Dự án AVERP mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa ở Thái Bình
Trải qua 5 năm triển khai, đã có 47.762 lượt hộ nông dân thuộc 85 hợp tác xã tham gia và hưởng lợi từ dự án “Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải Khí nhà kính AgResults” (AVERP)...
Ngày 25/8/2021, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình và Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội thảo trực tuyến Tổng kết và Trao giải Chung kết Dự án “Sản xuất lúa bền vững và Giảm phát thải Khí nhà kính AgResults” (AVERP).
TRỒNG LÚA GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH
Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nông nghiệp chiếm tới 33% tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu, trong đó sản xuất lúa gạo chiếm xấp xỉ 50% phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp.
Đề án AgResults đã thiết kế Dự án AVERP nhằm xác định phương pháp tiếp cận mới giúp giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất lúa và nhân rộng các phương pháp hiệu quả nhất cho hàng ngàn nông hộ.
Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án AVERP cho biết, trải qua 4 vụ sản xuất lúa mở rộng ở giai đoạn 2, đã có 47.762 lượt hộ nông dân thuộc 85 HTX tham gia dự án, với tổng diện tích trồng 4.937 ha lúa.
Dự án AVERP triển khai tại tỉnh Thái Bình từ năm 2016 đến năm 2021. Dự án này sử dụng “cơ chế kéo” – một cơ chế thưởng bằng tiền dựa trên kết quả – để hỗ trợ các tác nhân trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vượt qua các rào cản thị trường và đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
Kết quả kiểm định cho thấy các gói công nghệ được thực hiện trong điều kiện thời tiết thực tế của hai vụ Xuân và Hè đã giảm khí nhà kính trung bình 0,5 tấn/ha và tăng năng suất trung bình 0,2 tấn/ha so với canh tác lúa truyền thống. Các gói công nghệ này cũng giảm khoảng 15% chi phí vật tư cho các nông hộ.
Cùng với các lợi ích kép về phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo, các kết quả được kiểm định của Dự án cũng đóng góp vào nhiều đề xuất cơ chế chính sách, lồng ghép vai trò của doanh nghiệp vào thực hiện và nhân rộng chuyển giao các công nghệ sản xuất lúa bền vững cho nhiều vùng miền Việt Nam.
Ngoài những lợi ích thiết thực mà Dự án mang lại cho toàn thể các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo, Dự án đã xây dựng được ba trụ cột chính nhằm đảm bảo tính bền vững sau khi Dự án kết thúc tại Thái Bình. Đó là: Tuân thủ, đi đúng các định hướng Chính sách và đóng góp vào quá trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và Chiến lược ngành Trồng trọt giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030; và các Cam kết Quốc gia về cắt giảm khí nhà kính (NDC).
"Dự án cũng đã tạo ra các cơ hội mới cho việc tiếp cận các chương trình Tín dụng xanh và Tài chính các-bon. Các cơ hội này chính là chất xúc tác để các doanh nghiệp và nông hộ cùng hợp tác sản xuất nông nghiệp phát thải thấp trên qui mô lớn sau khi Dự án kết thúc”, bà Hà nhấn mạnh.
TRAO GIẢI CHO 3 DOANH NGHIỆP ĐOẠT GIẢI
Căn cứ vào các kết quả đã được đo lường chi tiết và khoa học trong quá trình triển khai, các Giải Chung kết đã được trao bởi lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, Cục Trồng trọt, Tổ chức SNV cho ba đơn vị đoạt giải.
Cụ thể, giải Nhất trị giá 750.000 USD được trao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed; giải Nhì trị giá 400.000 USD được trao cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ An Đình; giải Ba trị giá 200.000 USD được trao cho Công ty Cổ phần Giống cây lương thực và cây thực phẩm. Qua hai giai đoạn triển khai, Dự án đã trao tổng giá trị giải thưởng lên đến 3 triệu USD cho các Đơn vị dự thi tham gia.
Đại diện đơn vị dự thi đoạt giải Nhất, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: “Đây là một dự án được thực hiện với cơ chế rất minh bạch, giúp chúng tôi triển khai thành công gói công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp và đến nay đã tạo được cho bà con nông dân ở Thái Bình sự tự giác thực hiện các gói công nghệ ngay cả sau khi vụ mở rộng cuối cùng kết thúc từ năm 2020.
"Tất cả các điểm trồng lúa của ThaiBinh Seed trên toàn quốc sẽ tiếp tục triển khai gói công nghệ tham gia Dự án, cũng như sẽ tiếp tục lan tỏa những phương thức tiên tiến này đến những vùng sản xuất lúa trọng điểm trên cả nước", ông Báo cam kết.
Ông Tristan Armstrong, đại diện Ban điều hành Đề án AgResults từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc khẳng định: “Cuộc thi tại tỉnh Thái Bình đã khuyến khích các doanh nghiệp trong khối tư nhân cạnh tranh bằng cách thúc đẩy việc nghiên cứu, thử nghiệm và mở rộng quy mô các gói công nghệ canh tác lúa hiệu quả nhất đến hàng ngàn nông hộ”.
“Cục Trồng trọt sẽ tiếp quản các kết quả của Dự án và yêu cầu các Đơn vị dự thi đạt giải có kế hoạch tiếp tục triển khai các mô hình canh tác tiên tiến này ở các tỉnh khác ngoài phạm vi Thái Bình", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cam kết, đồng thời tin tưởng "với vai trò quản lý nhà nước cùng những tiềm lực, trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia, những kết quả dự án sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước".