Giá vàng thế giới lập kỷ lục rồi giảm chóng mặt, trong nước sụt trên 2 triệu đồng/lượng
Động lực tăng giá chủ đạo của giá vàng vẫn đang là sức nóng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nhưng mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn cũng gây áp lực giảm...
Giá vàng thế giới vượt ngưỡng 2.400 USD/oz lần đầu tiên trong lịch sử trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (12/4), khi căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông khuyến khích nhà đầu tư tìm kiếm “hầm trú ẩn” ở kim loại quý. Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm sâu sau đó dưới sức ép từ mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn.
Trong nước sáng nay, giá vàng đồng loạt giảm từ 700 đồng/lượng đến 2,2 triệu đồng/lượng tuỳ sản phẩm, tuỳ niêm yết của từng doanh nghiệp.
Dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco cho thấy trong phiên ngày thứ Sáu, giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã dao động trong biên độ xấp xỉ 100 USD/oz, từ 2.332,5 USD/oz đến 2.431,9 USD/oz. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay giảm 28,5 USD/oz, tương đương giảm 1,2%, còn 2.343,9 USD/oz.
Nếu so với mức chốt của phiên ngày thứ Sáu tuần trước, giá vàng giao ngay đã tăng 13,7 USD/oz trong tuần này, tương đương tăng khoảng 0,6%.
Động lực tăng giá chủ đạo của giá vàng vẫn đang là sức nóng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Nhiều tờ báo lớn đưa tin có khả năng Iran sẽ tấn công Israel vào cuối tuần này nhằm trả đũa việc lãnh sự quán Iran bị Israel không kích cách đây gần 2 tuần. Nếu xảy ra một cuộc tấn công như vậy, đây sẽ là sự leo thang mạnh mẽ nhất của căng thẳng ở Trung Đông kể từ khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái.
“Giá vàng đã đi từ mạnh tới mạnh và tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) đang thể hiện rõ trên thị trường vàng”, chiến lược gia Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận định trong một báo cáo.
Đáng chú ý, việc giá vàng liên tục lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây diễn ra ngay cả khi tỷ giá USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, cộng thêm triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Theo kết quả cuộc khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan công bố ngày thứ Sáu, người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng trở nên lo ngại hơn về sự dai dẳng của áp lực lạm phát. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 4 giảm về mức 77,9 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo đạt 79,9 điểm mà giới chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong 1 năm tới và trong dài hạn cũng tăng lên, phản ánh mối lo lạm phát khó giảm về mục tiêu 2% của Fed.
Trước đó, báo cáo công bố trong tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng nóng hơn so với dự báo. Sau khi báo cáo này được công bố, nhà đầu tư đã mất hy vọng vào khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6. Thay vào đó, giờ đây họ tin rằng phải đến tháng 9 lãi suất mới bắt đầu hạ.
Phản ánh triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng hơn 1,6% trong tuần này. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số tăng gần 0,7%, chốt ở mức hơn 106 điểm, cao nhất 5 tháng.
“Điều đáng nói về sức mạnh của giá vàng là đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đang tăng mà giá vàng vẫn tăng. Đó là dấu hiệu về nhu cầu phòng ngừa rủi ro đang mạnh”, nhà phân tích cấp cao Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng việc giá vàng giảm mạnh sau khi lập kỷ lục trong phiên ngày thứ Sáu là một dấu hiệu cảnh báo về biến động khó lường khi giá vàng đối mặt với những yếu tố tác động trái chiều. Dù sao, triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn vẫn đang là một điều gây bất lợi đối với giá vàng.
Ông Philip Newman, Giám đốc công ty Metals Focus, khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời một phần đối với vàng vì thị trường vàng đang đứng trước khả năng điều chỉnh sau đợt tăng chưa từng có tiền lệ. “Chúng tôi không cho là giá vàng sẽ giảm sâu, nhưng một đợt điều chỉnh trong ngắn hạn là hợp lý ở mức giá vàng như thế này”, ông Newman nói.
Ngân hàng Goldman Sachs vừa nâng dự báo giá vàng vào cuối năm nay lên 2.700 USD/oz từ 2.300 USD/oz trước đó, cho rằng các nhà đầu cơ giá lên đang hết sức thờ ơ với các yếu tố kinh tế vĩ mô.
Trong nước lúc gần 9h sáng nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 80,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 83 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 2,1 triệu đồng/lượng và 1,9 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm sáng hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý được Phú Quý báo giá ở mức 74,6 triệu đồng/lượng và 76,5 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, giảm 1,1 triệu đồng/lượng và 1,6 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn 999,9 hiệu Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu có giá 74,88 triệu đồng/lượng và 76,98 triệu đồng/lượng, giảm 1,4 triệu đồng/lượng và 1,2 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 80,8 triệu đồng/lượng và 83,3 triệu đồng/lượng, giảm 2,2 triệu đồng/lượng và 1,7 triệu đồng/lượng so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn SJC có giá 74,3 triệu đồng/lượng cho chiều mua vào và 76,2-76,3 triệu đồng/lượng cho chiều bán ra tuỳ trọng lượng sản phẩm, giảm tương ứng 800.000 và 700.000 đồng/lượng.
Ngân hàng Vietcombank báo giá USD ở mức 24.810 đồng (mua vào) và 25.180 đồng (bán ra), tăng 10 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng thứ Sáu và tăng 60 đồng so với mức chốt của tuần trước.