Đồng yên trồi sụt sau khi đảng cầm quyền của Nhật Bản có Chủ tịch mới
Đồng yên Nhật Bản giảm giá sáng nay (30/9) sau khi tăng vọt vào hôm thứ Sáu tuần trước, trong bối cảnh cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Shigeru Ishiba được bầu làm Chủ tịch mới của Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền...
Ông Ishiba đã vượt qua một đối thủ là người có chủ trương phản đối việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất, nhưng trong phát biểu mới nhất, ông cũng bày tỏ quan điểm thận trọng với thắt chặt chính sách tiền tệ.
Hôm thứ Sáu, đồng yên có lúc tăng giá gần 1,9% so với đồng USD, đạt mức 142,09 yên đổi 1 USD. Sáng nay, có lúc yên giảm giá 0,4%, về mức 142,75 yên đổi 1 USD.
Ông Ishiba, người sẽ trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản, vốn được cho là ủng hộ kế hoạch tăng dần lãi suất của BOJ, vì ông đã chỉ trích việc áp dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Trong khi đó, bà Sanae Takaichi - đối thủ của ông Ishiba trong cuộc đua giành ghế Chủ tịch LDP - từng nói rằng “tăng lãi suất bây giờ là ngớ ngẩn”.
Dự báo về chiến thắng thuộc về bà Takaichi đã khiến đồng yên có lúc rớt giá 1,2% trong phiên ngày thứ Sáu, nhưng khi ông Ishiba được tuyên bố là người thắng cuộc, đồng tiền này đã đảo chiều và tăng giá mạnh mẽ.
Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia NHK phát sóng vào cuối tuần vừa rồi, ông Ishiba nói rằng từ lập trường của Chính phủ, chính sách tiền tệ nên duy trì trạng thái thích ứng (accommodative), xét tới các điều kiện kinh tế hiện tại. Điều này được xem là một tín hiệu cho thấy ông Ishiba thận trọng với việc BOJ tăng lãi suất.
Một số nhà phân tích cho rằng phát biểu trên của ông Ishiba đủ để khiến đồng yên không giữ được đà tăng giá của phiên hôm thứ Sáu. Ngoài ra, khả năng Nhật Bản có bầu cử sớm trong mấy tháng tới - theo những dấu hiệu mà ông Ishiba đưa ra - có thể gây áp lực giảm giá lên đồng yên, ít nhất trong ngắn hạn.
BOJ độc lập với Chính phủ Nhật Bản, nhưng những đồn đoán về áp lực chính trị đối với chính sách tiền tệ đã khiến các nhà giao dịch tiền tệ đặt cược dựa trên kết quả cuộc bầu cử chủ tịch LDP.
Với cuộc bầu cử này đã khép lại, tâm điểm chú ý của thị trường giờ đây lại hướng tới vấn đề chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản - yếu tố chính chi phối tỷ giá đồng yên trong thời gian qua.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda có chủ trương tiếp tục tăng lãi suất, nhưng vào tuần trước ông nói BOJ sẽ không vội tăng lãi suất. Phát biểu đó của ông Ueda đã gần như dập tắt hy vọng về việc BOJ tăng lãi suất vào tháng 10.
Về phần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), thị trường đang đặt cược khả năng 100% Fed tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 11, thậm chí đang đặt cược nhiều hơn vào mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
“Tỷ giá đồng yên sẽ phụ thuộc vào biến động khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản. Đồng yên còn dư địa để tăng giá, nhưng mức độ tăng giá sẽ tùy thuộc vào việc Fed giảm lãi suất với tiến độ như thế nào”, chiến lược gia Charu Chanana của Saxo Markets nói với hãng tin Bloomberg.
Hồi tháng 7, đồng yên rớt giá xuống mức gần 162 yên đổi 1 USD, thấp nhất 38 năm. Sau đó, việc BOJ tăng lãi suất và Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối đã khiến các nhà giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade) sử dụng đồng yên làm đồng tiền cấp vốn ồ ạt đóng trạng thái, tạo ra một vòng xoáy tăng giá chóng mặt của đồng tiền này. Gần đây, đồng yên giằng co trong vùng 140-145 yên đổi 1 USD.
Trao đổi với Bloomberg, nhà kinh tế cấp cao Hiroshi Watanabe của công ty Sony Financial Group, nhận định: “Chính sách kinh tế của Nhật Bản sẽ không có thay đổi lớn. Sẽ không có sự can thiệp quá mức từ Chính phủ Nhật vào BOJ. Ngân hàng trung ương này sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ dựa trên số liệu kinh tế… Chúng tôi cho rằng đồng USD sẽ giảm giá về mức khoảng 139 yên/USD trong thời gian từ nay đến cuối năm”.
Trong quý 3 này, đồng yên đã tăng giá 12% so với đồng USD, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất trong số 17 đồng tiền được hãng tin Bloomberg theo dõi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhìn trong dài hạn, đồng yên vẫn phải đương đầu với nhiều yếu tố bất lợi như triển vọng tăng trưởng kinh tế yếu và dân số lão hóa của Nhật Bản.