Tận dụng xu hướng phục hồi, đưa GDP đạt mức 6,3-7%
Năm 2024, kinh tế thế giới nếu phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng phát huy tốt tác dụng; doanh nghiệp Việt tận dụng tốt cơ hội tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công tiếp tục đạt cao; khi đó, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt mức 6,3 - 7,0%, khả năng lạm phát cả năm ở mức 3,5 - 3,8%...
Mức tăng trưởng kinh tế 5,05% trong năm 2023 là chỉ số rất thấp trong hàng chục năm nay khi so sánh các năm trước, trừ những năm bị đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu xem xét trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của năm 2023 thì đây được coi là một thành công đáng khích lệ khi Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 20 quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới năm 2023.
Đặc biệt, việc tiếp tục giữ ổn định các cân đối vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền, mức độ tăng giá của USD với VND chỉ là 1,86%; chỉ số CPI, lạm phát được kiềm chế ở mức 3,25%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra, được coi là điểm sáng kinh tế của khu vực và thế giới. Với ba động lực chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, kinh tế Việt Nam năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước, đặc biệt có sự bứt phá trong quý 4/2023.
CÒN SUY GIẢM NHỮNG BỨT PHÁ MẠNH CUỐI NĂM
Ba động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu) được ví như “cỗ xe tam mã” trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.
Một, tình hình xuất khẩu từng tháng, hầu hết các tháng đều có kim ngạch xuất khẩu tháng sau cao hơn tháng trước, điều này thể hiện sự cố gắng của các doanh nghiệp, (trừ tháng 1 và tháng 4 có mức giảm sâu). Do vậy, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước vẫn giảm sút, nhưng mức giảm sút đang giảm dần.
Trong quý 4/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với quý 3/2023. Cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Cũng trong quý 4/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,3% so với quý 3/2023. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước.
Từ tháng 7, 8/2023, do nhiều ngành như dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện có thêm các đơn hàng, nhờ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh và giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tiến gần hơn đến mức xuất nhập khẩu của năm 2022.
Như vậy, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt hơn 681 tỷ USD, giảm 6,9%, tương ứng giảm 50,25 tỷ USD so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu 28 tỷ USD, cao hơn đáng kể năm 2022 khi xuất siêu 12,1 tỷ USD.
Hai, về chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, số tuyệt đối và số tương đối so với tháng trước, các tháng đều tăng (có sụt giảm chỉ trong tháng 2/2023).
Tuy nhiên, chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm đáng kể, tháng 1/2023 mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 tăng 20%; tháng 2 còn 13,2%, tháng 3 giảm còn 13,4%; tháng 4, tháng 5 giảm xuống 11,5%, đến tháng 6 giảm còn 6,5%.
Đáng chú ý, tín hiệu khởi sắc trở lại khi triển khai các biện pháp quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, từ chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa từ 1/7/2023, miễn giảm 36 loại phí, lệ phí; giãn hoãn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các doanh nghiệp, cùng với việc Ngân hàng Nhà nước 4 lần hạ lãi suất điều hành và trên cơ sở đó, lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm nhiều.
Tháng 7/2023 chỉ số mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,1%, tháng 8 tăng 7,6%, tháng 9 tăng 7,5%, giúp chỉ số này trong 9 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 4/2023 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%).
Ba, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 4/2023 theo giá hiện hành ước đạt 1.164,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính năm 2023, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước.
Hoạt động giải ngân đầu tư công có bước tăng trưởng đáng kể. Giải ngân năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
KINH TẾ TRONG NƯỚC TIẾP ĐÀ PHỤC HỒI
Năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế thế giới đang từng bước phục hồi. Các nhân tố ảnh hưởng tới tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 gồm cả nhân tố khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các nhân tố từ nội tại nền kinh tế.
Trước hết, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm thấp nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao có thể làm nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu lạm phát.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lạm phát cơ bản đang trên đà giảm từ mức 9,2% năm 2022 xuống còn 5,9% năm 2023 và có thể sẽ tiếp tục giảm xuống khoảng 4,8% năm 2024. Lạm phát lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, cũng dự kiến giảm xuống 4,5%. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm lại. Nhu cầu vật tư, nguyên liệu, linh phụ kiện cho sản xuất và nhu cầu hàng hóa tiêu dùng vẫn tăng gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, giá của nhiều mặt hàng nguyên nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất có thể giảm xuống khi nền kinh tế tiếp tục hồi phục chậm chạp và nhu cầu toàn cầu chưa cao.
Giá dầu có thể ổn định hoặc giảm nhẹ phản ánh lo ngại về nhu cầu toàn cầu chậm lại và căng thẳng thị trường tài chính. Nhiều kim loại, nguyên vật liệu sẽ ổn định hoặc có mức tăng thấp. Giá giảm phản ánh sự phục hồi của nguồn cung sau gián đoạn sản xuất vào năm 2023, cũng như nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm.
Thứ ba, cùng với việc lạm phát giảm, nhiều quốc gia có thể thực hiện giảm lãi suất và các biện pháp giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển kinh tế. Kinh tế một số quốc gia có thể tăng trưởng tốt hơn, nhu cầu của nền kinh tế thế giới sẽ tăng lên, hoạt động thương mại quốc tế sẽ có thể tăng lên. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,4% trong năm 2024, điều chỉnh giảm 0,3% so với 2023.
Thứ tư, hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2023 có xu hướng tăng cao có thể đẩy kinh tế tăng trưởng cao trong năm 2024.
Thứ năm, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế hồi phục và phát triển, gần đây, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chính sách miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần giảm sức ép tăng giá các hàng hóa trong nền kinh tế.
Chính phủ ban hành Nghị định 94/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội. Đồng thời, Bộ Tài chính xem xét để có thể miễn giảm các loại phí, thuế. Đây là cơ sở để nhiều nhóm hàng hóa hạ thấp giá cả, thúc đẩy tiêu dùng, tăng vòng quay của vốn, tăng hiệu quả tăng trưởng kinh tế.
Thứ sáu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục được giải ngân tăng cao trong năm 2024 cũng sẽ là một nhân tố có thể giúp tỷ giá VND so với các ngoại tệ bớt căng thẳng, việc giải ngân vốn FDI cao sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Dự báo trong năm 2024 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu không tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5-6,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2-3,5%.
ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT NHẬP KHẨU
Để thực hiện được các nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ đề ra cho năm 2024, phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024 và tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế các năm tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam