Giám đốc khu vực WHO ấn tượng với chiến lược tiêm vaccine của Việt Nam

Tiến Dũng
Chia sẻ

Sáng ngày 11/1, tại buổi làm việc với ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ hợp tác với WHO...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn WHO và cá nhân ông Takeshi Kasai đã hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn WHO và cá nhân ông Takeshi Kasai đã hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19 - Ảnh: VGP

Thủ tướng đồng thời cảm ơn WHO, Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương, Văn phòng WHO tại Việt Nam và cá nhân ông Takeshi Kasai đã hỗ trợ quan trọng cho sự phát triển của ngành y tế, đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam và vận động các nước, các đối tác quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19, tiếp cận các nguồn vaccine, vật tư y tế trong bối cảnh khó khăn.

"Sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các đối tác quốc tế, trong đó có WHO, đã khẳng định lòng tin với Việt Nam, đồng thời rất có ý nghĩa với Việt Nam trong giai đoạn khó khăn nhất", ông nhấn mạnh.

Buổi làm việc  còn có dự tham dự của ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam.

TIẾP TỤC HỖ TRỢ VIỆT NAM

Tại buổi làm việc, Thủ tướng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, bài học của Việt Nam trong phòng chống dịch, như khi chưa có đủ vaccine thì buộc phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp hành chính để ngăn chặn dịch bệnh lây lan; cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch; người dân phải được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; hết sức linh hoạt để thích ứng phù hợp, hiệu quả với mọi diễn biến của tình hình, tình hình thay đổi thì tư duy, biện pháp, tổ chức thực hiện phải thay đổi; các trụ cột phòng chống dịch về cách ly, xét nghiệm, điều trị, công thức “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”; sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, cương quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong phòng chống dịch bệnh…

"Mặc dù còn nhiều khó khăn, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định thực hiện chiến lược 'thích ứng linh hoạt, hiệu quả với Covid-19'; phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam xác định vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là 3 yếu tố quyết định để mở cửa thành công nền kinh tế và sẽ tiếp tục củng cố y tế cơ sở, nhất là tại các thành phố lớn, nơi đông dân cư, các khu công nghiệp, nâng cao năng lực y tế dự phòng, tăng cường nhân lực y tế, khuyến khích lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch…", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam xác định vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là 3 yếu tố quyết định để mở cửa thành công nền kinh tế - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam xác định vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là 3 yếu tố quyết định để mở cửa thành công nền kinh tế - Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị WHO và cá nhân ông Takeshi Kasai tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về vaccine, thuốc điều trị, nhất là trong nghiên cứu, sản xuất và các thủ tục công nhận vaccine trong nước để Việt Nam có thể sớm tự chủ về nguồn cung; hỗ trợ nâng cao năng lực hệ thống y tế.

Đồng thời, tiếp tục chia sẻ thông tin, đánh giá kịp thời về tình hình dịch bệnh và những kinh nghiệm, khuyến cáo trong việc tiêm chủng. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ rất trăn trở về việc trẻ em vẫn phải học trực tuyến, chưa được đến trường, đây là vấn đề xã hội lớn cần phải giải quyết.

"Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các phương án để mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất, đề nghị WHO tư vấn về việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi, tiếp tục khuyến cáo trong vấn đề này để đạt hiệu quả cao nhất", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thủ tướng cũng đề nghị Văn phòng khu vực WHO tổ chức các hoạt động để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12 hằng năm theo sáng kiến của Việt Nam như tinh thần Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc; xem xét tiếp nhận thêm các chuyên gia, cán bộ là công dân Việt Nam vào làm việc tại Văn phòng khu vực của WHO. 

ẤN TƯỢNG VỚI CHỈ ĐẠO "ĐI TỪNG NGÕ, GÕ TỪNG NHÀ, RÀ TỪNG NGƯỜI" ĐỂ TIÊM VACCINE

Tại buổi làm việc, ông Takeshi Kasai bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ sớm các nước trong phòng chống dịch và có đóng góp tích cực với WHO, cơ chế COVAX.

Ông đánh giá rất cao tầm nhìn của Việt Nam về bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam và các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt về vấn đề vaccine, đã quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine và đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao.

Ông Takeshi Kasai đặc biệt ấn tượng việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tiêm vaccine.

Nhấn mạnh chủng Omicron lây lan rất nhanh, gây ra số ca mắc tăng cao trên thế giới, ông Takeshi Kasai ủng hộ tầm nhìn, quan điểm trong chương trình tổng thể phòng chống dịch Covid-19 đang được Chính phủ xây dựng để có thể ứng phó linh hoạt với các biến chủng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò của vaccine, chú trọng bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu, đề cao ý thức người dân trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để bảo vệ bản thân, gia đình, cộng đồng và quốc gia.

Đặc biệt, ông Takeshi Kasai đánh giá cao việc Việt Nam đang tiếp tục điều chỉnh các biện pháp một cách phù hợp với biến chủng Omicron như tăng cường chăm sóc, hồi phục tại nhà với những người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ để tránh quá tải hệ thống y tế, đồng thời điều trị kịp thời, tích cực các ca chuyển nặng tại các cơ sở y tế.

Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP
Toàn cảnh buổi làm việc - Ảnh: VGP

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” của Việt Nam là cách hiệu quả nhất để nâng cao độ bao phủ vaccine, bảo vệ sinh mạng, sức khỏe cho người dân, đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ông nhất trí cao với chủ trương của Việt Nam trong nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tăng cường nhân lực y tế, không chỉ để phòng chống Covid-19 mà còn ứng phó hiệu quả với tình trạng già hóa dân số trong tương lai.

Các đại diện của WHO bày tỏ ấn tượng với kết quả tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua; đánh giá cao tầm nhìn “vượt thời gian” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục ứng phó hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và về lâu dài, sẽ trở thành một điển hình trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực y tế.

Các đại điện WHO khẳng định tổ chức sẽ tích cực đồng hành, ủng hộ, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình này.

 

Nhờ thành công của chiến lược vaccine, Việt Nam đã “đi sau về trước”, trở thành 1 trong 6 nước có độ bao phủ vaccine cao nhất thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine với dân số từ 18 tuổi trở lên là 99,98%, tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 93,6% và tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 11,5%. Với dân số từ 12-17 tuổi, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 89,8% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68%. 

Việt Nam đang phấn đấu trong quý 1/2022 sẽ hoàn thành tiêm mũi 3 cho tất cả người từ 18 tuổi và trong tháng 1/2022 hoàn thành tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 17 tuổi, đồng thời nghiên cứu, theo dõi kinh nghiệm quốc tế và khuyến cáo của WHO để có thể triển khai tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi an toàn, sớm đưa trẻ em quay lại trường học.

Với độ bao phủ vaccine cao, Việt Nam đã kịp thời chuyển phương châm chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện khôi phục, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong Quý 4/2021 đạt trên 5%, góp phần đưa GDP cả năm đạt 2,58%, cao hơn năm 2020. Với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 670 tỷ USD, Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

 

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con