Doanh nghiệp loay hoay với “kho vàng" dữ liệu khi làm marketing và đâu là lời giải?
Trong những năm gần đây, dữ liệu được xem là “kho vàng" của các doanh nghiệp khi tiến hành các chiến dịch marketing. Tuy nhiên, nắm được “kho vàng" này đã khó, việc phân loại đâu là “vàng" đâu là “rác" hay sử dụng sao cho hiệu quả với nhiều doanh nghiệp vẫn còn là cả một chặng đường dài…
“Đã bao nhiêu lần bạn và doanh nghiệp của mình rơi vào tình huống dù có dữ liệu để bắt đầu một chiến dịch quảng cáo mới, nhưng bạn không chắc chiến dịch này sẽ thành công?”...
Đây là câu hỏi đáng chú ý được ông David Lapetina, Phó Chủ tịch Kỹ thuật & Công nghệ, Công ty Kyanon Digital đưa ra trong phần mở đầu bài thuyết trình trong khuôn khổ Hội thảo Vietnam Martech Innovation 2023 diễn ra mới đây.
“KHI CÓ CÁC TÀI SẢN NHƯ NHÀ HAY XE, NGƯỜI TA VẪN LAU CHÙI, BẢO DƯỠNG, NHƯNG VỚI “KHO VÀNG" DỮ LIỆU THÌ CHƯA…”
Là một chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dữ liệu tại cả thị trường Việt Nam và quốc tế, ông David Lapetina cho biết, khi bắt đầu các chiến dịch marketing và quảng cáo, nhiều công ty còn quá tập trung vào việc sử dụng những thiết kế đẹp mắt để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, mà quên rằng việc thu thập dữ liệu từ trải nghiệm của khách hàng và tận dụng các dữ liệu đó là rất quan trọng.
“Dữ liệu là tài sản chiến lược của công ty. Khi doanh nghiệp và đội ngũ thực hiện các chiến dịch marketing không chú trọng đến những dữ liệu này, sẽ rất khó để họ có thể đạt được kết quả như mong muốn”, ông David Lapetina nói. Chuyên gia này ví von, với các tài sản như một ngôi nhà hay một chiếc xe, ông vẫn thấy người ta thường hay lau chùi hay bảo dưỡng nó. “Thế nhưng, điều tôi thường thấy lại là nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng làm sạch “tài sản" dữ liệu của mình một cách thường xuyên", ông David nhấn mạnh.
Còn theo ông Jack Nguyễn, Giám đốc Điều hành Insider Đông Nam Á cũng chia sẻ rằng ông có một khái niệm đó là “dữ liệu là tài sản của doanh nghiệp". Và dữ liệu cần phải thu thập và kết nối từ rất nhiều nguồn để ra được “360 profile". "Doanh nghiệp và các tổ chức làm marketing chỉ có thể làm khác đi khi thực sự có nhiều nguồn dữ liệu", ông Jack chia sẻ.
Lãnh đạo của Insider Đông Nam Á chia sẻ, các doanh nghiệp có thể tận dụng các đoạn chat trên Facebook hay Instagram khi tương tác với khách hàng tiềm năng để kể cả khi họ không mua hàng thì cũng có thể chuyển những thông tin này thành nguồn dữ liệu. Hay dữ liệu cũng có thể được thu thập khắp nơi, từ nơi đặt QR code, standee hoặc Zalo, Messenger sau khi giao dịch…
CÓ DỮ LIỆU RỒI THÌ CÁC BƯỚC TIẾP THEO LÀ GÌ?
Theo Phó Chủ tịch Kỹ thuật & Công nghệ Công ty Kyanon Digital, doanh nghiệp và các đội ngũ thực hiện các chiến dịch marketing cần đảm bảo chất lượng dữ liệu và tính toàn vẹn của dữ liệu. Hay nói cách khác, khi truyền tải thông tin đến từng khách hàng thì những thông tin ấy cần được chọn lọc và cá nhân hóa trước khi gửi.
“Các khách hàng sẽ không muốn nhận được hai, ba tin nhắn với cùng một nội dung như nhau. Tương tự, nếu thông tin không đầy đủ, họ sẽ cho rằng tin nhắn ấy không phù hợp với mình”, ông David Lapetina chia sẻ và cho biết, không chỉ vậy, thứ doanh nghiệp cần có khi thực hiện các chiến dịch marketing là dữ liệu chính xác và được cập nhật theo thời gian thực.
Việc sắp xếp và đồng bộ hoá các dữ liệu trên các nền tảng cũng là điều vô cùng quan trọng. Khi làm việc tại Kyanon và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, ông David Lapetina cũng nhận thấy một thực tế là nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để quản lý các nền tảng và mạng xã hội của mình mà không đồng bộ hoá dữ liệu cốt lõi.
Chẳng hạn, người dùng mạng xã hội có thể vô tình bắt gặp quảng cáo trên Instagram, tuy nhiên khi bấm vào link thì sản phẩm này không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên, nếu truy cập vào trang web thì sản phẩm vẫn được cập nhật ở đó. “Khi họ đến cửa hàng và được báo là sản phẩm đã hết. Và kết quả là khách hàng đó sẽ mua hàng của nhà cung cấp đối thủ và không bao giờ quay lại mua hàng của bạn vì trải nghiệm tồi tệ", ông David dẫn chứng.
Theo ông Jack Nguyễn, CDP (Customer Data Platform) - nền tảng công nghệ dữ liệu khách hàng hay Marketing Automation (tự động hoá tiếp thị) được biết đến trong những năm qua đến cuối cùng vẫn chỉ để chốt lại xem liệu khách hàng đã biết đến thương hiệu ấy hay chưa, vị khách hàng ấy có dễ ra quyết định và có yêu quý thương hiệu để sau này quay lại mua tiếp hay không? “Mục đích cuối cùng vẫn là để chạm tới giác quan của con người để họ đưa ra quyết định mua dễ hơn. Nếu chỉ CDP hay Marketing Automation thì dù có giỏi đến mấy nhưng không có traffic đầu vào thì cũng chết”, ông Jack chia sẻ. Đơn cử như Starbucks hay Iphone của Steve Jobs đều là những thứ được bán dựa trên trải nghiệm, dựa trên cảm xúc.
Các chuyên gia, cho rằng việc phân tích dữ liệu sở thích và hành vi của khách hàng cung cấp cho các nhãn hàng, doanh nghiệp bán hàng một nguồn thông tin giá trị để hiểu biết sâu hơn về khách hàng, có thể đưa ra dự đoán nhu cầu của khách hàng trong tương lai. Các giải pháp liên quan đến dữ liệu lớn cho phép các thương hiệu tối ưu hóa giao tiếp với khách hàng và cung cấp nhiều trải nghiệm được cá nhân hóa hơn, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Ông David Lapetina chia sẻ, doanh nghiệp hay những người xây dựng chiến dịch marketing cũng cần biết cách kể các câu chuyện ấn tượng từ dữ liệu. Chẳng hạn khi một doanh nghiệp đang muốn bán một giải pháp nhằm giúp tối ưu hoá công việc hàng ngày của mọi người. Và sau rất nhiều nghiên cứu, giải pháp này được ghi nhận là có thể giúp mọi người có thể tiết kiệm 5% thời gian làm việc.
Theo chuyên gia này, nếu đội ngũ marketing chỉ nói về con số 5%, có lẽ nhiều người sẽ không quan tâm lắm bởi 5% của một giờ đồng hồ tính ra chỉ là 3 phút, là một con số rất nhỏ. Nhưng nếu họ đào sâu dữ liệu và biết rằng các khách hàng mục tiêu của họ phần lớn là những phụ nữ làm việc các công việc như freelancer tại nhà, đội ngũ xây dựng chiến dịch marketing có thể có một câu chuyện tốt hơn để lan toả tới khách hàng. Chẳng hạn như, nếu dùng nền tảng này, bạn có thể dành thời gian ra được thêm 18 ngày cho gia đình bạn mỗi năm.
“Con số này có lẽ hấp dẫn và ấn tượng hơn nhiều”, ông David nói và nhấn mạnh, dữ liệu thực sự là huyết mạch của một công ty. “Mọi thứ trong Martech hay các phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) đều cần có dữ liệu. Dữ liệu cần có chất lượng tốt, được quản lý tốt và xây dựng các chiến lược marketing dựa vào độ sâu và tinh của kho dữ liệu thực sự rất quan trọng để doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh và bứt phá trong bối cảnh hiện nay",ông David Lapetina kết luận.