Dòng tiền phân hóa, thanh khoản có tín hiệu phục hồi
Kịch bản giằng co phiên sáng lặp đi lặp lại khá nhàm chán. Mặc dù độ rộng thể hiện thị trường vẫn phân hóa tích cực, nhưng chính vì sự phân hóa này mà không có động lực rõ ràng. VN-Index kết phiên chưa tăng nổi 1 điểm dù HPG tiếp tục tìm đỉnh cao 13 tháng...
Kịch bản giằng co phiên sáng lặp đi lặp lại khá nhàm chán. Mặc dù độ rộng thể hiện thị trường vẫn phân hóa tích cực, nhưng chính vì sự phân hóa này mà không có động lực rõ ràng. VN-Index kết phiên chưa tăng nổi 1 điểm dù HPG tiếp tục tìm đỉnh cao 13 tháng.
HPG tăng 1,2%, cùng với NVL tăng 4,33% và PDR tăng 1,47%, POW tăng 1,1% là các mã khỏe nhất rổ VN30, nhưng VCB dù chỉ tăng 0,4% mới là trụ kéo điểm nhiều nhất. Chỉ riêng điều này cũng cho thấy ảnh hưởng vốn hóa cổ phiếu đang tác động rất mạnh lên VN-Index. Các trụ không làm việc tốt, chỉ luẩn quẩn tăng giảm biên độ hẹp để giữ nhịp, thay vì tạo động lực bứt phá.
Dĩ nhiên thị trường vẫn còn nhiều cổ phiếu khác tăng tốt, nhưng xu hướng thị trường đang cho thấy sự mệt mỏi. VN30-Index sáng nay cũng chỉ tăng rất nhẹ 0,03% với 11 mã tăng/14 mã giảm. Ngoài VCB, GAS, SAB, VIC, BID, CTG cũng tăng giá nhưng hầu như không có đóng góp gì vì quá yếu. Nhóm giảm cũng không có mã nào quá tệ, duy nhất MWG giảm 1,47% và BCM giảm 1,11% là đáng kể. Hiện tượng giằng co nhóm trụ một phần vì dù VN-Index đã vượt đỉnh cao nhất năm 2023 tính đến thời điểm này, nhưng VN30-Index thì chưa. Chỉ số đại diện nhóm cổ phiếu blue-chips vẫn đang kiểm định đỉnh cao tháng 1/2023.
Trong bối cảnh xu hướng chung không rõ ràng, dòng tiền bắt đầu quay lại chiến thuật cũ, là tìm kiếm các cơ hội đầu cơ riêng lẻ. Độ rộng cuối phiên sáng của VN-Index ghi nhận 179 mã tăng/186 mã giảm, gần như cân bằng. Ngay cả biên độ cũng cho thấy sự cân bằng: Phía tăng có 55 cổ phiếu tăng quá 1% và phía giảm cũng có chừng đó mã. Điều này nghĩa là đại đa số cổ phiếu đang đi ngang dao động trong biên độ rất hẹp.
Nhóm cổ phiếu thủy sản sáng nay nhiều mã giao dịch khá mạnh. ANV có mức thanh khoản cao đáng chú ý với 3,07 triệu cổ và 113 tỷ đồng giá trị khớp lệnh. Chỉ riêng mức giao dịch sáng nay của ANV đã vượt quá cả phiên hôm qua. Giá tăng 3,79%, cổ phiếu này có phiên vượt đỉnh 2023 khá ấn tượng, thu hút được dòng tiền vào. ACL tăng 2,26%, CMX tăng 2,5%, FMC tăng 1,81%, IDI tăng 2,24%, KHS tăng 8,54%, VHC tăng 0,77% là các mã khác cùng ngành tăng tốt.
Ngân hàng xuất hiện KLB, MSB, SGB, VAB, MBB tăng được hơn 1% nhưng số còn lại yếu, tăng rất ít hoặc đỏ. Chứng khoán lác đác vài mã mạnh là DSC, AAS, HAC, VFS còn lại cũng rất “ỉu”. Bất động sản không thể chỉ nhìn NVL, PDR, SCR… vì hàng chục cổ phiếu khác vẫn đang lao dốc. Cổ phiếu điện không phải chỉ có REE, POW; cổ phiếu thép không phải riêng HPG… Bảng điện dù tổng thể cân bằng, cả trăm mã vẫn tăng, nhưng hiện tượng giằng co phân hóa là chủ đạo, kết hợp với biên độ rất hẹp. Đây là kết quả của việc cung cầu tương đối cân bằng, không bên nào có đủ sức mạnh thay đổi.
Thanh khoản sáng nay có tăng nhẹ khoảng 7% so với sáng hôm qua trên hai sàn niêm yết, đạt 7.457 tỷ đồng khớp lệnh. HoSE tăng khoảng 9% đạt 6.829 tỷ đồng. Giao dịch lớn đến từ vài mã như NVL, HPG, VND, SSI. Dù vậy đây cũng chỉ là tín hiệu mờ nhạt, vì so với cường độ giao dịch các phiên sáng tuần trước, hôm nay vẫn còn rất kém.
Khối ngoại sáng nay cũng giao dịch chán nản, bán ròng nhẹ 13,5 tỷ đồng, dù HPG được rót ròng 93,3 tỷ đồng. Đó là do loạt cổ phiếu cũng bị bán khá mạnh là STB -40 tỷ đồng, VNM -23,8 tỷ, VPB -15,1 tỷ, KBC -14,5 tỷ… Tuy vậy nếu kịch bản cứ lặp lại thì khối này có thể tăng bán trong buổi chiều. Điểm tốt là phiên chiều mấy ngày gần đây cũng có lực mua vào hỗ trợ tốt hơn buổi sáng, và thường hình thành nhịp kéo trụ phục hồi lúc gần hết giờ.