Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kêu “khổ” vì kiểm tra chuyên ngành
Khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, lo ngại vì quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi, 59 % doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành…
Ngày 2/3, tại thành phố Hải Dương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Ủy ban nhân dân 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng tổ chức Hội nghị đối thoại với chủ đề: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên”.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cũng như nhiều Hiệp hội đã nêu nhiều vướng mắc. Hiện có khoảng 38% doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính, lo ngại vì quy định pháp luật về thông quan hay thay đổi, 59 % doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành…
Các ý kiến đều khẳng định, để có được sự phát triển trong thương mại nói chung, xuất nhập khẩu hàng hoá nói riêng, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường liên kết vùng, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, đặc biệt là các hoạt động thương mại qua biên giới cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kiến nghị hải quan và các cơ quan liên quan đến giải quyết thủ tục xuất nhập khẩu cần kết nối, chia sẻ dữ liệu chung về lịch sử kiểm tra hàng hóa của doanh nghiệp để giảm chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành; hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn với các thủ tục xác định mã hồ sơ (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu); xây dựng cơ chế giám sát kỷ cương hành chính, công vụ và minh bạch trong xử lý cán bộ vi phạm, có các cơ chế hiệu quả để doanh nghiệp kiến nghị và khiếu nại hành vi sách nhiễu, gây phiền hà. Tiếp tục cải thiện hoạt động của Cổng thông tin một cửa quốc gia…
Trước các ý kiến của doanh nghiệp, dại diện Tổng cục Hải quan, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cũng đã giải đáp một số vướng mắc đồng thời nêu hướng tháo gỡ để nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia, tăng cường tính liên thông giữa các bộ, ngành.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số về mặt chứng từ, thủ tục, hồ sơ nhằm rút ngắn thời gian, thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; đầu tư hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch, chú ý các tuyến đường chuyên dùng, bổ sung thêm cảng cạn để tăng tính kết nối và giảm chi phí cho doanh nghiệp …
Theo ông Lê Mạnh Cương, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Logistics Hải Phòng, hiện nay hệ thống một cửa quốc gia chưa có sự kết nối đồng bộ và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ví dụ, doanh nghiệp khai báo thủ tục kiểm dịch thực vật cho lô hàng xuất nhập khẩu trên cổng thông tin điện tử quốc gia (VNSW) khi cơ quan kiểm dịch cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thì vẫn còn có công đoạn thủ công hoặc là doanh nghiệp in giấy chứng nhận kiểm dịch cầm cho cơ quan Hải quan xem hoặc thông báo bằng điện thoại cho công chức Hải Quan để làm các thao tác nghiệp vụ thông quan cho lô hàng trên hệ thống lúc đó tờ khai mới được thông quan…