Gương hậu: Phí ơi là Phí!
Hôm nay, cả làng như có hội. Chả là ông trưởng thôn triệu tập cuộc họp toàn dân để tuyên truyền, phổ biến về một loại phí mới
Hôm nay, cả làng như có hội. Chả là ông trưởng thôn triệu tập cuộc họp toàn dân để tuyên truyền, phổ biến về một loại phí mới. Cuộc họp rất quan trọng vì hộ nào cũng liên quan, lại có cả các bác trên xã xuống dự.
Ông trưởng thôn dõng dạc khai mạc:
- Trung ương vừa có quyết sách mới, từ đầu năm sau sẽ bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, từ 50 nghìn đến một trăm rưỡi, tùy xe. Sau khi các bác trên xã phổ biến, đại diện các hộ gia đình có xe chuẩn bị tinh thần và tiền bạc để nộp.
Lập tức cả cái đình làng ồn ã hẳn lên, ai cũng nhao nhao đòi phát biểu. Chị Mõ to tiếng nhất:
- Nghĩa là cả nhà cháu mất Tết ạ? Nhà cháu có 2 cái xe để chuyên chở món tù và hàng tổng, giờ phải nộp liền một nhát đến hai trăm thì Tết này nhà cháu treo niêu.
Ông trưởng thôn trấn an:
- Không có đến nỗi ấy, cô Mõ bình tĩnh. Mới chỉ phổ biến để chuẩn bị thôi, đã thấy các bác hội đồng thông báo cụ tỷ số tiền là bao nhiêu đâu, có khi hai cái cà tàng nhà cô cộng lại cũng chỉ một trăm thôi.
Chị Mõ cự lại và khoe luôn cả tứ chi giữa sân đình:
- Một trăm cũng to. Kinh tế, đời sống khó khăn, nhà cháu cả tháng nay đồng thanh hát liên khúc “cơm ơi nước mắm gọi” rồi. Đây này, chân tay cháu còn mỗi xương với da, đây đây.
Thấy chị Mõ có vẻ gay gắt, ông trưởng thôn từ tốn giải thích:
- Gớm cái nhà cô, nói năng cũng đáo để ra phết, biết cả kinh tế đi xuống cơ đấy. Nhưng cô thu mấy cái que củi lại cho chúng tôi nhờ. Nộp thuế là yêu nước, cô hiểu không? Tôi thấy chủ trương ấy đúng, chúng ta phải hiểu, thông cảm và đóng góp chứ, quyền lợi và nghĩa vụ cả đấy.
Chị Mõ định nói tiếp, bác chi hội trưởng cựu chiến binh liền kéo xuống rồi tiếp lời:
- Trưởng thôn nói thế không ổn. Thế ra chúng tôi không đóng phí là không yêu nước đấy phỏng?
Bác tổ trưởng tổ hưu trí phân tích:
- Chị Mõ nói cũng có cái chí lý. Nộp phí bây giờ là dân đói, Tết nhất còn vui vẻ gì nữa. Đêm qua đứa con gái tôi nó gọi về từ thành phố, bảo “bố chịu khó nộp phí cho chúng con, vì mấy cái xe toàn bố chính chủ, chúng con chỉ chính danh thôi”. Tôi đứng tên 4 cái xe, vị chi là mất bốn trăm, gần nửa tháng lương hưu, mà cả nhà tôi lại chỉ trông vào nó.
- Tôi thì có ý này. Bà hội trưởng nông dân đứng lên phát biểu. Rằng thì là mà, như cái thẳng Bưởng xe ôm nó nhong nhong ngoài đường suốt thì mới phải đóng phí sử dụng, chúng tôi quanh năm chỉ trông thấy mặt ruộng, mấy khi dùng đến đường đâu mà phải đóng phí.
Thấy ông trưởng thôn không nói gì, bác đại diện ủy ban xã cũng mắt tròn mắt dẹt có nhẽ chưa hiểu vì sao dân làng Trại phát biểu máu lửa thế, tức thì chị Mõ bật dậy tiếp:
- Cháu thấy rất chi là buồn cười, người ít chữ như cháu cũng thấy cái sự vô cùng là bất cập. Đây nhé, ngày xưa dân làng muốn có điện cũng phải tự đóng góp tiền giăng dây, mua cột. Từ làng ra phố gần 10 cây số, cái đường ấy dân các làng cũng phải đóng góp đến một nửa để đổ bê tông. Chả như dân thành phố, cứ sẵn đấy mà dùng. Giờ lại đóng tiền vì sử dụng đường như nhau thì chết, cháu bất nhẫn lắm.
Lúc này bác đại diện ủy ban mới ôn tồn giải thích:
- Kính thưa các cụ, các ông, các bà, các đồng chí và toàn thể nhân dân làng Trại. Quan điểm của tôi thì thế này, chủ trương chính sách là đúng, chỉ có điều khi thực hiện khó tránh những sai sót. Cái chuyện phí này, có lẽ mọi người cũng chưa hiểu tường tận. Nhà nước đã quy định rõ là miễn nộp cho hộ nghèo, nên hộ nào nghèo chỉ cần viết đơn lên, được duyệt là hộ nghèo thì đương nhiên không phải nộp.
Vừa dứt lời thì thằng Ba Bửa ở đâu lao vào độp luôn:
- Lại chuyện giàu nghèo, nghe là tức anh ách. Kia kìa, nhà lão chủ lò gạch ngoài đầu làng, tiền nhiều như rơm rạ mà vẫn có cái giấy chứng nghèo trong khi thằng Bửa này chỉ mỗi hàm răng là đáng giá mà xin hộ nghèo mãi không được. Cháu là cháu không nộp cái gì hết, mà cũng có không đồng nào đâu nộp.
Bác trưởng thôn đỏ văng hết cả mặt, quát:
- Thằng Bửa ngồi xuống, cấm nói năng lung tung. Mày có cái xe nào đâu, ai bắt mày nộp làm gì.
- Ờ nhỉ, thì Bửa quên.
Ba Bửa gãi đầu gãi tay ý chừng hối hận bởi sự lỡ lời, không kính trên nhường dưới. Ai dè, chưa đầy 3 giây đồng hồ nó lại tiếp:
- Nhưng không được, bây giờ cháu nói tử tế, nghe lời bác trưởng thôn không nói càn nữa, nói lý vậy. Cháu vừa đi thăm mấy thằng bạn ở phố về, suýt nữa thì chứng kiến có người bị oánh. Nhà cái lão chủ hiệu cầm đồ nuôi có đến 3 người làm thuê, cộng vợ chồng lão, cộng 3 đứa con rồi 5 đứa cháu, vị chi là 13. Thế mà chị thu phí vệ sinh môi trường điểm danh, lão cứ khăng khăng chỉ có 5 để trốn tám - ba - hai - tư nghìn tiền phí rác một tháng, lại định sai người đánh đuổi chị ấy đi. Tội nợ. Thế thì hà cớ gì lão phải đi nộp cả trăm nghìn tiền phí xe máy ạ? Mà xe nhà lão, như cháu biết chả cái nào chính chủ, toàn xe gán nợ cho lão.
- Nói thế còn được, cũng lý lẽ ra phết.
Bác trưởng thôn gật gù tỏ vẻ hài lòng. Được lời như cởi tấm lòng, Ba Bửa tiếp tục hùng biện:
- 3 nghìn tiền rác cũng trốn, còn đòi đánh người ta. Cháu hỏi bác, giờ bác đi thu thế nào? Ai cũng bảo xe này không chính chủ, mà cháu hóng hớt mấy cô giáo trên phố nói là chỉ thu của chủ xe thôi. Quá nửa cái làng này là họ hàng, ai cũng xin bác đừng thu thì bác thu không? Bác mà thu là cả họ tộc ghét bác.
“Đúng đúng, thằng này vốn tiếng ba bửa mà hôm nay nói năng hay quá, đúng quá”. Cả sân đình lập tức nhao lên ủng hộ ý kiến của Ba Bửa. Nó lại tiếp:
- Mấy bữa nữa bác đến thu, ai cũng giấu xe đi, bảo xe mượn thì bác làm thế nào. Bác đi khỏi họ lại mang xe ra đi thì cũng chịu.
Đại diện ủy ban xã lúc này mới lại có cơ hội lên tiếng:
- Thưa toàn thể nhân dân làng Trại. Cũng vì cái sự khó khăn như đồng chí, à quên, anh Bửa nói nên riêng cái phí xe máy mới giao cho thôn làng, tổ dân phố phụ trách. Lý do là thế này, như bác trưởng thôn đây là nắm rõ tình hình trong làng nhất, hơn chúng tôi trên xã, trên huyện rất nhiều. Cho nên, thu như thế là hiệu quả.
Tức thì, chị Mõ và Ba Bửa cười hề hề, phát biểu gần như đồng thanh:
- Thế là làng mình lại có thêm nhiều cán bộ các bác nhỉ?! Tình hình này, chúng cháu xin làm chân thu phí luôn được không ạ? Chứ như bác trưởng thôn thu sao xuể. Chúng cháu chỉ xin nhận lương dăm trăm mỗi tháng thôi, đủ tiền mua xăng với cả nộp phí là khoái rồi.
- Chúng tôi cũng đang xem xét phương án này, vì đúng là mình bác trưởng thôn thì không thu được. Nhưng lương thì chắc không có, cùng lắm có chút xíu gọi là phụ cấp, vì ngân sách vốn bé tí tẹo, lại đang cạn tiền nữa, đến tăng lương cơ bản cho chủ tịch còn khó kia kìa.
- Thế thì chúng cháu chẳng làm quan thu phí, kệ bác trưởng thôn, ai bảo oách.
- Để chúng tôi họp bàn đã. Lương là một chuyện, còn chuyện nữa là vì cái phí này tự dưng xã sinh ra thêm bao nhiêu cán bộ. Xã có 40 thôn, mỗi thôn 3 cán bộ thu phí, vị chi sơ sơ cũng phát sinh thêm chừng 120 cán bộ, cộng cả số cán bộ cũ tầm trưởng thôn, các hội trưởng, đội trưởng trở lên thì cũng chả kém cái xã Quảng Vinh 500 cán bộ ở Thanh Hóa là mấy.
Bàn tán xôn xao đến quá trưa cuộc họp mới kết thúc mà xem ra kết quả đạt được chẳng đáng nêu tên. Dân làng đứng dậy ra về, ai cũng ngán ngẩm “Phí ơi là Phí”.
* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần, “Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.
Ông trưởng thôn dõng dạc khai mạc:
- Trung ương vừa có quyết sách mới, từ đầu năm sau sẽ bắt đầu thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy, từ 50 nghìn đến một trăm rưỡi, tùy xe. Sau khi các bác trên xã phổ biến, đại diện các hộ gia đình có xe chuẩn bị tinh thần và tiền bạc để nộp.
Lập tức cả cái đình làng ồn ã hẳn lên, ai cũng nhao nhao đòi phát biểu. Chị Mõ to tiếng nhất:
- Nghĩa là cả nhà cháu mất Tết ạ? Nhà cháu có 2 cái xe để chuyên chở món tù và hàng tổng, giờ phải nộp liền một nhát đến hai trăm thì Tết này nhà cháu treo niêu.
Ông trưởng thôn trấn an:
- Không có đến nỗi ấy, cô Mõ bình tĩnh. Mới chỉ phổ biến để chuẩn bị thôi, đã thấy các bác hội đồng thông báo cụ tỷ số tiền là bao nhiêu đâu, có khi hai cái cà tàng nhà cô cộng lại cũng chỉ một trăm thôi.
Chị Mõ cự lại và khoe luôn cả tứ chi giữa sân đình:
- Một trăm cũng to. Kinh tế, đời sống khó khăn, nhà cháu cả tháng nay đồng thanh hát liên khúc “cơm ơi nước mắm gọi” rồi. Đây này, chân tay cháu còn mỗi xương với da, đây đây.
Thấy chị Mõ có vẻ gay gắt, ông trưởng thôn từ tốn giải thích:
- Gớm cái nhà cô, nói năng cũng đáo để ra phết, biết cả kinh tế đi xuống cơ đấy. Nhưng cô thu mấy cái que củi lại cho chúng tôi nhờ. Nộp thuế là yêu nước, cô hiểu không? Tôi thấy chủ trương ấy đúng, chúng ta phải hiểu, thông cảm và đóng góp chứ, quyền lợi và nghĩa vụ cả đấy.
Chị Mõ định nói tiếp, bác chi hội trưởng cựu chiến binh liền kéo xuống rồi tiếp lời:
- Trưởng thôn nói thế không ổn. Thế ra chúng tôi không đóng phí là không yêu nước đấy phỏng?
Bác tổ trưởng tổ hưu trí phân tích:
- Chị Mõ nói cũng có cái chí lý. Nộp phí bây giờ là dân đói, Tết nhất còn vui vẻ gì nữa. Đêm qua đứa con gái tôi nó gọi về từ thành phố, bảo “bố chịu khó nộp phí cho chúng con, vì mấy cái xe toàn bố chính chủ, chúng con chỉ chính danh thôi”. Tôi đứng tên 4 cái xe, vị chi là mất bốn trăm, gần nửa tháng lương hưu, mà cả nhà tôi lại chỉ trông vào nó.
- Tôi thì có ý này. Bà hội trưởng nông dân đứng lên phát biểu. Rằng thì là mà, như cái thẳng Bưởng xe ôm nó nhong nhong ngoài đường suốt thì mới phải đóng phí sử dụng, chúng tôi quanh năm chỉ trông thấy mặt ruộng, mấy khi dùng đến đường đâu mà phải đóng phí.
Thấy ông trưởng thôn không nói gì, bác đại diện ủy ban xã cũng mắt tròn mắt dẹt có nhẽ chưa hiểu vì sao dân làng Trại phát biểu máu lửa thế, tức thì chị Mõ bật dậy tiếp:
- Cháu thấy rất chi là buồn cười, người ít chữ như cháu cũng thấy cái sự vô cùng là bất cập. Đây nhé, ngày xưa dân làng muốn có điện cũng phải tự đóng góp tiền giăng dây, mua cột. Từ làng ra phố gần 10 cây số, cái đường ấy dân các làng cũng phải đóng góp đến một nửa để đổ bê tông. Chả như dân thành phố, cứ sẵn đấy mà dùng. Giờ lại đóng tiền vì sử dụng đường như nhau thì chết, cháu bất nhẫn lắm.
Lúc này bác đại diện ủy ban mới ôn tồn giải thích:
- Kính thưa các cụ, các ông, các bà, các đồng chí và toàn thể nhân dân làng Trại. Quan điểm của tôi thì thế này, chủ trương chính sách là đúng, chỉ có điều khi thực hiện khó tránh những sai sót. Cái chuyện phí này, có lẽ mọi người cũng chưa hiểu tường tận. Nhà nước đã quy định rõ là miễn nộp cho hộ nghèo, nên hộ nào nghèo chỉ cần viết đơn lên, được duyệt là hộ nghèo thì đương nhiên không phải nộp.
Vừa dứt lời thì thằng Ba Bửa ở đâu lao vào độp luôn:
- Lại chuyện giàu nghèo, nghe là tức anh ách. Kia kìa, nhà lão chủ lò gạch ngoài đầu làng, tiền nhiều như rơm rạ mà vẫn có cái giấy chứng nghèo trong khi thằng Bửa này chỉ mỗi hàm răng là đáng giá mà xin hộ nghèo mãi không được. Cháu là cháu không nộp cái gì hết, mà cũng có không đồng nào đâu nộp.
Bác trưởng thôn đỏ văng hết cả mặt, quát:
- Thằng Bửa ngồi xuống, cấm nói năng lung tung. Mày có cái xe nào đâu, ai bắt mày nộp làm gì.
- Ờ nhỉ, thì Bửa quên.
Ba Bửa gãi đầu gãi tay ý chừng hối hận bởi sự lỡ lời, không kính trên nhường dưới. Ai dè, chưa đầy 3 giây đồng hồ nó lại tiếp:
- Nhưng không được, bây giờ cháu nói tử tế, nghe lời bác trưởng thôn không nói càn nữa, nói lý vậy. Cháu vừa đi thăm mấy thằng bạn ở phố về, suýt nữa thì chứng kiến có người bị oánh. Nhà cái lão chủ hiệu cầm đồ nuôi có đến 3 người làm thuê, cộng vợ chồng lão, cộng 3 đứa con rồi 5 đứa cháu, vị chi là 13. Thế mà chị thu phí vệ sinh môi trường điểm danh, lão cứ khăng khăng chỉ có 5 để trốn tám - ba - hai - tư nghìn tiền phí rác một tháng, lại định sai người đánh đuổi chị ấy đi. Tội nợ. Thế thì hà cớ gì lão phải đi nộp cả trăm nghìn tiền phí xe máy ạ? Mà xe nhà lão, như cháu biết chả cái nào chính chủ, toàn xe gán nợ cho lão.
- Nói thế còn được, cũng lý lẽ ra phết.
Bác trưởng thôn gật gù tỏ vẻ hài lòng. Được lời như cởi tấm lòng, Ba Bửa tiếp tục hùng biện:
- 3 nghìn tiền rác cũng trốn, còn đòi đánh người ta. Cháu hỏi bác, giờ bác đi thu thế nào? Ai cũng bảo xe này không chính chủ, mà cháu hóng hớt mấy cô giáo trên phố nói là chỉ thu của chủ xe thôi. Quá nửa cái làng này là họ hàng, ai cũng xin bác đừng thu thì bác thu không? Bác mà thu là cả họ tộc ghét bác.
“Đúng đúng, thằng này vốn tiếng ba bửa mà hôm nay nói năng hay quá, đúng quá”. Cả sân đình lập tức nhao lên ủng hộ ý kiến của Ba Bửa. Nó lại tiếp:
- Mấy bữa nữa bác đến thu, ai cũng giấu xe đi, bảo xe mượn thì bác làm thế nào. Bác đi khỏi họ lại mang xe ra đi thì cũng chịu.
Đại diện ủy ban xã lúc này mới lại có cơ hội lên tiếng:
- Thưa toàn thể nhân dân làng Trại. Cũng vì cái sự khó khăn như đồng chí, à quên, anh Bửa nói nên riêng cái phí xe máy mới giao cho thôn làng, tổ dân phố phụ trách. Lý do là thế này, như bác trưởng thôn đây là nắm rõ tình hình trong làng nhất, hơn chúng tôi trên xã, trên huyện rất nhiều. Cho nên, thu như thế là hiệu quả.
Tức thì, chị Mõ và Ba Bửa cười hề hề, phát biểu gần như đồng thanh:
- Thế là làng mình lại có thêm nhiều cán bộ các bác nhỉ?! Tình hình này, chúng cháu xin làm chân thu phí luôn được không ạ? Chứ như bác trưởng thôn thu sao xuể. Chúng cháu chỉ xin nhận lương dăm trăm mỗi tháng thôi, đủ tiền mua xăng với cả nộp phí là khoái rồi.
- Chúng tôi cũng đang xem xét phương án này, vì đúng là mình bác trưởng thôn thì không thu được. Nhưng lương thì chắc không có, cùng lắm có chút xíu gọi là phụ cấp, vì ngân sách vốn bé tí tẹo, lại đang cạn tiền nữa, đến tăng lương cơ bản cho chủ tịch còn khó kia kìa.
- Thế thì chúng cháu chẳng làm quan thu phí, kệ bác trưởng thôn, ai bảo oách.
- Để chúng tôi họp bàn đã. Lương là một chuyện, còn chuyện nữa là vì cái phí này tự dưng xã sinh ra thêm bao nhiêu cán bộ. Xã có 40 thôn, mỗi thôn 3 cán bộ thu phí, vị chi sơ sơ cũng phát sinh thêm chừng 120 cán bộ, cộng cả số cán bộ cũ tầm trưởng thôn, các hội trưởng, đội trưởng trở lên thì cũng chả kém cái xã Quảng Vinh 500 cán bộ ở Thanh Hóa là mấy.
Bàn tán xôn xao đến quá trưa cuộc họp mới kết thúc mà xem ra kết quả đạt được chẳng đáng nêu tên. Dân làng đứng dậy ra về, ai cũng ngán ngẩm “Phí ơi là Phí”.
* Xuất hiện thứ Bảy hàng tuần, “Gương hậu” là tiểu mục bình luận thể hiện quan điểm cá nhân của các nhà báo, cộng tác viên và bạn đọc tham gia chuyên mục Xe 360º, không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Chúng tôi tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả.