Đối thoại chuyên đề: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP"
Với chủ đề: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP", đối thoại chuyên đề sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào 14h ngày 20/1/2022 trên nền tảng điện tử VnEconomy và Fanpage VnEconomy…
Theo số liệu cập nhật từ thị trường, năm 2021 ghi nhận kỷ lục về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với quy mô 637 nghìn tỷ, tăng 48% so với 2020. Kỳ hạn bình quân, đạt 3,6 năm.
Số liệu trên cho thấy, kênh trái phiếu doanh nghiệp đã trở thành trụ cột thực sự của dòng vốn trung dài hạn trên thị trường, đóng góp vào việc chia sẻ bớt gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, như hai mặt của đồng xu, nhìn lại tổng thể bức tranh thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhiều năm qua, đã bộc lộ không ít rủi ro đối với nhà đầu tư.
Trong đó, nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhưng lại “lờ mờ” đó là “trái phiếu ngân hàng” và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp nhưng được ngân hàng bảo lãnh thanh toán trong khi trên hợp đồng là đại lý phát hành. Trong khi, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì ngân hàng thương mại không được thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
Hay thậm chí, có những doanh nghiệp đã hết dư địa tiếp cận tín dụng và hầu như không còn tài sản bảo đảm cho các khoản vay mới khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã dựng lên những công ty rỗng ruột phát hành “cổ phiếu rác” để làm tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu.
Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và không có điều kiện tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về nhà phát hành trong bối cảnh bị mồi nhử lãi suất cao thu hút, đã khiến cho giới phân tích nhìn nhận hiện tượng trên tiềm ẩn rủi ro, là “bom nổ chậm”, sẽ gây bất ổn đối với thị trường tài chính, nhất là vào thời điểm đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp...
Trước thực tế này, ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về “chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, hiệu lực thi hành vào 1/1/2021, nhằm hướng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Song, cũng chỉ sau chưa đầy một năm thực hiện, với những diễn biến nhanh chóng của thị trường đã khiến cơ quan quản lý phải tiến hành dự thảo sửa đổi. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý cũng phải liên tục bám sát, cập nhật để theo kịp với tình hình.
Bởi vậy, tại dự thảo sửa đổi lần này, đã dự liệu nhiều tình huống hơn, theo hướng chặt chẽ hơn, nhằm phản ánh đúng chất lượng hàng hóa và hướng dòng tiền đến đúng đích.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ở một số điều khoản, có vẻ như sẽ gây cản trở, tắc nghẽn thị trường. Chẳng hạn: (i) chưa tạo cơ sở để tăng thành phần nhà đầu tư tham gia vào thị trường như các quỹ, nhà đầu tư nước ngoài; (ii) một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ đang hướng đến “siết chặt” không gian hoạt động của thị trường; (iii) quy mô nhà phát hành quá lớn trong khi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm lại quá ít.
Từ thực tế này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam tổ chức tọa đàm: "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP".
Tham dự tọa đàm có các diễn giả:
- Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính);
- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội;
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA);
- Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FiinGroup;
- Bà Phạm Phương Lan, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV);
- Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ VietinBank.
Nội dung Tọa đàm sẽ được phát sóng trực tuyến vào 14h ngày 20/1/2022 trên nền tảng điện tử VnEconomy và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!