Giải cứu nông sản cho Hải Dương: Giải pháp nào mới là căn cơ?

Chương Phượng
Chia sẻ

Mặc dù "phong trào" thu mua để giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương đang được hưởng ứng mạnh mẽ nhưng chưa phải là giải pháp căn cơ

Nhiều điểm giải cứu nông sản Hải Dương đã xuất hiện ở Hà Nội gần đây
Nhiều điểm giải cứu nông sản Hải Dương đã xuất hiện ở Hà Nội gần đây

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hàng nghìn ha rau màu của bà con nông dân tại các tỉnh có dịch như Hải Phòng, Hải Dương đã đến vụ thu hoạch nhưng không thể tiêu thụ, nguy cơ phải đổ bỏ...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, hiện tỉnh còn khoảng 4.000ha rau vụ đông đang đến thời điểm thu hoạch với sản lượng ước khoảng 90.000 tấn. Trong đó, có trên 55.000 tấn hành củ, khoảng 26.000 tấn cà rốt và khoảng 8.000 tấn rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại.

Do lo ngại trước diễn biến dịch Covid-19, thời gian qua một số địa phương đã không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải ở các chốt giáp ranh. Các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiêu thụ và người tiêu dùng có tâm lý e ngại, không muốn sử dụng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Khó khăn trong vận chuyển nên nhiều doanh nghiệp đã không về vùng nguyên liệu để thu mua nông sản cho nông dân Hải Dương, thậm chí cả những doanh nghiệp đã bao tiêu từ đầu vụ.

CHUNG TAY GIẢI CỨU RAU MÀU 

Theo bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Tứ Kỳ cho biết, huyện Tứ Kỳ hiện có khoảng 116 ha rau các loại với sản lượng khoảng 4.400 tấn không tiêu thụ được, chủ yếu là bắp cải, su hào, súp lơ, rau gia vị. Những ngày qua, huyện đã liên hệ với Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, gửi danh sách các hợp tác xã, nông dân để kết nối với các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội; chủ động kết nối với các đơn vị thu mua nông sản an toàn ở trong tỉnh, các đơn vị bếp ăn trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong tỉnh...

Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ từ cơ quan chức năng, nhiều tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc để giúp người nông dân., Nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện đã kết nối với các hợp tác xã nông nghiệp, đứng ra thu mua nông sản của những người dân vùng dịch, sau đó chuyển lên các điểm giải cứu nông sản trên Hà Nội. Tỉnh đoàn Hải Dương cũng đang triển khai chuỗi hoạt động giải cứu nông sản cho nông dân các địa phương trong tỉnh.

Anh Nghiêm Xuân Tuấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Hải Dương cho biết, Tỉnh đoàn đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là con em quê Hải Dương hiện sống ở Hà Nội cùng tham gia giải cứu nông sản cho người dân. Từ ngày 17/2 đến nay, Tỉnh đoàn đã huy động đoàn viên thanh niên thu hoạch cùng bà con nông dân, hỗ trợ phương tiện vận chuyển đưa về Hà Nội tổ chức các điểm bán hàng giải cứu. Tỉnh đoàn đi thu mua nông sản giúp nông dân trong tỉnh, với điều kiện lái xe và người đi cùng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.

Tại Hà Nội, nhiều điểm giải cứu nông sản đã xuất hiện những ngày gần đây. Trong đó, điểm được biết đến nhiều nhất nằm trên đường Giải Phóng, người dân Thủ đô nườm nượp đến đây với mục đích giải cứu hàng chục tấn nông sản, rau củ quả cho người dân vùng dịch Hải Dương. Tại đây, rau quả từ Hải Dương đưa lên được bán với giá vô cùng rẻ: ổi Thanh Hà chỉ 50.000 đồng/10kg, su hào 40.000 đồng/20 củ, bắp cải 18.000 đồng/5kg, cà rốt 70.000 đồng/10kg, cà chua 80.000 đồng/thùng. Tại điểm giải cứu nông sản số 157 Lạc Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, nhóm thiện nguyện Mùa thu và những người bạn cũng bán hàng tấn nông sản nguồn gốc từ Hải Dương với giá cà chua 20.000 đồng/5kg, mua sọt là 80.000 đồng; su hào 10.000 đồng/4 củ; cà rốt 30.000 đồng/túi 5kg.

Mặc dù "phong trào" thu mua để giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương đang được người tiêu dùng và tình nguyện viên tại Hà Nội hưởng ứng mạnh mẽ, nhưng các nhà chức trách cho rằng, đây chưa phải là giải pháp căn cơ. Vì thực tế, giá thu mua và bán tại các điểm giải cứu quá rẻ mạt và nông dân coi như bán tống bán tháo, không phải đổ bỏ, chưa thực sự không đem lại lợi nhuận cho người nông dân Hải Dương.

LỐI THOÁT LÀ MỞ ĐƯỜNG CHO XUẤT KHẨU 

Cà rốt và khoai tây được nông dân Hải Dương trồng chủ yếu với mục đích xuất khẩu (chiếm 90% sản lượng), tiêu thụ trong nước không được nhiều (chỉ 10%). Vì vậy, lối thoát quan trọng phải là mở đường ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đức Chính, huyện Cẩm Giàng cho biết, vụ đông 2020-2021, tổng sản lượng cà rốt của Hợp tác xã tại địa bàn xã Đức Chính khoảng 18.000 tấn. Toàn bộ sản lượng cà rốt này đều được sơ chế, đóng gói xuất khẩu. Đến thời điểm này, mới có khoảng 30% diện tích cà rốt của Hợp tác xã đã thu hoạch, còn lại 70% vẫn chưa thu hoạch. Từ khi dịch Covid xảy ra ở Hải Dương, đặc biệt là ở huyện Cẩm Giàng, thì chưa một xe cà rốt nào trong xã được vận chuyển xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu. Nếu không kịp thời thu hoạch và tiêu thụ, cà rốt có thể gặp rủi ro bị thối hỏng nếu gặp mưa thời gian tới.

Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Hưng Việt cho hay, kế hoạch của Công ty trong năm 2021 sẽ thu mua và xuất khẩu khoảng 20.000 tấn rau màu. Tuy nhiên, hiện đang là thời gian cao điểm nhất xuất khẩu rau cải bắp, cà rốt đi các nước, nhưng các đơn vị vận tải ở Hải Phòng không về được Hải Dương để vận chuyển hàng. Hiện tại, doanh nghiệp này vẫn đang tồn kho 1.000 tấn nông sản đã đóng hàng chờ đưa ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu.

Ngày 18/2/2021, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã xem xét cho phép các xe vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất nhập khẩu từ các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hải Dương vào thành phố Hải Phòng. Nhưng muốn vận chuyển hàng vào Hải Phòng phải tuân thủ các quy định: có hợp đồng, đơn hàng cụ thể về nơi sản xuất, nơi giao hàng, nơi nhận hàng... Các xe vận tải phải có các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định; lái xe phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR và có giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong thời gian 3 ngày gần nhất. Đối với lái xe chở hàng hóa từ Hải Phòng vào Hải Dương, có xác nhận của chủ phương tiện hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm...

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng, các quy định, quy trình thực hiện để các xe vận tải từ Hải Phòng lên Hải Dương vận chuyển hàng hóa về Hải Phòng vẫn còn lúng túng, phức tạp, thiếu thống nhất. Theo ông Tăng Xuân Trường, sau nhiều ngày ngược xuôi để lo các thủ tục về phòng chống dịch Covid-19 theo yêu cầu phía Hải Phòng, đến chiều 21/2/2021, mới chỉ có một container đầu tiên về được Hải Dương để bốc hàng cho công ty. 

"Tất cả hàng xuất khẩu của tôi đều phải qua dịch vụ của các doanh nghiệp vận tải bên Hải Phòng. Mấy ngày qua, tôi đã đi mấy chỗ để đăng ký xét nghiệm Covid-19 và đi xin giấy xác nhận thì hầu như đã kín hết. Những lái xe ở Hải Phòng lên cũng khó xét nghiệm được, phải đăng ký, phải xếp lượt. Do đó, yêu cầu vừa xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, vừa phải xin giấy xác nhận của CDC Hải Dương trong 3 ngày lúc này chẳng khác nào làm khó doanh nghiệp", ông Trường than thở.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, hiện Hải Dương đang có khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát, 1.000 tấn rau chế biến và thịt lợn đang được bảo quản trong kho lạnh, cấp đông. Cùng với đó là 30.700 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau (ước trên diện tích 552 ha cà rốt và 100 ha bắp cải, súp lơ...) đến kỳ thu hoạch được doanh nghiệp đặt mua của dân và đang thu hoạch. Đáng chú ý, theo kế hoạch, 80% lượng nông sản trên sẽ được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng từ nay đến cuối tháng 2/2021. Các doanh nghiệp cũng đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để đặt lịch tàu biển.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị hai địa phương Hải Dương và Hải Phòng trao đổi, phối hợp thống nhất chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho các xe container chở nông sản Hải Dương ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh nông sản. Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch cho đội ngũ bốc dỡ, lái xe... các địa phương cũng có thể thiết lập đội lái xe, bốc dỡ chuyên trách, điểm bốc dỡ hàng hóa cụ thể theo quy định.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp, trong đó cần yêu cầu các ngành liên quan ưu tiên việc lưu thông hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu thụ nông sản. Chỉ đạo các địa phương lân cận với Hải Dương tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa được vận chuyển sang các tỉnh tiêu thụ.

Giải cứu nông sản cho Hải Dương: Giải pháp nào mới là căn cơ? - Ảnh 1Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trưởng nông sản cho rằng, trong thời điểm này, càng thấy rõ tầm quan trọng của việc tăng cường chế biến nông sản. Cục đã xây dựng kế hoạch cùng các địa phương tăng cường các biện pháp bảo quản: bảo quản khô, bảo quản lạnh nhằm tạm trữ nông sản chưa tiêu thụ được, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con