Giá thép giảm, cổ phiếu thép còn "sốt"?
Thời điểm tháng 6, tháng 7 là mùa mưa, các công trình ít thi công nên giá thường giảm theo cung cầu. Điều quan trọng nhất theo giới chuyên môn là giá thép tăng quá cao lo ngại sẽ dội ngược lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép khi mà thị trường xây dựng buộc phải chững lại...
Như VnEconomy đưa tin, so với thời điểm cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021, giá thép xây dựng đến ngày 22/6/2021 đã giảm khoảng 750 nghìn đồng/tấn – 1,5 triệu đồng/tấn tùy theo thương hiệu và sản phẩm. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, thép xây dựng đã có hai đợt giảm giá, trước đó là ngày 9/6/2021.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu thép duy nhất HPG giữ được sắc xanh chốt phiên giao dịch hôm nay 22/6. Trong khi đó, HSG, NKG, POM, TLH ngay lập tức đồng loạt đỏ với mức độ giảm lần lượt 0,95%, 2,58%, 1,19%, 2,49%. Riêng VIS đứng yên ở giá tham chiếu. Thanh khoản nhóm này cũng giảm tương ứng hầu hết các mã đều giảm gần một nửa.
"Siêu sóng" cổ phiếu thép diễn ra từ đầu năm 2021 đến 10/6 với mức tăng giá chung của nhóm này 70% dựa trên kết quả kinh doanh khởi sắc với doanh thu tăng 47,2%; lợi nhuận sau thuế tăng 289,1% nhờ biên EBIT cải thiện trong bối cảnh giá thép tăng phi mã phần lớn do yếu tố đầu cơ hơn là nhu cầu tiêu thụ hồi phục. 24/45 cổ phiếu ngành Thép có lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi cùng kỳ dù doanh thu tăng thấp hơn (bao gồm HPG, HSG, TVN, SMC) hay thậm chí giảm (VGS, DTL).
Tuy nhiên, từ ngày 10/6 đến nay, sóng cổ phiếu thép chững lại với những nhịp tăng giảm đan xen, tâm lý mua bán của nhà đầu tư thận trọng hơn và không bất chấp lên tàu bằng mọi giá khi thép giảm đợt đầu tiên 9/6 và khối ngoại tháo ra ồ ạt ở mã lớn như HPG.
Đến phiên hôm nay 22/6, giá thép tiếp tục giảm mạnh, chính thức dấy lên lo ngại của nhà đầu tư về siêu chu kỳ tăng giá của mặt hàng thép sẽ giảm, gây áp lực sóng cổ phiếu ngành thép "tan vỡ" theo.
Lo ngại này không thừa, bởi giá thép giảm là hiện tương tự nhiên, thời điểm tháng 6, tháng 7 là mùa mưa, các công trình ít thi công nên giá thường giảm theo cung cầu. Điều quan trọng nhất theo giới chuyên môn là giá thép tăng quá cao lo ngại sẽ dội ngược lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép khi mà thị trường xây dựng buộc phải chững lại.
Theo bảng cân đối liên ngành Tổng cục Thống kê, trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng thép chiếm khoảng 5% giá trị sản xuất. Tính cả chi phí trung gian, thép chiếm khoảng 6,2% giá trị sản xuất ngành xây dựng, tương đương 1,4% giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế năm 2020.
Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong trường hợp đầu vào của cả nền kinh tế đã bị tăng giá do ảnh hưởng trực tiếp của giá thép tăng, sẽ khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến giá sản xuất của nền kinh tế ở chu kỳ sản xuất sau, ảnh hưởng này khiến PPI của toàn nền kinh tế tăng khoảng 1,2% và giá thành xây nhà tăng trên 10%. Ngoài ra, giá các vật liệu xây dựng khác như đá xây dựng, cát cũng đã tăng 50% trong năm 2021 (ước tính 1.5 triệu đồng/khối).
Siêu chu kỳ tăng giá vật liệu xây dựng, vốn dẫn dắt bởi thép có thể khiến ngành xây dựng năm 2021 tăng trưởng rất nhẹ hoặc trong trường hợp xấu nhất là suy giảm. Rất nhiều doanh nghiệp đã quyết định tạm hoãn thi công để chờ quyết định bù trừ giá vật tư, vốn có thể khiến tiến độ chậm hơn từ 6-18 tháng.
Đơn cử, tại Nam Định, từ cuối tháng 5, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đã có công văn xin tạm dừng thi công vì giá thép quá cao. Hàng loạt danh nghiệp xây dựng khác trên cả nước cũng phải tạm dừng thi công, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng nói với VnEconomy.
Một khi doanh nghiệp xây dựng "bần cùng" vì giá thép mà buộc phải dừng hoạt động, điều này cũng khiến các doanh nghiệp ngành thép gặp khó khăn nhất định với đầu ra, áp lực lợi nhuận lên doanh nghiệp. “Giá thép xây dựng tăng cao trên 17,2 triệu/tấn sẽ tốt trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn sẽ có những ảnh hưởng nhất định nhu cầu trực tiếp của ngành thép”, Mirae Asset nhấn mạnh.
Trong khi đó, FiinPro cho rằng, các biện pháp kiềm chế cơn sốt giá thép của chính phủ Trung Quốc và Việt Nam rất có thể sẽ thu hẹp biên lợi nhuận của nhóm Thép, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần về thương mại (mua-bán thép). Hệ số định giá cổ phiếu nhóm Thép hiện ở mức 12,6x, tương đương P/E forward 2021 (12,7x) nhưng cao hơn so với mức trung bình 3 năm (10,3x).
Nhìn chung, về ngắn hạn cổ phiếu nhóm thép có thể không còn nhiều động lực tăng trưởng do nhiều áp lực nêu trên, tuy nhiên, sóng ngành này có thể sẽ sớm quay lại khi những tháng cuối năm là thời kỳ cao điểm của mùa xây dựng, giá thép bật tăng trở lại.