GDP quý 1/2024 bật tăng 5,66%, cao nhất trong vòng 4 năm

Ánh Tuyết
Chia sẻ

GDP quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 trong suốt 4 năm gần đây 2020-2023. Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tiếp đà khởi sắc, hoạt động thương mại dịch vụ sôi động đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%...

Ngày 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2024. 

KINH TẾ VƯỢT KHÓ BỨT PHÁ

Thông tin về bối cảnh bao trùm kinh tế thế giới 3 tháng đầu năm 2024 tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, cho biết kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gia tăng căng thẳng địa chính trị.

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương trình bày báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2024.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương trình bày báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 1/2024.

Xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine diễn biến phức tạp và kéo dài, xung đột tại dải Gaza leo thang, các cuộc tấn công hoạt động vận tải tại Biển Đỏ đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa, dầu thô, lương thực toàn cầu. Đồng thời, gia tăng rủi ro đối với an toàn hàng hải, ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của các quốc gia trên thế giới.

Cùng với đó, thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; nguy cơ về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng gia tăng...

Lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn cao hơn mục tiêu. Nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, duy trì mức lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu phục hồi chậm.

"Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định ở các mức khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 nhưng đều thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 từ 0,2 đến 0,3 điểm phần trăm", bà Hương cho biết.

Trong nước, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Vì vậy, kinh tế - xã hội quý 1/2024 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, điều này khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương từng bước phát huy hiệu quả.

GDP quý 1/2024 bật tăng 5,66%, cao nhất trong vòng 4 năm - Ảnh 1

Nhìn lại tốc độ tăng trưởng các quý cùng kỳ, số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng GDP quý 1 năm trước các năm 2020-2023 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,12%; 3,41%.

Đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP cả nước, lãnh đạo Tổng cục Thống kê, cho biết khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%. Khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.

CÔNG NGHIỆP KHỞI SẮC, HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI SÔI ĐỘNG

Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp khởi sắc và tiếp tục đà tăng trưởng từ cuối năm 2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2024 tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 0,73%), đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,98% (quý 1/2023 giảm 0,45%).

GDP quý 1/2024 bật tăng 5,66%, cao nhất trong vòng 4 năm - Ảnh 2

Hơn nữa, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Một số địa phương nổi bật có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 1/2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%.

Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 476,5%; Trà Vinh tăng 164,0%; Thanh Hóa tăng 41,3%; Hải Dương tăng 17,3%; Bắc Giang tăng 15,7%; Ninh Thuận tăng 13,5%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: Quảng Nam tăng 0,5%. Quảng Ngãi tăng 0,2%; Cà Mau giảm 9,5%; Bắc Ninh giảm 8,8%.

Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện quý I/2024 giảm so với cùng kỳ năm trước: Sơn La giảm 50,6%; Hòa Bình và Quảng Nam cùng giảm 28,7%; Quảng Ngãi giảm 25,1%; Lai Châu giảm 23,9%; Cao Bằng giảm 14,5%.

Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước giảm: Hà Giang giảm 79,4%; Quảng Nam giảm 21,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 10,6%.

"Trong khu vực dịch vụ, các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao", lãnh đạo Tổng cục Thống kê thông tin.

Về cơ cấu nền kinh tế quý 1/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,77%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,73%; khu vực dịch vụ chiếm 43,48%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.

Về sử dụng GDP quý 1/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,93% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 56,77% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 4,69%, đóng góp 24,07%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 18%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,08%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 19,16%.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con