Đòn bẩy chiến lược giúp châu Á dẫn đầu ngành trung tâm dữ liệu
Sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành trung tâm dữ liệu đang kéo theo nhiều thách thức, trong đó cuộc cạnh tranh về nguồn nhân lực ngày càng gay gắt…

Ngành trung tâm dữ liệu tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang bùng nổ, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự báo đạt 13,08% vào năm 2030. Động lực chính là hàng tỷ USD đến từ “gã khổng lồ” công nghệ phương Tây, rót vào trí tuệ nhân tạo (AI) và hạ tầng đám mây, theo Tech Node Global.
Tuy nhiên, khi các trung tâm dữ liệu mở rộng quy mô, doanh nghiệp nhận ra rằng: chỉ sở hữu chuyên môn kỹ thuật là chưa đủ. Trước đây, những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này có thể thành công nhờ lợi thế “đi trước đón đầu”. Nhưng khi ngành dần “trưởng thành”, nhiều “người thắng cuộc sớm” đang chạm đến giới hạn tăng trưởng, gặp khó khăn trong việc duy trì đà phát triển giữa thị trường ngày càng bão hòa.
Để thực sự tạo ra sự khác biệt, doanh nghiệp cần nhân sự không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn có khả năng lãnh đạo, thích ứng với gián đoạn và thúc đẩy tăng trưởng trực tiếp. Nói cách khác, những người đứng đầu sẽ quyết định để công ty chỉ “tồn tại” hay vươn lên dẫn đầu.
Những thành công gần đây, như sự xuất hiện của DeepSeek, cho thấy mức độ biến động của ngành ngày càng mạnh mẽ. Việc DeepSeek có thể đào tạo mô hình AI với chi phí thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn thị trường đã làm lung lay niềm tin nhà đầu tư vào trung tâm dữ liệu dựa trên AI.
Mặc dù các “ông lớn” sau đó tái khẳng định, cam kết mở rộng hạ tầng dài hạn, nhưng cú chấn động tạm thời này nhấn mạnh tầm quan trọng của người lãnh đạo – có khả năng dự đoán biến động thị trường và phản ứng quyết đoán trước những bất ngờ.
Theo quan sát của Heidrick & Struggles, nhu cầu nhân sự lãnh đạo trong ngành trung tâm dữ liệu tại Châu Á tăng gần gấp bốn lần trong hai năm qua – một tín hiệu rõ ràng cho thấy ngành đang ngày càng coi trọng vai trò lãnh đạo như một lợi thế cạnh tranh then chốt.
VAI TRÒ CÔNG VIỆC THAY ĐỔI NHANH CHÓNG
Trong hệ sinh thái trung tâm dữ liệu, những vai trò truyền thống đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Chẳng hạn, chức năng bán hàng trước đây chủ yếu tập trung vào việc ký kết hợp đồng, sau đó chuyển giao trách nhiệm thực hiện cho đội ngũ chuyên môn. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không còn phù hợp với yêu cầu phức tạp hiện nay.
Thay vào đó, các công ty phải tích hợp bộ phận bán hàng vào nhóm sản phẩm và triển khai dịch vụ, thậm chí loại bỏ hoàn toàn đơn vị bán hàng độc lập. Sự thay đổi này giúp khách hàng hiểu sâu hơn về khía cạnh kỹ thuật và vận hành sản phẩm, thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa cam kết và thực tế triển khai.
Một ví dụ khác là vai trò mua điện. Nếu trước đây, đây chỉ là nhiệm vụ ở cấp thấp, thì giờ công việc này đã trở thành ưu tiên cấp điều hành. Giờ đây, vai trò mua điện từ vị trí vận hành tầm trung được nâng lên vị trí lãnh đạo cấp cao, báo cáo trực tiếp cho CEO. Chức vụ này không chỉ đảm nhận việc đàm phán với nhà cung cấp năng lượng mà còn làm việc trực tiếp với chính phủ và nhiều cơ quan quản lý, phản ánh tầm quan trọng chiến lược của năng lượng đối với tăng trưởng kinh doanh và phát triển bền vững.
Nhìn chung, các tổ chức cần chủ động xác định và nuôi dưỡng tài năng, có sự kết hợp giữa chuyên môn kỹ thuật và tư duy chiến lược. Ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng phương pháp đánh giá lãnh đạo nghiêm ngặt để tìm ra cá nhân có thể dẫn dắt trong môi trường liên tục thay đổi – thậm chí mở rộng tìm kiếm nhân sự ngoài lĩnh vực trung tâm dữ liệu truyền thống.
KHÁC BIỆT QUAN TRỌNG Ở TỪNG THỊ TRƯỜNG CHÂU Á

Dù lãnh đạo là yếu tố then chốt ở mọi thị trường, nhưng để lãnh đạo hiệu quả tại Châu Á đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về đặc thù kinh tế và văn hóa từng quốc gia trong khu vực. Xu hướng phân quyền trong các quyết định mua sắm và quan hệ đối tác trung tâm dữ liệu ngày càng rõ rệt.
Vai trò của kế hoạch mua điện một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc nắm bắt đặc thù địa phương. Tại Nhật Bản, quá trình này tuân theo quy trình có cấu trúc chặt chẽ, nhiều lớp, đòi hỏi sự kiên nhẫn và mất nhiều tháng để hoàn thiện thủ tục phê duyệt.
Trong khi đó, tại Indonesia và Malaysia, việc mua điện tập trung nhiều hơn vào sự hợp tác với cơ quan quản lý và xây dựng quan hệ trong ngành. Các doanh nghiệp thường làm việc chặt chẽ với chuyên gia năng lượng, mạng lưới chuyên gia và bên liên quan để thúc đẩy quá trình phê duyệt và đàm phán.
Những khác biệt giữa các thị trường cho thấy tại Châu Á, lãnh đạo cần có sự linh hoạt và phản ứng nhanh – họ phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với từng bối cảnh địa phương thay vì áp dụng công thức chung cho tất cả.
Tuy nhiên, sự linh hoạt không chỉ quan trọng trong chiến lược kinh doanh mà còn là yếu tố sống còn khi cạnh tranh thu hút nhân tài.
CHIÊU MỘ NHÂN TÀI VÀ RANH GIỚI TUYỂN DỤNG
Những năm gần đây, cuộc đua giành nhân tài giữa các hyperscaler (công ty công nghệ lớn chuyên cung cấp hạ tầng điện toán đám mây quy mô lớn) ngày càng nóng. Nguyên nhân không chỉ đến từ sự bùng nổ của AI mà còn từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành game và nhu cầu mở rộng hạ tầng đám mây.
Khi các hyperscaler mở rộng quy mô, họ cũng ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn đối tác và ưu tiên nhà cung cấp hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật độc quyền. Điều này khiến nhân viên từng làm việc tại các hyperscaler, có hiểu biết sâu về vận hành và hạ tầng, trở thành mục tiêu tuyển dụng đặc biệt hấp dẫn.
Việc chiêu mộ những nhân sự này giúp nhà cung cấp nhanh chóng nắm bắt tiêu chuẩn, kỳ vọng và thậm chí cả phương thức xây dựng độc quyền của hyperscaler – mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể khi đấu thầu dự án mới.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng mạnh tay từ các hyperscaler có thể dẫn đến phản ứng ngược, thậm chí khiến một số nhà cung cấp bị loại khỏi thị trường vì vi phạm ranh giới cạnh tranh. Điều này đã thúc đẩy nhiều công ty áp dụng biện pháp hợp đồng nghiêm ngặt, đặc biệt là điều khoản không cạnh tranh nhằm bảo đảm bí mật độc quyền và giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, những điều khoản – vốn được soạn thảo từ giai đoạn sơ khai – thường quá rộng, dẫn đến tình trạng khó thực thi hoặc dễ bị vô hiệu hóa trên thực tế.
Trước thách thức này, lãnh đạo cần có chiến lược tuyển dụng khéo léo, cân bằng giữa việc thu hút nhân tài và duy trì quan hệ hợp tác dài hạn. Định hướng này đòi hỏi sự nhạy bén trong quản trị nhân sự, đảm bảo rằng chiến lược tuyển dụng không vô tình làm tổn hại đến cơ hội kinh doanh trong tương lai.
LỢI THẾ CỦA NHÀ LÃNH ĐẠO LINH HOẠT
Khi mô hình quản lý liên tục thay đổi để theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, các nhà điều hành không thể hoạt động trong vai trò truyền thống. Giờ đây, lãnh đạo ở mọi bộ phận đều cần có sự linh hoạt, sẵn sàng đảm nhiệm nhiều trách nhiệm ngoài phạm vi ban đầu, từ tham gia ra quyết định chiến lược, giám sát vận hành cho đến trực tiếp làm việc với khách hàng.
Với sự phân quyền lãnh đạo ngày càng rõ rệt tại khu vực tại Châu Á, doanh nghiệp cần những nhà quản lý có khả năng thích ứng nhanh, xử lý tốt thách thức phức tạp và chủ động đón đầu xu hướng mới.
Cuối cùng, biết cách nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ lãnh đạo linh hoạt, doanh nghiệp sẽ sở hữu “át chủ bài” quan trọng nhất trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của ngành trung tâm dữ liệu Châu Á.