Đồng bằng sông Cửu Long: Chuẩn bị tốt mô hình sống chung với Covid-19
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề bởi đợt dịch lần thứ tư. Sản xuất, chế biến nông, thuỷ sản là mặt hàng quan trọng của khu vực nhưng bị tê liệt hoàn toàn.
Khảo sát của VCCI Chi nhánh Cần Thơ đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến “Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19” mới đây cho thấy: chỉ trong ba tháng (6, 7, 8) gần 90% doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tạm ngừng hoạt động.
Doanh thu quý 2/2021 của doanh nghiệp giảm sút 40-50%. Chỉ một nửa số doanh nghiệp đáp ứng 50% kế hoạch. Khoảng 10.000 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, trong khi con số này của 6 tháng đầu năm 2021 là trên 6.000 doanh nghiệp. VCCI Cần Thơ nhận định nếu dịch bệnh kéo dài, con số ảnh hưởng còn lớn hơn nữa.
Khảo sát doanh nghiệp trong quý 3/2021 của VCCI Cần Thơ cũng cho thấy có 40% doanh nghiệp tiếp tục bi quan về việc làm cho người lao động, 40% doanh nghiệp cho rằng doanh thu suy giảm, 40% doanh nghiệp e ngại việc tiếp cận nguồn nguyên liệu sẽ kém đi…
Theo lãnh đạo VCCI Chi nhánh Cần Thơ, khó khăn lớn hiện nay đó là sự phối hợp giữa các địa phương với nhau. 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì có 13 quy định, 13 chỉ đạo cũng như 13 chính sách khác nhau. Trong khi đó, quy trình sản xuất hàng hoá phải lưu thông từ cánh đồng tới nhà máy và ra các thị trường chứ không phải chỉ nằm tại một địa phương.
Đồng tình, ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho rằng vấn đề logistics và vận tải lưu thông hàng hoá gây “đau đầu” nhất. Các quy định riêng do một số địa phương đặt ra kết hợp với Chỉ thị 16 của Chính phủ gây ách tắc và gián đoạn quá trình lưu thông hàng hoá, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển rất cao (gấp 2-3 lần bình thường).
Tình trạng dừng hoạt động của ngành vận tải khiến hàng triệu tấn lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ùn ứ, nhiều sản phẩm nông, thuỷ sản cũng rơi vào tình trạng tương tự, không thể vận chuyển. Các doanh nghiệp đều đánh giá mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” là không khả thi trong thời gian dài hay thời gian sắp tới, vì tạo ra sự hao tốn cũng như không an toàn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một số chính sách của Nhà nước chưa ban hành kịp thời, trong đó chính sách hỗ trợ về tài chính, ngân hàng. Được biết, Ngân hàng Nhà nước vừa dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020 để điều chỉnh nhưng hiện vẫn chưa ban hành. Đến nay doanh nghiệp vẫn băn khoăn, dù đóng cửa nhưng vẫn lo lắng nếu không có sự hỗ trợ nào thì khả năng phá sản chỉ trong tầm tay.
Duy trì lưu thông mạch máu kinh tế
Với tình hình hiện tại, dự báo đến giữa quý 4/2021 tình hình doanh nghiệp vẫn sẽ còn khó khăn. Doanh nghiệp chúng tôi cam kết cùng Chính phủ quyết tâm chống dịch, chấp nhận sẽ làm lại từ đầu khi đại dịch qua. Ông bà ta có câu “còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”. Song tôi cho rằng vấn đề trước mắt hiện giờ là khai thông được lưu thông hàng hoá. Đây là vấn đề cốt tử để duy trì lưu thông mạch máu hàng hoá kinh tế, tránh kinh tế toàn vùng bị hạn chế, rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”.
Một trong những giải pháp quan trọng trong lưu thông hàng hoá, ngoài việc quy định các “luồng xanh” thông suốt, thuận lợi, thống nhất thủ tục trên cả nước, nhất định phải ưu tiên tiêm vaccine cho 100% tài xế, lái xe, bốc xếp nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho logistics. Ngoài ra, mô hình “3 tại chỗ” cần xem xét cho phù hợp. Trên thực tế, áp dụng giải pháp này, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ sản xuất với 20-30% công suất.
Đáng mừng, thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng các chính sách cần mạnh mẽ hơn, đặc biệt cơ cấu lại lãi suất cho doanh nghiệp; miễn, giảm phải hợp lý và thực chất hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Cần tính toán để doanh nghiệp không vướng vào rắc rối về pháp lý
Nghị quyết 30 của Quốc hội ngày 28/7 đã đưa ra một số chính sách lớn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 6/8 Chính phủ ban hành Nghị quyết 56 đưa ra một số mục tiêu rất cụ thể, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao nhằm vượt qua đại dịch, hạn chế tối đa tình trạng gãy đổ của chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.
Chúng ta đã quyết tâm áp dụng các biện pháp cao nhất trong chống dịch tại TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ không gì ngoài mục tiêu sớm kiểm soát dịch, đưa đời sống kinh tế - xã hội trở lại như thời điểm năm 2020. Điều này đồng nghĩa với phục hồi kinh tế trong điều kiện bình thường mới với hai công cụ chính: phủ kín tiêm vaccine và sử dụng 5K để chúng ta sống trong giai đoạn có dịch nhưng đã vượt qua giai đoạn đại dịch.
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp khó khăn, gãy đổ. Giống như tình trạng cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long có hàng ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Vì vậy cần có giải pháp giúp doanh nghiệp bám trụ, tồn tại trong thời gian khó khăn này. Bên cạnh các giải pháp Chính phủ đang áp dụng như: các giải pháp về thuế, tín dụng, cố gắng sản xuất trong điều kiện “3 tại chỗ” hay những nỗ lực giữ mạch máu nền kinh tế như hệ thống logistics… cần có thêm những giải pháp hợp lý để vượt qua giai đoạn này.
Trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp
Không ai trả lời được sau 15/9 các tỉnh thành phía Nam có hết giãn cách không, vì thế chúng ta không phải chờ khi hết dịch mới có những giải pháp. Mà ngay bây giờ khi đang có dịch, doanh nghiệp có thể tổ chức y tế tại chỗ để xử lý “3 tại chỗ”, như có thuốc chống đông, chống viêm, thuốc giảm lây nhiễm, giảm bệnh trở nặng, bình ôxy… nhằm đưa hoạt động sản xuất theo trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, cần sự tham gia đồng bộ của ba bên, trong đó: chính quyền phải có chính sách, trao quyền cho doanh nghiệp về hỗ trợ chuyên môn, điều này rất cần nhằm giúp doanh nghiệp thực hiện mô hình này để tiếp tục sản xuất; doanh nghiệp tự xây dựng mô hình, chịu trách nhiệm vận hành; người lao động phải tuân thủ và tham gia, không chỉ nói gì nghe đó mà người lao động cần có vai trò trong việc tạo đời sống tại chỗ thoải mái nhất. Kinh nghiệm này học hỏi từ Bắc Ninh, chính quyền kéo lao động vào tự tổ chức sắp xếp cuộc sống của chính họ.
Chuẩn bị khả năng sống chung với Covid–19 là không thể khác được. Singapore là mô hình tốt để học tập về vấn đề này, họ có chiến lược rõ ràng để sống chung với Covid. Chúng ta cần xác định điều này với ý thức hệ thống y tế sẵn sàng, tổ chức sản xuất phù hợp, phủ vaccine rộng… Đồng thời, trao quyền, trách nhiệm chủ động phòng bệnh cho người dân, tổ chức xã hội dân sự. Cần có hướng dẫn chứ không chỉ là các giải pháp hành chính. Và trao quyền chủ động tổ chức sản xuất cho doanh nghiệp trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh.