Động lực tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thay đổi, không còn phụ thuộc vào bất động sản
Theo các nhà phân tích, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang giờ đây đang khác hoàn toàn so với năm 2019 -thời điểm trước đại dịch Covid-19...
Kể từ cuối năm 2020, thị trường bất động sản đang rơi vào khủng hoảng sau loạt động thái siết quản lý của Bắc Kinh. Hoạt động xuất khẩu cũng có xu hướng giảm.
Tháng trước, Bắc Kinh bất ngờ nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế phòng dịch như phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt - những biện pháp đã đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suốt gần ba năm qua. Dù cảnh báo con đường mở cửa trở lại của Trung Quốc còn nhiều gian nan, các nhà phân tích dự báo nền kinh tế nước này sẽ phục hồi trở lại sớm hơn các dự báo trước đó.
Tuy vậy, các nhà kinh tế nhận định những yếu tố nền tảng cho sự tăng trưởng của Trung Quốc giờ đây sẽ khác hẳn so với 3 năm trước.
ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG THAY ĐỔI
“Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang dịch chuyển từ phụ thuộc lớn vào bất động sản và cơ sở hạ tầng sang mô hình mà kinh tế xanh và kinh tế số sẽ đóng vay trò lớn hơn”, các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc CICC nhận định trong báo cáo triển vọng năm 2023 công bố vào tháng trước. “Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đổi mới sáng tạo”.
Theo dự báo của CICC, trong vòng 5 năm tới, đầu tư tích lũy vào nền kinh tế số của Trung Quốc sẽ tăng gấp hơn 7 lần, đạt mức 77,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ (11,13 nghìn tỷ USD). Con số này vượt qua đầu tư tích lũy dự báo sẽ rót vào ngành bất động sản, cơ sở hạ tầng truyền thống hay kinh tế xanh. Theo đó, kinh tế số sẽ là hạng mục có đầu tư lớn nhất trong 4 hạng mục.
Năm 2021 và 2022, bất động sản là hạng mục có đầu tư lớn nhất. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của CICC, đầu tư vào bất động sản năm nay đã giảm khoảng 22% so với năm trước, trong khi đầu tư vào kinh tế số và kinh tế xanh tăng lần lượt khoảng 24% và 14%.
Trong năm 2020 và 2021, trong khi thế giới chật vật với Covid-19, việc Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh này đã giúp các nhà máy ở nước này tiếp tục hoạt động để đáp ứng nhu cầu trên toàn cầu, đặc biệt là sản phẩm y tế và đồ điện tử.
Tuy nhiên, nhu cầu đó giờ đây đã giảm xuống. Xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu giảm vào tháng 10 năm nay (so với cùng kỳ năm trước). Đây là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020, theo dữ liệu từ Wind Information.
“Năm 2023, xuất khẩu ròng sụt giảm được dự báo sẽ khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm”, bà Hui Shan, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc cùng nhóm nhà kinh tế tại Goldman Sachs, nhận định trong báo cáo ngày 16/12. “Trong nhiều năm qua, xuất khẩu ròng đã hỗ trợ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, đóng góp tới 1,7 điểm phần trăm tăng trưởng của năm 2021”.
Tuy nhiên, theo dữ liệu hải quan, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng lên, vượt qua xuất khẩu sang Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong tháng 11.
“Xuất khẩu sang các nước ASEAN có thể sẽ đóng vai trò bệ đỡ tạm thời giúp giải tỏa áp lực tại thị trường EU và Mỹ”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Xiaowen Jin tại Citi nhận xét trong báo cáo công bố ngày 21/12.
“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của ASEAN sẽ phục hồi trong năm 2023, trong khi Mỹ và EU sẽ rơi vào suy thoái trong một khoảng thời gian của năm sau”, ông Xiaowen Jin nhận định.
TIÊU DÙNG NỘI ĐỊA SẼ SỚM PHỤC HỒI?
“Xuất khẩu giảm tốc nhanh chóng đồng nghĩa Trung Quốc sẽ phải khai thác thị trường nội địa để thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai gần”, nhà kinh tế trưởng Hao Zhou của Guotai Junan Securities nhận định trong báo cáo ngày 15/12. “Với việc nới lỏng các hạn chế Covid, chi tiêu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc có thể sẽ phục hồi bền vững và có ý nghĩa từ năm 2023”.
Ông Hao dự báo doanh thu bán lẻ của Trung Quốc sẽ tăng 6,8% trong năm sau, còn GDP tăng trưởng khoảng 4,8%.
Trong tháng này, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách nhằm ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Kể từ khi đại dịch bùng phát, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của nước này sụt giảm mạnh, đặc biệt là khi người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Trung Quốc từ 4,5% lên 5,2% nếu Trung Quốc mở cửa trở lại sớm hơn dự báo, trong đó tiêu dùng sẽ là một động lực chính.
Tuy nhiên, nhóm này cũng cảnh báo rằng thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng cần thời gian để phục hồi. Điều này đồng nghĩa rằng nếu có sự giải phóng “nhu cầu bị kìm nén” vào năm sau thì cũng sẽ hạn chế trong một số lĩnh vực và du lịch nước ngoài không nằm trong số này.