Dow Jones “bốc hơi” gần 370 điểm, giá dầu tăng 3%
Triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn là nguyên nhân khiến giới đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (27/10), khi nhà đầu tư lo ngại khả năng nền kinh tế rơi vào suy thoái. Trong khi đó, giá dầu thô tăng khoảng 3% vì căng thẳng ở dải Gaza tiếp tục đặt ra rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 366,71 điểm, tương đương giảm 1,12%, còn 32.417,59 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,48%, còn 4.117,37 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,38%, chốt ở mức 12.643,01 điểm.
Dow Jones chịu áp lực giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số vì CEO Jamie Dimon của ngân hàng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase - một doanh nghiệp thành viên của chỉ số blue-chip - tuyên bố kế hoạch bán 1 triệu cổ phiếu nhà băng này vào năm tới.
Đối với S&P 500, phiên giảm ngày thứ Sáu khiến chỉ số đóng cửa với điểm số thấp hơn 10,3% so với mức đỉnh của năm thiết lập vào hôm 31/7. Mức giảm này đồng nghĩa S&P 500 đã rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction).
Về phần Nasdaq, chỉ số được nâng đỡ bởi lực tăng mạnh của cổ phiếu Amazon sau khi “gã khổng lồ” thương mại điện tử công bố doanh thu và lợi nhuận quý 3 tốt hơn dự báo. Các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn khác như Microsoft và Amazon cũng tăng theo.
Cả ba chỉ số cùng giảm mạnh trong tuần này. Dow Jones giảm 2,1%; S&P 500 giảm 2,5%; và Nasdaq sụt 2,6%. Trong đó, Nasdaq đã rơi vào trạng thái điều chỉnh từ hôm thứ Tư.
Những cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào cú giảm của Nasdaq tuần này là Meta Platforms và Alphabet, khi kết quả kinh doanh của hai Big Tech này có những chi tiết không được như mong đợi của nhà đầu tư. Meta giảm 4,2% trong tuần này, trong khi Alphabet giảm khoảng 9,6%.
Hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 cho thấy nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 4,9% trong quý 3, cao hơn dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng với môi trường lãi suất cao như hiện nay, kinh tế Mỹ tất yếu sẽ giảm tốc trong thời gian tới, thậm chí có những người lo nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Triển vọng kinh tế Mỹ vẫn còn mong manh. Nên dù tăng trưởng GDP quý 3 đạt rất cao, tôi cho rằng mọi người vẫn đáng kỳ vọng nền kinh tế sẽ giảm tốc. Câu hỏi duy nhất bây giờ là nền kinh tế sẽ giảm tốc bao nhiêu và giảm tốc nhanh như thế nào”, chiến lược gia trưởng Dave Sekera của Morningstar nhận định.
Ngày thứ Sáu, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng. Báo cáo cho thấy PCE lõi tháng 9 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Dù vậy, chi tiêu dùng cá nhân của người Mỹ tăng 0,7% trong tháng 9, vượt mức dự báo tăng 0,5%, một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát còn duy trì trong thời gian tới và Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn lâu hơn để đưa lạm phát về mục tiêu 2% một cách bền vững.
Triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn là nguyên nhân khiến giới đầu tư lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Dù kinh tế Mỹ đang trụ vững ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư lo ngại rằng việc lãi suất được giữ ở mức cao trong thời gian dài sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc, hoặc thậm chí suy thoái trong trung hạn và dài hạn.
Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm lại vượt mốc nhạy cảm 5% trong tuần này, trước khi kết thúc tuần ở mức 4,85%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,55 USD/thùng, tương đương tăng 2,9%, chốt ở mức 90,48 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 2,33 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở mức 85,54 USD/thùng.
Dù nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đang lo ngại về triển vọng kinh tế, nhà đầu tư trên thị trường dầu dường như lo lắng nhiều hơn về rủi ro nguồn cung. Tình hình chiến sự Israel-Hamas vẫn đang căng thẳng, đặt ra nguy cơ lan rộng ở Trung Đông và gây gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Các lực lượng của Israel tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch ở Gaza bằng các cuộc không kích dữ dội và đụng độ trên bộ, trong khi lực lượng Hamas của Palestine tuyên bố sẽ đáp trả bằng tổng lực. Nhiều quốc gia, bao gồm các nước Arab, đã lên tiếng kêu gọi Israel hoãn kế hoạch tấn công đổ bộ nhằm vào Gaza vì lo ngại thương vong dân thường và nguy cơ chiến tranh lan rộng.
Tuy nhiên, mối lo về lãi suất và một số thời điểm căng thẳng ở dải Gaza dịu đi trong tuần này đã khiến “vàng đen” có một tuần giảm giá. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm khoảng 2% và dầu WTI giảm khoảng 4%.
“Dù có muốn ra quyết định mua-bán dựa trên các yếu tố nền tảng, nhà giao dịch vẫn không thể thoát khỏi mối lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông. Không ai muốn bán khống dầu trước khi bước vào cuối tuần cả”, nhà phân tích Phil Flynn của TD Securities nhận định với hãng tin Reuters.
Ngân hàng Goldman Sachs giữ nguyên dự báo giá dầu Brent trong quý 1/2024 ở mức 95 USD/thùng, nhưng cho rằng nếu xuất khẩu dầu của Iran giảm, mức giá dự báo có thể tăng thêm 5%.