Doanh thu HiSilicon của Huawei tăng gấp đôi bất chấp lệnh hạn chế bán dẫn
Nhà sản xuất chip HiSilicon của Trung Quốc ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi bất chấp lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ…

Doanh thu HiSilicon tăng gấp đôi vào năm 2024 cho thấy nghịch lý cốt lõi trong khả năng phục hồi của ngành bán dẫn Trung Quốc: bị hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến phương Tây, nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ ở thị trường nội địa được bảo hộ, theo Tech Wire Asia.
Đơn vị thiết kế chip của Huawei đạt mức tăng trưởng 100% so với cùng kỳ năm trước bất chấp nhiều hạn chế thương mại nghiêm ngặt mà Hoa Kỳ áp đặt.
Counterpoint Research báo cáo HiSilicon chiếm 12% thị trường chip điện thoại thông minh Android cao cấp toàn cầu vào năm 2024, tăng từ 8% vào năm 2023, đảm bảo vị trí thứ ba sau Qualcomm (59%) và Samsung Electronics (13%).
Sự tăng trưởng, chủ yếu nhờ doanh số mạnh mẽ của dòng điện thoại thông minh Pura 70 và Mate 70 của Huawei, đặt ra câu hỏi về hiệu quả của lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và tính khả thi của chiến lược tách biệt công nghệ.
THÀNH CÔNG TẠI THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
Tăng trưởng doanh thu của HiSilicon là cột mốc quan trọng trong quá trình phục hồi ngành bán dẫn Trung Quốc, đặc biệt khi xét đến loạt hạn chế thương mại bắt đầu từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào năm 2019.
Lệnh trừng phạt đưa Huawei vào danh sách đen và bị cắt đứt nguồn cung cấp chip từ năm 2020, làm tê liệt tiến bộ về công nghệ của công ty.
Bất chấp thách thức, Huawei ra mắt thành công dòng điện thoại Mate 60 vào năm 2023, sử dụng bộ vi xử lý Kirin 9000s, được cho là sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc với Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế (SMIC) là đối tác sản xuất.
Công ty tiếp tục đà phát triển với smartphone Pura 70 sử dụng bộ xử lý Kirin 9010 và sau đó là Mate 70 với chip Kirin 9020.
Theo tổ chức nghiên cứu về chất bán dẫn TechInsights đến từ Canada, "Kirin 9020 không phải là thiết kế hoàn toàn mới so với một số phiên bản trước đó", điều này cho thấy HiSilicon đang tập trung vào cải tiến mang tính lặp đi lặp lại thay vì thay đổi mang tính cách mạng trong bối cảnh hiện tại gặp nhiều hạn chế.

THÁCH THỨC MỚI XUẤT HIỆN
HiSilicon vẫn đang chịu nhiều rào cản khi chính quyền Washington gần đây ban hành hướng dẫn xác định việc sử dụng chip trí tuệ nhân tạo Ascend của Huawei "ở bất kỳ đâu trên thế giới" là hành vi vi phạm kiểm soát xuất khẩu Hoa Kỳ.
Điều này càng làm phức tạp thêm nỗ lực của Huawei trong việc mở rộng năng lực bán dẫn toàn cầu. Đồng thời, HiSilicon phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ đối thủ nội địa MediaTek (Đài Loan).
MediaTek chiếm 11% thị trường chip điện thoại thông minh Android cao cấp toàn cầu vào năm 2024, với doanh thu tăng 88% so với cùng kỳ năm trước, gần bằng tốc độ tăng trưởng của HiSilicon. Trong khi đó, một số đại gia Trung Quốc khác cũng đang đi theo con đường của Huawei khi đầu tư nghiên cứu thiết kế chip riêng.
Xiaomi, một trong những đối thủ chính của Huawei, chuẩn bị ra mắt chipset điện thoại thông minh Xring O1 trong tháng này, theo thông báo từ nhà sáng lập kiêm CEO Lei Jun trên Weibo.
NGOÀI PHẠM VI ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH
Là một phần thuộc chiến lược mở rộng, HiSilicon đang để mắt tới ngành công nghiệp ô tô. Sự đa dạng hóa được cho là dấu hiệu của “Kế hoạch dự phòng 2.0” từ Huawei – bước ngoặt chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh chip điện thoại.
Chủ tịch luân phiên Huawei Xu Zhijun trước đây đã công bố kế hoạch xây dựng nền tảng buồng lái thông minh dựa trên chip Kirin và hệ điều hành Harmony của công ty. HiSilicon cũng ký thỏa thuận hợp tác với hãng sản xuất ô tô Trung Quốc BYD nhằm ra mắt Kirin 710A, hệ thống chip đầu tiên cung cấp năng lượng cho buồng lái kỹ thuật số.
Chiến lược mở rộng sang thị trường ô tô phù hợp với cách tiếp cận của nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) được nêu trong tài liệu công ty năm 2019, trong đó vị lãnh đạo tuyên bố: “Huawei không sản xuất ô tô, mà tập trung vào ngành công nghiệp ICT (Công nghệ Thông tin và Truyền thông) để trở thành nhà cung cấp linh kiện ICT gia tăng cho ô tô, hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô”. Chiến lược cho phép Huawei áp dụng chuyên môn bán dẫn trong lĩnh vực đang phát triển và đa dạng hóa khỏi các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn chế từ Hoa Kỳ.
TRIỂN VỌNG DÀI HẠN VẪN CHƯA CHẮC CHẮN
Mặc dù hiệu suất hiện tại của HiSilicon cho thấy kết quả phục hồi đáng kể, nhà phân tích Akash Jatwala thuộc Counterpoint cho biết khả năng tăng trưởng của công ty "vẫn không chắc chắn trong dài hạn" do vấn đề chuỗi cung ứng và hạn chế bên ngoài Trung Quốc.
Việc thiếu Google Mobile Services trên thiết bị Huawei tiếp tục cản trở sức hấp dẫn quốc tế của hãng, hạn chế thị phần toàn cầu tiềm năng. Hiện tại, Huawei dường như chưa có ý định thay đổi chiến lược tự chủ về công nghệ.

Vào năm 2019, khi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ lần đầu tiên đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng công ty, ông He Tingbo, Chủ tịch HiSilicon, đã công bố lá thư gửi nhân viên ví đây là hành trình khó khăn nhưng cần thiết nhằm hướng tới sự độc lập khỏi công nghệ nước ngoài.
Cho đến nay, phương pháp đã mang lại một số kết quả ấn tượng, với doanh thu tăng gấp đôi là bằng chứng cho thấy khả năng phục hồi trước những trở ngại từ bên ngoài của hãng.
Tuy nhiên, khi hạn chế quốc tế ngày càng thắt chặt cũng như cạnh tranh trong nước ngày càng tăng, việc duy trì quỹ đạo tăng trưởng sẽ đòi hỏi đổi mới và đa dạng liên tục ngoài phạm vi thị trường điện thoại thông minh.
Thành công của HiSilicon góp phần minh chứng cho nỗ lực mở rộng của Trung Quốc hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp về công nghệ bán dẫn – ngành công nghiệp quan trọng hỗ trợ mọi lĩnh vực, từ đồ điện tử tiêu dùng đến an ninh quốc gia.
Khi căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục định hình bối cảnh công nghệ toàn cầu, hiệu suất của HiSilicon vẫn là chỉ báo quan trọng cho thấy hiệu quả của các công ty Trung Quốc trong việc vượt qua hạn chế quốc tế và theo đuổi đổi mới trong nước.