Giới trẻ Trung Quốc đam mê đầu tư vàng
Tại Trung Quốc, người trẻ ở độ tuổi 20-30 đang tìm ra nhiều phương thức mới để đầu tư vàng...
Jinzhan Jewelry Plaza, một chợ trang sức với gần 500 gian hàng ở Thẩm Quyến, Trung Quốc những ngày gần đây nhộn nhịp người tham quan và mua sắm.
Tại đây, một chủ cửa hàng ngoài 30 tuổi vừa len qua đám đông vừa phát trực tiếp trên nên tảng TikTok cho 23.000 người theo dõi, liên tục nhận câu hỏi từ khách hàng trực tuyến.
Ghé thăm khu chợ này, một nữ nhân viên văn phòng đã mua một chiếc vòng cổ vàng với giá hơn 10.000 nhân dân tệ (tương đương 1.400 USD).
“Giá vàng đang tiếp tục tăng, vì vậy tôi không lo giá trị của nó sẽ giảm”, cô gái ngoài 30 tuổi chia sẻ với tờ báo Nikkei Asia.
CẢM GIÁC PHẤN KHÍCH HƠN SO VỚI TIẾT KIỆM TIỀN
Yêu thích vàng từ lâu là một phần của văn hóa Trung quốc. Vàng thường phổ biến với người lớn tuổi, vừa là quà tặng vừa là một tài sản đầu tư. Tuy nhiên, cơn sốt “hạt đậu vàng” gần đây chủ yếu xoay quanh người trẻ. Đúng như tên gọi, người trẻ Trung Quốc đổ xô mua các hạt đậu làm bằng vàng nguyên chất có trọng lượng 1 gram và bỏ vào các hũ tiết kiệm. Điều này cho thấy khát khao của người trẻ về một hình thức đại diện cho sự giàu có trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
“Vàng vẫn được mua mạnh bởi có thể dễ dàng thấy giá trị của nó thay đổi, mang lại cảm giác phấn khích so với việc tiết kiệm tiền”, một người bán hàng nói.
Lukfook, một trong những chuỗi cửa hàng trang sức lớn nhất tại Trung Quốc, hiện bán hạt đậu vàng có hình dạng giống hạt cà phê, con cá, bánh bao… trên mạng. Cửa hàng này cũng bán cả lợn tiết kiệm bằng vàng nguyên khối để cất giữ hạt đậu vàng.
Với các cửa hàng trang sức, cơn sốt vàng trong giới trẻ mang lại nguồn thu lớn. Theo một khảo sát của tập đoàn trang sức Chow Tai Fook, trong số những người độ tuổi 18-40 được hỏi, khoảng 70% cho biết có quan tâm tới việc mua trang sức vàng. Doanh thu của một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Chow Tai Fook cũng tăng 20% so với một năm trước. Đóng góp gần một nửa vào sự tăng trưởng này là nhóm khách hàng dưới 35 tuổi.
Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), người Trung Quốc đã mua tổng cộng 294,6 tấn vàng trang sức, vàng thỏi, vàng xu và các dạng vàng khác trong quý 1/2024, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc chiếm khoảng 37% nhu cầu vàng toàn cầu trong giai đoạn này.
THỊ HIẾU THAY ĐỔI NHANH CHÓNG
Dù giá vàng tăng là một trong những nguyên nhân chính, nhưng xu hướng này không chỉ được thúc đẩy bởi mục tiêu kiếm lời hoặc đầu tư truyền thống. Khảo sát của Chow Tai Fook cho thấy 64% người tiêu dùng thuộc thế hệ Z (sinh năm 1997 – 2012) mua vàng để thưởng cho bản thân hoặc để sử dụng hàng ngày. Nhóm này mua vàng đơn giản vì họ muốn có kim loại quý này và họ cũng thường hướng tới các loại vàng có giá phải chăng.
Tại một cửa hàng ở chợ Jinzhan Jewelry Plaza, mặt hàng phổ biến nhất là thẻ vàng nặng 1 gram có khắc các dòng như như "chúc mừng sinh nhật". Các lá vàng mỏng in hình nhân vật nổi tiếng cũng được mua nhiều. Cửa hàng này cho biết khách hàng thường mua lá vàng này để để đặt bên dưới ốp lưng điện thoại thông minh. Khoảng 50% khách hàng của cửa hàng này đến từ các địa phương bên ngoài Thẩm Quyến.
“Chúng tôi trao đổi thông tin liên lạc với khách hàng trên WeChat (một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc) và khi có hàng mới ra, chúng tôi liên hệ và bán cho họ qua mạng”, một nhân viên của cửa hàng nói trên cho biết.
Thị hiếu của người dùng thay đổi nhanh chóng, do đó các sản phẩm vàng có thiết kế thay đổi thường xuyên là yếu tố thu hút họ.
“Kể cả món phụ kiện cao cấp bằng vàng mà tôi mua hai năm trước giờ đây đã có cảm giác rất cũ kỹ rồi”, một phụ nữ ngoài 20 tuổi đang tham quan Jinzhan Jewelry Plaza chia sẻ. “Tôi sẽ bán nó đi và mua thứ gì đó có giá trị tương đương hoặc cao hơn”.
Thị hiếu của người trẻ đã bắt đầu ảnh hưởng tới thị trường vàng trang sức truyền thống ở Trung Quốc.
“Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng của các sản phẩm vàng có thiết kế đẹp và trọng lượng nhẹ, dễ mua dành cho nhóm khách hàng trẻ lần đầu mua vàng”, một đại diện của WGC Trung Quốc nhận xét.
Tại Chow Tai Fook, các sản phẩm bán chạy nhất gần đây là loại kết hợp giữa vàng và kim cương.
“Nếu độ tinh khiết nhỏ hơn 24 carat, thì giá của trang sức sẽ giảm”, công ty này cho biết. “Chúng tôi đã mở rộng ra nhiều thiết kế mới dành cho giới trẻ, bên cạnh việc tập trung vào các sản phẩm đầu tư”.
Dù vậy, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm 16-24 tuổi ở mức cao, chỉ một tỷ lệ nhỏ người trẻ Trung Quốc có công việc thu nhập đủ tốt để tham gia cơn sốt vàng. Theo Tổng Cục thống kê Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 16-24 tuổi tại Trung Quốc trong tháng 6 là 13,2%, gần gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc 5%.
Một nhân viên văn phòng ngoài 20 tuổi ở Thượng Hải gần đây ghé một cửa hàng để tìm mua trang sức cho vợ sắp cưới, nhưng phải từ bỏ ý định.
“Giá vàng đang rất cao. Tôi không thể mua nếu giá không giảm”, người này chi sẻ.