Đường dài tiếp cận tín dụng xanh

Song Hà
Chia sẻ

Trên 70% doanh nghiệp trong ngành dệt may có quy mô nhỏ và trung bình nên sẽ rất khó khăn trong việc đầu tư xanh, ứng dụng công nghệ mới để phát triển bền vững. Trong khi đó, dư nợ tín dụng ngành dệt may chỉ chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế...

Cơ hội đầu tư vào dệt nhuộm rất lớn.
Cơ hội đầu tư vào dệt nhuộm rất lớn.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ LỚN VÀO TĂNG TRƯỞNG XANH

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước tiến tích cực. Tốc độ tăng trưởng trong sản xuất ngành dệt may bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 7,9%/năm, riêng năm 2018 tăng trên 33%.

Bước sang 2021, ngành dệt may đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với năm 2020 nhờ chuỗi sản xuất phục hồi với đơn hàng truyền thống tăng trở lại. 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành dệt tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, ngành sản xuất trang phục tăng 23,3%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao trình độ tay nghề, chuyển hướng sản xuất từ hình thức chỉ nhận gia công sang hình thức tự chủ nguồn nguyên liệu, tự thiết kế và hoàn thành sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp đã đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa, xanh hóa…

Song đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cũng chỉ ra rằng cơ hội đầu tư cho ngành dệt may còn rất lớn. Cụ thể, ông Tuấn cho rằng, Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải. Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu.

Trong khi đó, vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại. Đây sẽ là phân khúc thị trường tiềm năng để thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.

“Với yêu cầu về quy tắc xuất xứ như vậy sẽ buộc các doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi. Đây cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước”, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, cơ hội đầu tư xanh từ dự thảo “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” đặt ra mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển công nghiệp dệt may trở thành ngành kinh tế quan trọng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để từng bước hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị, quản lý môi trường và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nhưng để thu hút đầu tư vào ngành dệt may, ông Tuấn lưu ý, ngành cần chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường. Kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị, giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may... hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.

Nhà nước cần xem xét hỗ trợ mạnh mẽ nhiều mặt để hình thành nền công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may, đặc biệt về vốn và chính sách hỗ trợ sản xuất nguyên liệu.

Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp cần theo xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng.

Là doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong việc trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam, ông Tô Đức Minh, Phó giám đốc Kinh doanh Tập đoàn An Phước, cho hay tập đoàn này đã đầu tư nhà máy đầu tiên ở Việt Nam có công nghệ sản xuất tự động hóa theo dây chuyền hiện đại nhập khẩu sản xuất sợi gai với quy mô 1.000 tỷ đồng. Hiện nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định và đã sản xuất được sợi có chỉ số khác nhau theo nhu cầu thị trường. Nhà máy cũng đã và đang tối ưu định mức chi phí, tiêu hao trong sản xuất.

Song để hiện thực hóa mục tiêu giai đoạn 2023-2032, doanh nghiệp mong muốn tiếp cận tín dụng xanh đầu tư 3 nhà máy tách keo (đảm bảo phục vụ cho nhà máy kéo sợi công suất 20.000 cọc sợi/năm) tại những vùng nguyên liệu có diện tích lớn; một nhà máy dệt nhuộm công suất 3.600.000 mét vải/năm; một nhà máy kéo sợi hỗn hợp công suất 5.200 tấn/năm.

ĐẦU TƯ XANH HÓA SẢN XUẤT DỆT MAY

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, năng lực sản xuất vải khoảng 2 tỷ m2/năm chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường trong nước. Chất lượng vải sợi hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ước tính cần có 30 triệu USD, tương đương 700 tỷ đồng, để đầu tư sản xuất vải sợi với công suất 10 triệu m2/năm.

Tính toán cho thấy, để đạt được mục tiêu đặt ra trong kế hoạch phát triển theo dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, tổng nhu cầu vốn đầu tư là khoảng 68.864 tỷ đồng/năm với giả định nhu cầu vốn từ doanh nghiệp Việt Nam chiếm 40% tổng nhu cầu đầu tư và tỷ lệ vốn vay là 70% (30% là vốn tự có). Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2022-2026 ước tính 344.318 tỷ đồng, giai đoạn 2022-2030 là 619.772 tỷ đồng.

Dệt may là một trong 20 ngành kinh tế được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết tính đến tháng 11/2021, có 67 tổ chức tín dụng triển khai “tín dụng xanh”, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm khoảng hơn 4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020.

Riêng dư nợ đối với ngành dệt may đến 31/3/2022 đạt gần 150.000 tỷ đồng (tăng khoảng 3,3% so với thời điểm cuối năm 2020), chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, trong đó dư nợ đối với dệt là gần 86.000 tỷ và với sản xuất trang phục là 64.000 tỷ.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó ban khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng BIDV, cho biết trong tổng dư nợ cho vay ngành dệt may trung bình hàng năm của BIDV là hơn 20.000 tỷ và chủ yếu là vay ngắn hạn. Tỷ trọng cho vay với các dự án xanh còn ít, bởi những doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về xanh và bền vững hơi khó.

Nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được xây dựng. Trong đó có tích hợp các nội dung để thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP 26 về xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh xanh… Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng; triển khai thực hiện các nội dung về tín dụng xanh tại Luật Bảo vệ môi trường (2020).

Như vậy, để các doanh nghiệp dệt may có thể tiếp cận với tín dụng xanh theo chương trình trên, ông Hùng cho biết, bên cạnh yếu tố hiệu quả kinh tế của phương án kinh doanh, các tổ chức tín dụng sẽ hướng đến tài trợ tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, bảo vệ môi trường.

Vì vậy, mục tiêu xanh hóa sản xuất, nâng cao trách nhiệm và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất là yêu cầu cấp bách, mang tính chiến lược của ngành dệt may nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút được dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nhiệm vụ của ngành dệt may là cần xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng xanh hóa sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng đầy đủ tiêu chí dự án đầu tư xanh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường (đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), làm cơ sở tiếp cận các chính sách tín dụng xanh hiệu quả.

Doanh nghiệp dệt may cần nâng cao nhận thức, thay đổi quy trình sản xuất, triển khai giải pháp nhằm xanh hóa sản xuất, nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về môi trường; chuyển đổi quy trình, dây chuyền sản xuất sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng tăng trưởng xanh.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con