Giới tỷ phú mới nổi đua nhau “trốn” dịch với siêu du thuyền
Ngành công nghiệp du thuyền là một trong số ít ngành kinh doanh liên quan đến du lịch được hưởng lợi ở thời kỳ hậu phong tỏa trong dịch bệnh Covid-19...
Khi tỷ phú Jack Ma, người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba đi nghỉ tại đảo Mallorca của Tây Ban Nha hồi tháng trước, tâm điểm của truyền thông lại là chiếc siêu du thuyền mới đóng dài 88 m, tên Zen, trị giá 200 triệu USD. Nhiều trang báo giật dòng tít: "Sự quay trở lại của siêu du thuyền đã bắt đầu".
Theo dữ liệu của Superyacht Group, trong 9 tháng đầu năm nay, doanh số bán các du thuyền sang trọng, dài hơn 30 m, trên toàn cầu tăng hơn 8% so với cùng kỳ vào năm 2019. Khoảng 200 du thuyền mới đã được hạ thủy trong 9 tháng qua; khoảng 330 chiếc khác đang được đóng và sẵn sàng hạ thủy trước năm 2023.
"Đơn đặt hàng cho các du thuyền và siêu du thuyền đóng mới đã kín chỗ, có thể đến năm 2025 hoặc thậm chí năm 2027. Vì vậy, nếu không muốn chờ đợi, khách hàng có thể đặt mua những chiếc đã qua sử dụng. Khi đó, họ chỉ cần bỏ tiền tân trang lại thiết bị theo ý mình là sử dụng được ngay," ông Txema Rubio, Giám đốc thương mại Xưởng tàu MB92, Tây Ban Nha, cho hay.
Còn ông Alberto Galassi, Giám đốc điều hành Công ty sản xuất du thuyền Ferretti, Italy thì nhận định: "Đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta nhận thức được rằng, cuộc sống của chúng ta mong manh như thế nào. Những người có đủ khả năng chi trả sẽ không muốn trì hoãn nhu cầu hưởng thụ".
Thuê siêu du thuyền một một lựa chọn khác, nếu khách hàng muốn được "ra khơi" ngay lập tức và có đủ khả năng chi trả. Dịch vụ cho thuê bao trọn gói siêu du thuyền trong một tuần cho tối đa 12 hành khách ở Hy Lạp hoặc Ý có thể có giá từ 300.000 - 500.000 euro. Các tiện nghi kèm theo trên du thuyền thuyền bao gồm spa, ăn uống đạt đẳng cấp Michelin, hướng dẫn thể thao dưới nước và các lớp tập thể dục thẩm mỹ.
Tại Dubai, Royal Star Yacht - doanh nghiệp cho thuê du thuyền cao cấp nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng của khách hàng đối với dịch vụ nghỉ dưỡng trên du thuyền sau khi các quy tắc phòng chống dịch được nới lỏng. Hình thức nghỉ ngơi này được giới nhà giàu coi như là một cách để tránh dịch Covid-19, trong khi có một không gian hoàn toàn riêng tư cho bạn bè và gia đình.
"Hầu hết khách hàng của chúng tôi đều chia sẻ là đã phải ở nhà quá lâu vì dịch bệnh. Vì vậy, khi được phép, tất nhiên họ muốn ra ngoài để ngắm cảnh, để có chút thời gian tận hưởng với gia đình. Chúng tôi đang cung cấp các dịch vụ thích hợp, tuân thủ tất cả quy tắc. Du thuyền luôn được khử khuẩn," ông Mohammed Al-Sayyed, Quản lý công ty cho thuê du thuyền Royal Star Yachts nói.
Vào tháng 5, tờ Times UK đã tiết lộ rằng chiếc siêu du thuyền 3 cột buồm có tên gọi “Y721” được cho là đang được chế tạo gần Rotterdam cho tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập Amazon. Theo Boat International, con tàu dài 127m đã được nhìn thấy khi đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển, kể từ lần đầu rời khỏi khỏi các nhà kho tại xưởng đóng tàu Zwijndrecht.
“Dự án con tàu có thân màu đen này được tạo ra để trở thành du thuyền buồm lớn nhất thế giới khi nó được bàn giao vào năm 2022, vượt qua chiếc Sea Cloud hiện đang nắm giữ vị trí này”, tờ Times UK tiết lộ thêm. Mặc dù không biết Bezos đã chi bao nhiêu tiền cho siêu du thuyền của mình, nhưng các số liệu trong ngành cho thấy chi phí có thể dao động từ 10 triệu USD (với du thuyền đã qua sử dụng) đến 600 triệu USD (cho một chiếc du thuyền mới).
Có thể nói, doanh số bán siêu du thuyền đang bùng nổ nhờ vào sự gia tăng mạnh của số lượng tỷ phú, những người đang chi tới 600 triệu USD cho các con tàu sang trọng trong nỗ lực tránh những nơi bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Pepe Garcia, Chủ tịch nhà máy đóng tàu MB92 của Tây Ban Nha, công ty tân trang siêu du thuyền hàng đầu thế giới, cho biết: “Một số người nhận thấy những người bạn siêu giàu của mình sở hữu du thuyền đã có được khoảng thời gian vui vẻ trong đại dịch, trong khi họ phải “bó gối” ngồi nhà. Tôi nghĩ hiện tượng này sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa”.
Đại dịch khiến nhu cầu di chuyển và giải trí theo dạng hạn chế tiếp xúc tăng cao. Động lực chính là tài sản của giới giàu tăng vọt. Top 500 người giàu nhất thế giới đã có thêm 1.200 tỷ USD năm nay, theo Bloomberg Billionaires Index, chủ yếu nhờ thị trường chứng khoán bùng nổ và ngân hàng trung ương các nước tăng bơm tiền. Những việc này đã sản sinh ra hàng chục tỷ phú mới từ đầu năm, nhờ các đợt IPO, thương vụ SPAC, tiền số và sáp nhập công ty.
Bên cạnh đó, khi lãi suất ở mức thấp kỷ lục, giới siêu giàu cũng thường xuyên vay nợ để tiêu dùng. Morgan Stanley, Bank of America và JPMorgan Chase nằm trong nhóm ngân hàng ghi nhận số khoản vay dạng này tăng vọt. Tài sản đảm bảo thường là nhà hoặc cổ phiếu. Nó sẽ giúp giới giàu có tiền mà không phải bán tài sản.
Với số lượng tỷ phú năm nay tăng vọt lên con số 2.755, tăng thêm 660 người so với hơn một năm trước, theo dữ liệu của Forbes, rõ ràng việc sở hữu riêng siêu du thuyền sẽ là xu hướng tất yếu và dự báo đây sẽ là mảnh đất màu mỡ đối với các doanh nghiệp trong ngành đóng du thuyền thế giới.