việc đình công không giảm, theo tôi được biết, trong vài tháng gần đây đã có 5-6 vụ… căng thẳng nhất là tháng 6 vừa qua”, ông Koichi Takano nói.

“Một số vụ đình công lớn ở Trung Quốc gần đây gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, khiến Chính phủ nước này lo rằng doanh nghiệp sẽ chuyển đầu tư sang các nước khác”, đưa ví dụ này, đại diện JETRO cũng hàm ý cho Việt Nam.

Trước vấn đề này, ông Thành giải thích rằng đình công xảy ra chủ yếu do lợi ích người lao động chưa được giải quyết “sòng phẳng” mà lương thấp cũng có phần nguyên nhân.

“Mức lương tối thiểu theo quy định hiện nay còn thấp”, ông Thành nói. “Với mức chi trả 1,6-1,7 triệu đồng mỗi tháng sẽ khó mà duy trì lao động ổn định trong tình hình hiện nay. Cho nên, đây là nguyên nhân dẫn tới các tranh chấp lao động thời gian vừa qua”.

Cũng theo đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại buổi tọa đàm, Chính phủ đang cố gắng điều tiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên cân nhắc điều chỉnh chính sách tiền lương để giữ lao động ổn định cho doanh nghiệp mình.

Một trong những giải pháp hữu hiệu trước mắt là các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn, nắm tình hình kịp thời và giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người lao động. Khi có đình công xảy ra thì phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm, không để kéo dài, ông Thành khuyến cáo.

"Nóng" chuyện cắt điện

Cắt điện nhiều hơn trong thời gian qua cũng là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Aichi, được nhiều đại diện nêu lên tại buổi tọa đàm.

Tuy rằng vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương và bộ này không có đại diện nào tham dự, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cấp điện liên quan đến môi trường đầu tư, nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất cần có ý kiến về việc này.

“Đã có trường hợp thông báo cắt điện nhưng không cắt, mấy ngày sau không báo lại cắt gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Koichi Takano dẫn kiến nghị được chuyển đến JETRO từ một số doanh nghiệp Nhật Bản.

“Với các doanh nghiệp sản xuất, chúng tôi rất cần được thông báo trước, có lộ trình để chuẩn bị và có giải pháp như cho công nhân nghỉ, bố trí lại kế hoạch sản xuất thích hợp… Rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến về việc này”, ông đề nghị.

Là “nạn nhân” của việc cắt điện quá nhiều, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, ông Kazuo Sato (Công ty Cao su Inuoe Việt Nam) tính toán, số giờ mất điện mỗi năm hiện nay vào khoảng 200 giờ, ông đề nghị có điều chỉnh về tổng số giờ làm thêm mỗi năm để bù vào thời gian mất điện, doanh nghiệp buộc phải cho công nhân nghỉ.

Đồng tình sẽ nêu vấn đề đến Bộ Công Thương để giải quyết thỏa đáng cho doanh nghiệp, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội nói thêm rằng, mức tăng sản lượng điện thương phẩm hàng năm hiện nay đã gấp hai lần tăng trưởng GDP những vẫn thiếu.

“Chính phủ đang nỗ lực giải quyết, cụ thể là kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT vào một số dự án ngành điện”, ông Nội thông báo. “Đã có những nhà máy công suất rất lớn đang được xem xét đầu tư, có thể giảm khó khăn về điện trong thời gian tới”.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con