Đồng Tháp thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư
Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, điều phối, đôn đốc sở, ngành và UBND huyện, thành phố kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và dự án đầu tư trên địa bàn; cắt giảm, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án…
Tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ trưởng Tổ công tác sẽ là ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh. Các Tổ phó gồm các ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (Tổ phó thường trực) và ông Trần Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng.
Nhiệm vụ của Tổ công tác là giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, điều phối, đôn đốc các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và dự án đầu tư trên địa bàn;
Cắt, giảm, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án có quy mô lớn và trọng điểm trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; định kỳ hàng tháng, hàng quý, đánh giá tình hình thực hiện các thủ tục đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo; thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND tỉnh giao.
Về chế độ làm việc, thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Tổ trưởng Tổ công tác ban hành quy chế làm việc của Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác, có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Tổ công tác.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đến nay, tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm, dù nền kinh tế gặp nhiều bất lợi, nhưng Đồng Tháp vẫn có thêm 325 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.930 tỷ đồng; có 10 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng, quy mô tổng vốn cao gấp 4,8 lần so cùng kỳ, trong đó có 3 dự án FDI.
Đối với lĩnh vực bất động sản, địa phương vẫn tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh. Còn hiện nay, các dự án đang triển khai thực hiện gồm: Nhà ở xã hội Song Hải Long ấp Phú Hòa xã Tân Phú Đông, TP.Sa Đéc; Nhà ở thương mại thuộc Khu dân cư đô thị ấp Phú Long và khu nhà phố Tân Quy Tây trên địa bàn TP.Sa Đéc; Nhà ở công nhân Vĩnh Hoàn TP.Cao Lãnh. Ngoài ra còn một số dự án nhà ở đang thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án theo quy định.
Đánh giá tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, UBND tỉnh cho biết, các khu vực đô thị của tỉnh đang phát triển, tiện ích ngày càng được nâng cao, chất lượng sống và điều kiện kinh doanh thuận tiện dẫn đến việc thu hút, gia tăng dân số. Tuy nhiên, quỹ đất ở tại khu vực này rất hạn chế, trong khi nhu cầu nhiều; mà sự tham gia đầu tư vào dự án nhà ở từ các thành phần kinh tế vẫn thấp; cung cầu chênh lệch dẫn đến giá bất động sản của tỉnh tăng cao.
Ngoài ra, thị trường bất động sản trong tỉnh có xu hướng tăng trưởng chậm ở hầu hết phân khúc. Trong đó, phân khúc bất động sản công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường do nguồn cung hạn chế (hiện nay tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đạt từ 90% trở lên); bất động sản là nhà ở, nghỉ dưỡng và thương mại phát triển chậm do phần lớn các dự án nhà ở đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; chỉ có phân khúc bất động sản đất nền có lượng giao dịch nhiều nhất.