Giới phân tích nói gì về hiện tượng tốc độ huy động vốn trì trệ mặc dù lãi suất tăng cao?
Sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, cung tiền ở mức thấp và sự chững lại của thị trường bất động sản... dẫn đến tốc độ huy động vốn chậm...
Trong vòng 1 tháng vừa qua, lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng thương mại điều chỉnh theo hướng tăng lên. Nếu hồi cuối tháng 10/2022, lãi suất 9%/năm chỉ xuất hiện tại một vài đơn vị thì nay mức lãi suất này đã khá phổ biến.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) đang áp dụng lãi suất huy động online cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại MSB lên mức 9,9%/năm với kỳ hạn 15 và 24 tháng. Nếu gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất cao nhất là 9,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng lãi suất cao nhất là 9,7%/năm.
Một số ngân hàng khác cũng đưa ra mức lãi suất trên 9%/năm cho các kỳ hạn trên 6 tháng gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á (BacABank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)…
Hiện tại, mức lãi suất cao nhất thuộc về ngân hàng Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank). Cụ thể, ngân hàng này đưa lãi suất tiết kiệm lên đến 10,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Với kỳ hạn 12, 18, 24 và 36 tháng, lãi suất huy động cũng tăng lên mức 10%/năm.
Lãi suất huy động tiền gửi online ở Sagonbank cũng đã đạt mức 9,95%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, áp dụng kể từ ngày 28/11. Nếu khách hàng gửi từ 6 tháng, lãi suất đã lên mức 9,9%/năm.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 – 4 điểm phần trăm so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và cao hơn so với thời điểm trước Covid-19.
Mặc dù mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tăng lên đáng kể nhưng tăng trưởng huy động của các ngân hàng vẫn khá chậm. Tính đến cuối tháng 10/2022, huy động vốn ước tăng 4,8% so với đầu năm, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức tăng 4,3% cuối tháng 9/2022. Xét về số tuyệt đối, huy động vốn tháng 10 chỉ tăng thêm 50.383 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, một số nguyên nhân khiến huy động vốn tăng chậm gồm sức khỏe doanh nghiệp suy giảm, sự chững lại của kênh bất động sản và tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng bởi giá cả tiêu dùng gia tăng.
Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cho biết tăng trưởng cung tiền suy giảm, khi đến cuối tháng 9 chỉ tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ, chưa bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng bình quân cung tiền của giai đoạn 2013-2021.
Trao đổi trong Talkshow "Phố Tài chính" mới đây của Đài Truyền hình Việt Nam, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect nhìn nhận, thông thường nhiều tổ chức tài chính lớn đều lựa chọn quý cuối năm là thời điểm tái cơ cấu danh mục và giải ngân cho năm mới, bởi kết quả quý 3 cũng như bức tranh về kết quả kinh doanh của cả năm đã phần nào được lộ diện. Trong bối cảnh lãi suất đầu vào tăng lên thì kênh đầu tư chứng khoán sẽ mất bớt đi sức hấp dẫn, tuy nhiên sự tương quan này sẽ bị phá vỡ khi lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường tiếp tục tăng.
Cũng theo bà Hiền, năm 2023, mặc dù có xu hướng đà tăng lợi nhuận đã suy yếu, song các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì mức lợi nhuận ghi nhận tăng từ 12 đến 14%. Với mức lợi nhuận này thì thu nhập từ thị trường chứng khoán sẽ rơi vào khoảng 14%, nghĩa là bắt đầu hấp dẫn hơn gửi tiền tiết kiệm.