Gen Z thúc đẩy ngành “công nghiệp không cồn”
Được tiếp xúc với nhiều lựa chọn đồ uống mang lại cả lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần, người tiêu dùng trẻ dần chuyển sang sản phẩm không cồn. Các tập đoàn lớn đang phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích nghi với xu hướng mới…
Theo một báo cáo mới của Allied Market Research, thị trường đồ uống không cồn, trị giá 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ đạt 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2035, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 6,9%. Đồ uống không cồn bao gồm nhiều lựa chọn khác nhau, như: soda có ga, nước ép trái cây, nước có hương vị, trà thảo dược, nước tăng lực và đồ uống chức năng. Nhu cầu tăng vọt của các loại đồ uống này được thúc đẩy bởi sự tập trung ngày càng tăng của người tiêu dùng vào sức khỏe và thể chất.
MỘT THẾ HỆ “CAI SAY”
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Innova Market Insight mới đây cho thấy khoảng 33% người tiêu dùng trong độ tuổi 18 - 25 cho biết bia, rượu truyền thống không phải là lựa chọn của họ. Tương tự, khảo sát của công ty phân tích thị trường đồ uống toàn cầu International Wine and Spirits Record (IWSR) cho thấy 64% Gen Z đủ tuổi mua thức uống có cồn ở Mỹ đã không dùng rượu, bia trong 6 tháng qua.
Xu hướng này đang gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường châu Âu, Mỹ, Australia và New Zealand, nguyên nhân chính là do nhận thức về tác hại của rượu, bia. William Higham, tác giả cuốn sách The Next Big Thing, phân tích: Gen Z rất sợ rủi ro. Họ đang phải chịu nhiều áp lực hơn so với các thế hệ trước để thành công trong công việc và việc say xỉn đi ngược với các nỗ lực đó. Sự lên ngôi của lối sống lành mạnh, với các hoạt động thể thao, ăn uống khoa học, cũng góp phần hình thành thói quen “cai say” ở giới trẻ.
Từ chỗ từng bị chế giễu, giờ đây đồ uống không cồn hiện đang tràn ngập trên các kệ hàng trên khắp thế giới. Heineken, Guinness và Budweiser hiện nay đều có loạt sản phẩm không chứa cồn, trong khi hàng trăm nhà sản xuất bia thủ công và các nhãn hiệu mới hơn cũng nhắm vào thị trường này.
Theo tờ The Business Times, hãng bia lớn nhất thế giới AB InBev mới đây đã ký kết thỏa thuận để trở thành nhà tài trợ cho Thế vận hội. Cụ thể, bia không cồn Corona Cero sẽ trở thành nhà tài trợ chính thức của 3 kỳ Olympic, bao gồm Thế vận hội mùa hè sắp tới ở Paris, Thế vận hội mùa đông Milan 2026 và Thế vận hội mùa hè Los Angeles 2028. Ông Marcel Marcondes, CMO của AB InBev, kỳ vọng Corona Cero sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của bia không cồn, đồng thời nêu bật thông điệp uống có trách nhiệm.
Theo GlobalData, Heineken 0.0 hiện là công ty dẫn đầu thị trường bia không cồn trên toàn cầu. Những công ty tương tự lớn khác là Suntory All-Free của Nhật Bản và Brahma 0,0%, đều thuộc sở hữu của AB InBev. Tại Đức, nhờ nhu cầu ngày càng tăng, thương hiệu bia Weihenstephan thuộc sở hữu của Bavaria đã tăng hơn gấp đôi công suất sản xuất bia không cồn, đặt cược vào sự tăng trưởng trong tương lai. Ngày nay, bia lúa mì không cồn chiếm gần 10% doanh thu và là sản phẩm bán chạy thứ ba của công ty.
Những ngành dịch vụ liên quan cũng đã thay đổi để đáp ứng với nhu cầu đồ uống không cồn ngày càng tăng. Theo Expedia, một xu hướng du lịch trong năm 2024 là “Dry Tripping”, với du khách tìm đến những khách sạn và resort phục vụ những loại đồ uống không cồn. Khảo sát của Expedia cũng cho biết: hơn 50% khách du lịch nói rằng họ muốn ở khách sạn dễ tìm đến những đồ uống không cồn, 25% người nói rằng lý do hạn chế bia rượu khi đi du lịch là để giữ cho sức khỏe và tinh thần thoải mái.
Theo GlobalData Plc, bia không cồn hay bia có hàm lượng cồn dưới 0,5% chỉ là một góc nhỏ của thị trường, với 31,4 triệu hectoliter bia mỗi năm (1 hectoliter = 100 lít), so với 1,93 tỷ hectoliter bia có cồn, nhưng loại bia mới lại có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 3,6% kể từ năm 2018, so với 0,3% của bia có cồn.
Nhiều dự báo cho thấy danh mục sản phẩm không cồn sẽ tăng 25% trong giai đoạn 2022 - 2026 khi các hãng đồ uống buộc phải chuyển hướng kinh doanh. Tập đoàn Anheuser-Busch dự báo mảng kinh doanh bia không cồn sẽ chiếm đến 1/5 tổng doanh thu của hãng vào năm 2025.
Tại Việt Nam, với tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2024 phát hành ngày 01/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam