Giá vàng tiếp tục đi xuống, áp lực giảm đang lớn trước thềm báo cáo CPI Mỹ
Trong nước, giá vàng miếng giảm nhỏ giọt, chênh lệch với giá quốc tế duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng...
Giá vàng thế giới giảm sáng đầu tuần hôm nay (13/11), duy trì xu hướng trượt dốc của tuần trước và tiếp tục đương đầu với sức ép đến từ kỳ vọng lãi suất cao hơn lâu hơn. Trong nước, giá vàng miếng giảm nhỏ giọt, chênh lệch với giá quốc tế duy trì ở mức 13 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,25 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 58,45 triệu đồng/lượng và 59,45 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, giảm 50.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với cuối tuần.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,45 triệu đồng/lượng và 70,25 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 150.000 đồng/lượng và giảm 50.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.938 USD/oz, giảm 1,7 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại Mỹ - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Mức giá này tương đương gần 57,25 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Giá vàng thế giới giảm mà giá quy đổi tăng là do tỷ giá USD/VND tăng. Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.150 đồng (mua vào) và 24.520 đồng (bán ra), tăng 50 đồng ở mỗi đầu giá so với mức chốt của tuần vừa rồi.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn 13 triệu đồng/lượng và giá vàng nhẫn bán lẻ đang cao hơn 2,2 triệu đồng/lượng.
Tuần trước, giá vàng thế giới giảm 2,8%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong vòng 6 tuần.
Áp lực giảm đối với giá vàng quốc tế tăng lên vì các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ - yếu tố bất lợi đối với một tài sản không mang lãi suất như vàng.
Trong khi đó, lực hỗ trợ đối với giá vàng từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro do chiến tranh Israel-Hamas hầu như không còn đáng kể ở thời điểm này, vì cuộc chiến có vẻ được hạn chế ở dải Gaza thay vì lan rộng ra Trung Đông. Hồi tháng 10, giá vàng đã tăng mạnh trong 3 tuần liên tiếp sau khi chiến tranh bùng nổ, có thời điểm vượt qua mốc 2.000 USD lần đầu tiên trong 6 tháng.
So với biến động giá vàng quốc tế thời gian gần đây, giá vàng trong nước - nhất là giá vàng miếng - nhìn chung ổn định hơn. Khi giá thế giới tăng, giá trong nước tăng chậm hơn, và khi giá thế giới giảm, giá trong nước cũng giảm chậm hơn.
Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại công ty TD Securities, ông Bart Melek, nhận định với trang Kitco News rằng quan điểm cứng rắn của Fed đang tiếp tục khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và hỗ trợ tỷ giá đồng USD, qua đó tạo thêm áp lực mất giá đối với vàng. Tuần trước, chỉ số Dollar Index tăng 0,7%, còn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng từ 4,5% lên 4,65%.
“Khuynh hướng thắt chặt của Fed khiến nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào vàng ở thời điểm này”, ông Melek nói.
Báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Ba sẽ là tâm điểm chú ý của giới đầu tư vàng trong tuần này. Các nhà phân tích đang dự báo CPI toàn phần tháng 10 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 3,7% ghi nhận trong tháng 9.
Nhà phân tích hàng hóa Barbara Lambrecht tại ngân hàng Commerzbank nhấn mạnh nếu số liệu lạm phát nóng hơn dự báo, giá vàng sẽ gặp trở ngại, nhưng cho rằng bất kỳ sự bán tháo nào trên thị trường vàng cũng nên được coi là cơ hội mua vào. “Nếu số liệu lạm phát của Mỹ bất ngờ cao hơn dự kiến, giá vàng có thể giảm sâu hơn trong ngắn hạn. Nhưng chúng tôi tin rằng chu kỳ lãi suất của Mỹ đã đạt đỉnh và triển vọng trung hạn của giá vàng là tích cực”, bà nói.