Đưa Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn

Lý Hà
Chia sẻ

Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp lõi và góp phần quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, cần một chiến lược đầu tư toàn diện và trước hết phải đưa Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Đưa Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Đưa Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 20 năm từ năm 2001 đến năm 2021, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm. Hiện, ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Điều này cho thấy từ nay đến năm 2030, nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp này trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đòi hỏi ở mức rất cao.

TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ CỦA VIỆT NAM

Ngành bán dẫn là ngành công nghiệp sử dụng chất bán dẫn để sản xuất các linh kiện điện tử như vi mạch và chip. Ngày nay, hầu hết thiết bị điện tử đều sử dụng các linh kiện điện tử dùng chất bán dẫn.

Công nghệ bán dẫn được chia thành 4 lĩnh vực chính: (1) thiết kế vi mạch nhằm tạo ra các vi mạch với kích thước và chức năng cụ thể; (2) sản xuất bán dẫn, chế tạo các vi mạch trên tấm bán dẫn bằng các quy trình tiên tiến như in thạch bản và khắc ion; (3) kiểm thử nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu suất của các sản phẩm bán dẫn trước khi xuất xưởng; (4) đóng gói bán dẫn nhằm bảo vệ các vi mạch khỏi tác động môi trường và hỗ trợ kết nối với các thiết bị khác. Các lĩnh vực này đều cần nguồn nhân lực làm việc am hiểu về ngành công nghệ bán dẫn.

Nhiều chuyên gia công nghệ và kinh tế cho rằng Việt Nam đang có những tiềm năng và lợi thế nhất định để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đó là hệ thống chính trị ổn định; vị trí địa lý thuận lợi; nguồn cung lao động dồi dào và đặc biệt là lực lượng lao động có chất lượng, được coi là lợi thế nổi bật nhất của Việt Nam so với các quốc gia khác.

 

Với thế mạnh nhân lực, bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp đúng đắn phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng từ hub nhân lực này sẽ tiến tới xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Hub nhân lực sẽ như thỏi nam châm để thu hút đầu tư nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam rất quan tâm việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn. Điều này đã thể hiện khá rõ khi có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)...

Mặt khác, trong tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, đã nêu hai nội dung hợp tác đột phá, đó là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn với việc nhấn mạnh đến hợp tác phát triển nguồn nhân lực cho ngành.

Về sản xuất chất bán dẫn, Việt Nam được coi rất có tiềm năng vì có gần 80 loại hình khoáng sản và hơn 500 điểm mỏ đã được phát hiện. Đặc biệt, Việt Nam có những khoáng sản quý hiếm dành cho sản xuất chất bán dẫn, như: đất hiếm, titan, bauxite. Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về đất hiếm, một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên liệu chiến lược để sản xuất chất bán dẫn, phân bố chủ yếu ở Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An, Kon Tum, Lâm Đồng...

Theo ước tính của Cục Khảo sát địa chất Hoa Kỳ, trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam đạt khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn) và cao hơn Brazil (21 triệu tấn), Nga (21 triệu tấn), Ấn Độ (6,9 triệu tấn).

Về kinh nghiệm, Việt Nam là một trong số ít nước đã có 20 năm làm công nghiệp bán dẫn, có những nền tảng bước đầu; có lắp ráp, thiết kế, casting với khoảng trên 6.000 kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp này. Như vậy, Việt Nam đang có một số lợi thế quan trọng để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

PHÁT HUY LỢI THẾ VỀ NGUỒN NHÂN LỰC

Theo ông Nguyễn Mạnh, Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là nguồn nhân lực, bởi cả trong ngắn hạn và trung hạn, thế giới đang thiếu hụt nhân lực cho ngành bán dẫn. Một số chuyên gia kinh tế ước tính nhu cầu thế giới cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Về nguồn nhân lực của Việt Nam, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư đến năm 2030” cho cả 4 lĩnh vực của ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.
Ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ đạt mức doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: đề án sẽ đào tạo khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư trong các lĩnh vực còn lại của ngành công nghiệp bán dẫn. Tối thiểu 5.000 kỹ sư trong số đó có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo, đồng thời sẽ đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên có trình độ quốc tế.

Cũng theo Bộ trưởng, từ nay đến năm 2030 tuy chỉ còn khoảng 6 năm nhưng khả năng đào tạo và đào tạo lại chừng ấy nhân lực là hoàn toàn khả thi. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” để đạt được mục tiêu đề ra.

Tinh thần “đột phá của đột phá” trong đào tạo, trước hết cần phải thể hiện rõ trong các giải pháp, trong cơ chế chính sách của Nhà nước dành cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đó là đột phá hợp tác quốc tế về đào tạo giữa các nước, nhất là các nước đã nâng cấp Đối tác Chiến lược toàn diện; đột phá riêng việc tạo lập môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất chip bán dẫn.

Thứ hai, Nhà nước phải có nguồn ngân sách đầu tư, hỗ trợ ban đầu cho các cơ sở đào tạo, cho các trung tâm sáng tạo, nghiên cứu phát triển, cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo theo nguyên tắc hợp tác giữa ba bên: Nhà nước - viện nghiên cứu, trường đại học - doanh nghiệp...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2024 phát hành ngày 20/05/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Đưa Việt Nam thành hub nhân lực toàn cầu về công nghiệp bán dẫn - Ảnh 1

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con