Doanh thu của Kering tăng trưởng nhờ Saint Laurent, không phải Gucci
Tập đoàn Kering của Pháp cho biết, vượt khỏi kỳ vọng của các nhà phân tích trong 6 tháng đầu năm, họ đã tạo ra doanh thu tổng thể là 10,1 tỷ USD (tương đương 9,9 tỷ Euro)…
Tuy nhiên, động lực thúc đẩy sự tăng trưởng này của năm nay đến từ Saint Laurent – thương hiệu ít tiếp xúc với thị trường Trung Quốc hơn so với các thương hiệu khác thuộc Kering. Nhãn hàng do giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello và giám đốc điều hành Francesca Bellettini điều hành đã chứng kiến doanh thu toàn cầu tăng 34% lên 1,5 tỷ đô la so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệu suất của Saint Laurent vượt xa Gucci – thương hiệu thường xuyên giữ ngôi vị hàng đầu của Kering về tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, Gucci chỉ tăng 8% trong 6 tháng đầu năm nay do lưu lượng cửa hàng thấp và các vấn đề hậu cần, điều mà CFO Jean-Marc Duplaix ghi nhận cho “lực cản rõ ràng” mà hãng đã trải qua ở Trung Quốc đại lục trong quý 2. Trong khi đó, Saint Laurent hưởng lợi nhờ thị trường châu Âu và khách du lịch Mỹ.
Điều này không mấy ngạc nhiên, vì kết quả kinh doanh tại Trung Quốc là điều đã được dự đoán trước bởi chính sách “zero Covid” tại nước này, và những phản ứng tương tự cũng đã xảy đến với các đối thủ như Louis Vuitton và tập đoàn LVMH. Hiệu suất kinh doanh của Trung Quốc đã kéo toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi xuống, trong khi người tiêu dùng Mỹ và thị trường châu Âu mới là nơi chứng kiến sự phục hồi trong 2 quý đầu tiên của năm tài chính 2022.
Gucci cũng đã chịu nhiều thiệt hại hơn các đối thủ như Louis Vuitton hay Hermes thuộc sở hữu của LVMH do các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Cổ phiếu của Kering đã giảm 26% kể từ đầu năm so với mức giảm 16% của tập đoàn LVMH nhờ hoạt động kinh doanh của tập đoàn này đa dạng hơn.
Giám đốc tài chính Jean-Marc Duplaix cho biết hoạt động kém hiệu quả của Gucci một phần là do thương hiệu này tiếp xúc với thị trường Trung Quốc đại lục nhiều hơn so với một số đối thủ cạnh tranh. Công ty dịch vụ tài chính Barclays ước tính nhãn hàng này tạo ra khoảng 35% doanh thu hàng năm ở Trung Quốc cho Kering, so với mức 27% từ mảng thời trang và hàng da của LVMH và 26% của Hermes.
Tuy nhiên, Kering vẫn đặt kế hoạch và kỳ vọng rất lớn cho Gucci, với chiến lược nâng tầm của thương hiệu này tại thị trường tỷ dân, sau khi các nhà phân tích của Jefferies dự đoán doanh số bán hàng xa xỉ tại Trung Quốc sẽ giảm 15% trong nửa đầu năm, nhưng sau đó sẽ tăng khoảng 11% vào nửa cuối năm 2022.
Do đó, Gucci đã có kế hoạch tạo ra một bộ sưu tập trang sức cao cấp mới; phát hành chiến dịch Love Parade quy tụ nhiều ngôi sao đi kèm với sự kiện “Guccywood Club” ở Thành Đô; khởi động dự án văn hóa "Blooming Shanghai"… Kering cũng đã thuê cựu giám đốc điều hành của Tiffany Laurent Cathala để điều hành các hoạt động tại Trung Quốc cho Gucci.
Các nhà phân tích cho biết ông Laurent Cathala dự kiến sẽ hỗ trợ các nhóm hoạt động tại Trung Quốc, giúp họ nắm bắt các hoạt động tiếp thị và quảng cáo, một động thái bất thường trong ngành thời trang, khi mà các chiến lược quảng cáo thường do các giám đốc điều hành tại châu Âu như Paris hoặc Milan chỉ đạo.
Theo Leaf Greener, một nhà tư vấn thương hiệu cao cấp tại Thượng Hải, việc trao quyền cho các đơn vị hoạt động tại Trung Quốc được xem là yếu tố quan trọng trong bối cảnh việc hiểu rõ văn hóa và nhu cầu của khách hàng địa phương ngày càng trở nên quan trọng. Ông Greener cho hay các thương hiệu chưa quan tâm đúng mức đến việc làm thế nào để xây dựng cầu nối văn hóa. Việc sử dụng người nổi tiếng để bán sản phẩm không còn tạo ra được hiệu ứng mong muốn như trước đây nữa.
Kering không nêu rõ dự báo của mình cho năm tài chính 2023. Tuy nhiên, trong buổi giới thiệu với các nhà đầu tư vừa qua, tập đoàn vạch ra kế hoạch tăng doanh thu hàng năm của Gucci lên 15 tỷ euro bằng cách tăng giá, sản xuất các bộ sưu tập cao cấp hơn và đẩy nhanh hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc - vốn là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các thương hiệu xa xỉ phẩm.
Hiện Kering cũng như các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao thị trường Trung Quốc, dự kiến trở thành thị trường lớn nhất trong lĩnh vực xa xỉ vào năm 2025, để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nghiêm ngặt kể từ tháng 3/2022 đối với nhu cầu thời trang và phụ kiện cao cấp.
Bên cạnh đó, tuy suy thoái ở thị trường Trung Quốc nhưng Gucci vừa qua đã xuất sắc vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu được tìm kiếm và đề cập nhiều nhất trên toàn cầu trong vài tháng qua theo số liệu của Lyst, phá vỡ chuỗi chiến thắng kéo dài 9 tháng của Balenciaga. Chỉ số Lyst lưu ý rằng sự tăng bậc của Gucci trong danh sách xảy ra nhờ một loạt các buổi ra mắt thành công các bộ sưu tập mới nhất của hãng. Chắc chắn, bộ sưu tập hợp tác giữa Adidas x Gucci là một trong những yếu tố quyết định.