Doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân 4,6 triệu đồng
Thống kê đến ngày 12/12, có 100 doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch 2023, với mức thưởng bình quân là hơn 4,6 triệu đồng/người; cao nhất là 260 triệu đồng, song thấp nhất chỉ 100.000 đồng...
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc ngày 15/12 đã thông tin về tình hình tiền lương, kế hoạch thưởng Tết Âm lịch năm 2023 của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
MỨC THƯỞNG CAO NHẤT THUỘC VỀ DOANH NGHIỆP FDI
Theo đó, tính đến ngày 12/12/2022, có 106 doanh nghiệp sử dụng 51.151 lao động trên địa bàn tỉnh có báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và dự kiến thưởng Tết năm 2023. Bao gồm, 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 32 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 68 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, về tình hình Thưởng Tết Dương lịch 2023, có 75/106 doanh nghiệp báo cáo sử dụng 39.447 lao động có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch. Trong đó, mức thưởng bình quân là 1.818.027 đồng/người; cao nhất là 101.000.000 đồng/người (1 doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp). Năm 2021, các doanh nghiệp báo cáo mức thưởng Tết dương lịch bình quân là 1.696.647 đồng/người.
Đối với thưởng Thưởng Tết Âm lịch, có 100/106 doanh nghiệp báo cáo sử dụng 50.361 lao động có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch. Trong đó, mức thưởng bình quân là 4.643.148 đồng/người; cao nhất là 260 triệu đồng/người thuộc về 1 doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp), thấp nhất là 100.000 đồng/người (lao động làm việc dưới 1 tháng).
Trong đó, 4 doanh nghiệp có vốn nhà nước sử dụng 378 lao động dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân là 1.833.333 đồng/tháng, mức cao nhất là 5.000.000 đồng/tháng, mức thấp nhất là 1.000.000 đồng/tháng.
31 doanh nghiệp ngoài nhà nước sử dụng 6.912 lao động dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân là 4.908.307 đồng/tháng, mức cao nhất là 41.600.000 đồng/tháng, mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng.
65 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 43.071 lao động dự kiến thưởng Tết Âm lịch bình quân là 7.320.407 đồng/tháng, mức cao nhất là 260 triệu đồng/tháng, mức thấp nhất là 100.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, trong 100 doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Âm lịch, có 66 doanh nghiệp dự kiến tặng giỏ quà Tết cho người lao động với giá trị từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng/giỏ tùy từng doanh nghiệp; 61 doanh nghiệp dự kiến tổ chức tiệc tất niên toàn công ty; 42 doanh nghiệp dự kiến tổ chức khen thưởng lao động xuất sắc năm 2022 trước Tết Âm lịch; 13 doanh nghiệp dự kiến hỗ trợ người lao động ở xa một phần kinh phí về quê ăn Tết; 10 doanh nghiệp hỗ trợ xe ô tô đưa lao động ở xa về quê ăn Tết.
Về tiền lương thực trả năm 2022 của người lao động trên địa bàn bình quân là 10,2 triệu đồng/người/tháng; mức cao nhất là 106.730.000 đồng/người/tháng (1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng ngoài khu công nghiệp); mức thấp nhất là 3,64 triệu đồng/người/tháng.
Tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, bình quân là 7,01 triệu đồng/người/tháng, mức cao nhất là 26.816.400 đồng/người/tháng, mức thấp nhất là 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước, bình quân là 7,03 triệu đồng/người/tháng, mức cao nhất là 51.025.194 đồng/người/tháng, mức thấp nhất là 3,64 triệu đồng/người/tháng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hơn 9,3 triệu đồng/người/tháng, mức cao nhất là 106.730.000 đồng/người/tháng, mức thấp nhất là 3,64 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, có 1 doanh nghiệp đang nợ lương của 160 người lao động từ tháng 6/2022 đến hết tháng 10/2022 với số tiền 2,2 tỉ đồng. Công ty đang tích cực đàm phán với các đối tác để tháo gỡ, thanh toán tiền lương cho người lao động.
CHƯA CÓ DOANH NGHIỆP CẮT GIẢM LAO ĐỘNG TRÊN QUY MÔ LỚN
Về tình hình biến động lao động, báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng thông tin, từ ngày 1/7/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2.907 lượt doanh nghiệp có biến động về lao động, với số lao động được tuyển dụng cao hơn số lao động nghỉ việc (có 41.201 lao động được tuyển mới/35.397 lao động chấm dứt hợp đồng lao động).
Trong đó, chia theo loại hình doanh nghiệp, có 5 doanh nghiệp nhà nước tuyển mới 7 lao động, chấm dứt hợp đồng lao động 32 lao động. Có 2.489 doanh nghiệp dân doanh tuyển mới 12.862 lao động, chấm dứt hợp đồng lao động 9.620 lao động; 413 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển mới 28.332 lao động, chấm dứt hợp đồng lao động 25.754 lao động.
Ttheo ngành nghề sản xuất-kinh doanh, 31 doanh nghiệp dệt may tuyển mới 1.475 lao động, 1.775 lao động chấm dứt hợp đồng lao động; 5 doanh nghiệp da giày tuyển mới 1.955 lao động, 2.269 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 48 doanh nghiệp điện tử tuyển mới 15.583 lao động, 14.690 lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
18 doanh nghiệp cơ khí tuyển mới 2.310 lao động song có 1.985 lao động chấm dứt hợp đồng lao động; ngoài ra có 2.805 doanh nghiệp các ngành nghề khác như chế biến, giáo dục, y tế, mua bán vật liệu xây dựng, vận tải cũng tuyển mới 19.878 lao động, 14.678 lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tình hình biến động về lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh do nhiều lý do, nhưng không có doanh nghiệp phải cắt giảm lao động quy mô lớn. Từ tháng 7/2022, trên địa bàn tỉnh không có doanh nghiệp do sản xuất, kinh doanh khó khăn phải cắt giảm từ 100 lao động trở lên.