Đổi trụ thành công, VN-Index tăng phiên thứ 7 liên tiếp, vốn ngoại mua ròng ấn tượng
Sự suy yếu của cổ phiếu ngân hàng đã gây khó khăn nhất nhất định cho thị trường phiên đầu tuần khi VN-Index có tới hai lần mất gần hết đà tăng để lùi lại sát tham chiếu. Tuy nhiên vẫn còn có các trụ khác, VHM, VIC nâng đỡ và đặc biệt là trọn phiên, độ rộng luôn áp đảo ở phía tăng giá. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài cũng đột biến tăng lên mức cao nhất 23 phiên...
Sự suy yếu của cổ phiếu ngân hàng đã gây khó khăn nhất nhất định cho thị trường phiên đầu tuần khi VN-Index có tới hai lần mất gần hết đà tăng để lùi lại sát tham chiếu. Tuy nhiên vẫn còn có các trụ khác, VHM, VIC nâng đỡ và đặc biệt là trọn phiên, độ rộng luôn áp đảo ở phía tăng giá. Dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài cũng đột biến tăng lên mức cao nhất 23 phiên.
Ảnh hưởng đáng chú ý nhất vẫn là diễn biến nhiễu loạn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sự phân hóa đã có, nhưng nhiều mã vẫn giảm khá mạnh, tiêu biểu là STB. Sau phiên bắt đáy tích cực cuối tuần trước, STB vẫn không thể hồi lên được hôm nay mà càng về cuối giảm càng mạnh. Đóng cửa cổ phiếu này bốc hơi thêm 3,45% nữa với thanh khoản 41,7 triệu cổ tương ứng 1.181,3 tỷ đồng.
STB không còn đủ sức tác động rộng đến toàn nhóm ngân hàng nữa, nhưng số lớn cổ phiếu vẫn giao dịch kém. VCB, CTG, TCB, MBB, BID cũng nằm trong số giảm, ACB, SHB, HDB may mắn giữ được tham chiếu. Có thể thấy hầu hết các cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 là kém. VPB tăng 2,76% và VIB tăng 0,74% là hai mã duy nhất còn xanh.
May mắn là ngân hàng suy yếu đã có sự bù đắp khá tốt từ nhóm trụ còn lại. VHM tăng 4,61%, VIC tăng 2,92% đã kéo lại tới 4,4 điểm cho VN-Index, là lý do chỉ số này đóng cửa tăng 4,73 điểm so với tham chiếu. VN-Index phiên hôm nay là câu chuyện của vốn hóa, chứ không phải của cổ phiếu tăng giá nói chung.
Còn đối với nhà đầu tư, độ rộng mới là câu chuyện đáng quan tâm. Chỉ số đang bị ép mạnh từ sự thiếu đồng thuận của nhóm trụ, nhưng dòng tiền vẫn tìm được lối đi riêng. Độ rộng của VN-Index phiên này vẫn thể hiện là một phiên tăng giá tích cực, khi có tới 260 mã tăng/171 mã giảm. Đáng chú ý là trong toàn bộ thời gian giao dịch, số lượng mã tăng luôn áp đảo số giảm, ngay cả khi VN-Index biến động xấu nhất: Đáy đầu tiên của chỉ số lúc 9h32, chỉ số tụt xuống còn tăng hơn 1 điểm so với tham chiếu, HoSE vẫn có 226 mã tăng/96 mã giảm. Ở đáy thứ hai lúc 2h22 chiều, VN-Index còn tăng 0,92 điểm, độ rộng cũng là 229 mã tăng/203 mã giảm.
Trong số 260 cổ phiếu chốt phiên trên tham chiếu, vẫn có 125 cổ phiếu tăng hơn 1%. 11 mã kịch trần cũng xuất hiện vài đại diện thanh khoản rất tốt như LDG giao dịch 103,4 tỷ đồng; HTN giao dịch 30,5 tỷ; DXS giao dịch 39,8 tỷ; VNS giao dịch 11 tỷ.
Trong số tăng tốt còn lại, rất nhiều cổ phiếu đạt thanh khoản ấn tượng như DIG khớp lệnh 1.102,7 tỷ đồng, giá tăng 3,35%; VPB khớp 696,3 tỷ, giá tăng 2,76%; DXG khớp 431 tỷ, giá tăng 3,49%, VIX khớp 345,7 tỷ, giá tăng 3,49%; PDR khớp 333,5 tỷ, giá tăng 3,17%; VRE khớp 207 tỷ, giá tăng 2,32%; PNJ khớp 201,9 tỷ giá tăng 2,24%... Những cổ phiếu khác như LPB, EIB, AAA, KDH, SCR, KHG đều tăng từ 2% tới trên 4% với thanh khoản vượt 100 tỷ đồng.
Đáng chú ý hôm nay là dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài hỗ trợ nhiều ở blue-chips và một số cổ phiếu khác. VHM tăng giá bùng nổ vượt đỉnh 10 tháng cũng có bóng dáng đậm nét của dòng vốn này. Khối ngoại mua vào gần 3,24 triệu VHM, tức là chiếm gần 76% tổng thanh khoản. Giá trị mua ròng khoảng 178.9 tỷ đồng tại VHM cũng là lớn nhất thị trường. VIC cũng có 26% thanh khoản là do khối ngoại mua, tương đương 52 tỷ đồng ròng; PNJ khoảng 23% thanh khoản là cầu ngoại, giá trị ròng 41,7 tỷ… Ngoài ra, SSI được mua ròng 130,8 tỷ đồng, VNM +66,1 tỷ, VCB +45,7 tỷ, HCM +53 tỷ, NVL +40,5 tỷ, KBC +28,4 tỷ, VRE +23,6 tỷ…
Tính chung giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE hôm nay lên tới gần 511,2 tỷ đồng. Đây là lượng vốn vào ròng lớn nhất 23 phiên và càng đáng chú ý hơn sau khi tuần trước khối này vừa mới rút 910,4 tỷ đồng ròng chỉ riêng ở HoSE. Trong 4 tuần liên tiếp kể từ trung tuần tháng 6 vừa qua khối này xả ròng liên tục với quy mô hơn 3.211 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường hôm nay sụt giảm khoảng 12% trên hai sàn, đạt 18.486 tỷ đồng khớp lệnh. Riêng HoSE giảm 14% với 16.727 tỷ đồng. STB giảm giao dịch 45% là một nguyên nhân. Tuy nhiên ngay cả khi cùng trừ đi giao dịch của STB thì phiên này phần còn lại của thị trường vẫn giảm khoảng 10%. Thanh khoản thấp hơn nhưng bù lại cổ phiếu vẫn tăng giá tích cực. Mặt khác, giao dịch quanh mức 18.000 tỷ đồng không phải là thấp ở thời điểm hiện tại.