Dow Jones tăng 7 phiên liên tiếp, giá dầu đi lên
Chuỗi 7 phiên tăng này của chỉ số là dài nhất kể từ tháng 3/2021. Ngoài ra, cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (18/7), với chỉ số Dow Jones tăng phiên thứ 7 liên tiếp, nhờ lợi nhuận tốt hơn dự báo của doanh nghiệp niêm yết. Giá dầu thô tăng nhờ kỳ vọng Trung Quốc sẽ triển khai biện pháp kích cầu mới và lãi suất ở Mỹ sắp dừng tăng.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 366,58 điểm, tương đương tăng 1,06%, chót ở 34.951,93 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,76%, chốt ở 14.353,64 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,71%, đạt 4.554,98 điểm.
Chuỗi 7 phiên tăng này của chỉ số là dài nhất kể từ tháng 3/2021. Ngoài ra, cả ba chỉ số cùng đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Ngân hàng Bank of America công bố lợi nhuận quý 2/2023 tốt hơn dự báo nhờ mức lãi suất cao hơn. Một nhà băng khác là Bank of New York Mellon cũng công bố báo cáo tài chính quý 2 vượt kỳ vọng của thị trường. Cổ phiếu của hai ngân hàng này đồng loạt tăng hơn 4%.
Cổ phiếu Morgan Stanley tăng 6,4% sau khi ngân hàng đầu tư này công bố doanh thu và lợi nhuận đều cao hơn dự báo, với động lực là doanh thu kỷ lục ở bộ phận quản lý gia sản.
Nhìn chung, mùa báo cáo tài chính này ở Phố Wall đã có một sự khởi đầu mạnh mẽ. Trong số những công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo đến thời điểm này, 84% đạt kết quả vượt dự báo - theo dữ liệu từ FactSet.
Lạc quan vì điều này, nhà đầu tư dường như phớt lờ một báo cáo ảm đạm từ Bộ Thương mại Mỹ về tình hình bán lẻ ở nước này. Doanh thu bán lẻ tháng 6 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thay vì tăng 0,5% như dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
“Người Mỹ đã được giải toả áp lực giá cả ở trạm bơm xăng, nhưng không gia tăng nhu cầu đối với hàng hoá tiêu dùng. Xét cho cùng, đây cũng là tin tốt cho những nhà đầu tư lo lắng về việc Fed có thể tăng lãi suất sau tháng 7. Nói chung là ‘trạng thái vàng’ vẫn tiếp tục”, Phó chủ tịch phụ trách thông tin thị trường của TradeStation, ông David Russell, nhận định.
“Trạng thái vàng” mà ông Russell nói tới là sự kết hợp giữa lạm phát xuống thang và sự vững vàng tương đối của tăng trưởng kinh tế - một trạng thái mà giới phân tích có thể giữ kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” thành công.
Kỳ vọng này đã góp phần giúp dầu thô có một phiên tăng giá khá mạnh.
Giá dầu Brent giao sau tại Lon don tăng 1,13 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 79,63 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 1,6 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 75,75 USD/thùng.
“Với ngành sản xuất yếu đi và lạm phát chậm lại, Fed có thể chỉ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 này rồi dừng hẳn”, một báo cáo của ngân hàng ING nhận định.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi những tia hy vọng về các biện pháp kích cầu mới ở Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng quý 2 yếu kém vào đầu tuần này, giới chức nước này đã cam kết sẽ sớm triển khai các chính sách mới để “khôi phục và mở rộng” tiêu dùng.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty dữ liệu và phân tích OANDA, cho biết các nhà giao dịch năng lượng đang kỳ vọng “nguồn cung thị trường dầu mỏ sẽ vẫn thắt chặt do xuất khẩu dầu của Nga giảm và Trung Quốc chuẩn bị cung cấp thêm hỗ trợ tiêu dùng cho các hộ gia đình”.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói với các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn vẫn còn yếu.
Về phía cung, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể sẽ giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12 năm ngoái trong tháng 8 tới - theo các dự báo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).