Đồng yên bất ngờ tăng mạnh, Nhật Bản có thể đã can thiệp
Giới chuyên gia cho rằng rất có thể Bộ Tài chính Nhật Bản đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bán ra USD để ngăn đồng yên trượt giá quá ngưỡng 160 yên đổi 1 USD...
Đồng yên Nhật Bản tăng giá mạnh trong phiên sáng nay (2/5) tại thị trường châu Á, khiến các nhà giao dịch nghi ngờ rằng nhà chức trách nước này đã có thêm một đợt can thiệp nữa vào thị trường ngoại hối để ngăn đà lao dốc của đồng nội tệ.
Từ mức 157,55 yên đổi 1 USD của phiên trước, đồng yên bất ngờ tăng vọt lên mức 153 yên đổi 1 USD mà giới chuyên gia không xác định được nguyên nhân cụ thể nào. Họ cho rằng rất có thể Bộ Tài chính Nhật Bản đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bán ra USD để ngăn đồng yên trượt giá quá ngưỡng 160 yên đổi 1 USD - mốc tỷ giá thấp nhất 34 năm và đã xuất hiện chớp nhoáng vào đầu tuần này.
Cú tăng mạnh vào sáng thứ Năm của đồng yên cũng diễn ra sau cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lần họp này, Fed giữ nguyên lãi suất và bày tỏ lo ngại về sự chững lại của tiến trình giảm lạm phát, qua đó phát tín hiệu sẽ chờ cho tới khi lạm phát thực sự giảm bền vững về mục tiêu 2% mới bắt đầu hạ lãi suất. Dù vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ít khả năng Fed tăng lãi suất thêm lần nữa - một đánh giá được xem là mềm mỏng hơn so với những gì thị trường kỳ vọng trước đó.
Về phần mình, cuộc họp kết thúc vào hôm thứ Sáu tuần trước của BOJ phát tín hiệu có thể sẽ có đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, đồng yên vẫn bị bán tháo sau cuộc họp của BOJ do thị trường cho rằng tín hiệu tăng lãi suất từ BOJ chưa đủ mạnh.
“Chắc chắn Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp”, chiến lược gia Daisuko Ueno của công ty Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities nhận định với hãng tin Reuters, cho rằng giới chức Nhật Bản coi mốc 160 yên/USD là “tuyến phòng thủ cuối cùng” phải được bảo vệ.
“Đợt can thiệp sáng nay là bằng chứng cho thấy nhà chức trách sẽ can thiệp vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, vào bất kỳ ngày nào trong năm. Họ sẽ tiếp tục can thiệp”, ông Ueno nói thêm.
Ông Tokatoshi Ito, một cựu quan chức Bộ Tài chính Nhật, nói rằng việc nhà chức trách can thiệp để bảo vệ mốc 160 yên/USD là đáng hoan nghênh, bởi đó là tín hiệu họ xem mốc tỷ giá này là ranh giới cuối cùng.
Xu hướng mất giá của đồng yên xuất phát từ chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, khi Fed liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát mà BOJ giữ lãi suất ở ngưỡng âm cho tới đợt tăng vào tháng 3 năm nay. Khoảng cách lãi suất đã khuyến khích giới đầu tư rút vốn khỏi các tài sản định giá bằng đồng yên, tìm đến với những đồng tiền có lãi suất cao hơn như USD.
Áp lực mất giá đối với yên Nhật gia tăng mạnh từ tháng 3, khi kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất ngày càng giảm sút. Trong bối cảnh như vậy, giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) với đồng yên là đồng tiền cấp vốn (funding currency - đồng tiền được vay để đầu tư vào các đồng tiền có lãi suất cao hơn) càng gia tăng.
Hiện giới chức Nhật Bản chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận những đồn đoán cho rằng đã có hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Giới chuyên gia từ lâu đã cảnh báo rằng việc can thiệp để bảo vệ tỷ giá đồng yên là một việc khó khăn và tốn kém. Điều này được thể hiện qua biến động tỷ giá yên sáng nay: sau khi tăng mạnh, đồng yên lại nhanh chóng đảo chiều, giảm hơn 1% về mức gần 156 yên đổi 1 USD.
Hiện tại, đồng yên vẫn đang giảm khoảng 10% so với USD từ đầu năm đến nay. Thị trường tài chính tin rằng khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ không sớm được thu hẹp, vì Fed còn hoãn hạ lãi suất trong khi BOJ sẽ không tăng lãi suất nhanh. Chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm giữa Mỹ và Nhật Bản đang là 376 điểm cơ bản.
Hôm thứ Hai tuần này, đồng yên giảm giá tới 160,245 yên đổi 1 USD, thấp nhất từ năm 1990, sau đó phục hồi mạnh. Thị trường cho rằng Bộ Tài chính Nhật đã can thiệp bằng cách bán ra 35 tỷ USD, một con số gần kỷ lục. Tuy nhiên, nhà chức trách không xác nhận hay phủ nhận thông tin này.