Hạ mức cảnh báo lũ, cho phép các phương tiện lưu thông qua cầu Long Biên và cầu Đuống
Ngày 13/9, Hà Nội hạ mức cảnh bão lũ trên sông Hồng, sông Đuống xuống mức độ 2, đồng thời, cho phép thông tuyến đường sắt cho các tàu chạy qua cầu Long Biên và cầu Đuống…
Ngày 13/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã có lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng tại địa phận các quận/huyện trên địa bàn thành phố bao gồm Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh và Gia Lâm.
Căn cứ mực nước đo được tại địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cũng lệnh rút báo động lũ cấp 2 trên sông Đuống tại địa phận quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Gia Lâm.
Trước đó, ngày 12/9, cơ quan này đã lệnh rút báo động 2 trên sông Hồng tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh.
Tuy nhiên, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.
"Lũ trên sông Hồng, đoạn qua Hà Nội đang xuống. Trong 12 đến 24 giờ tới, lũ sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động 1", thông báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Mực nước lũ lên cao kéo dài nhiều ngày có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè; ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình. Nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ hiện hữu.
Đại diện Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết đến chiều 12/9, các lực lượng chức năng đã triển khai sơ tán, di dời khoảng 73.700 người dân tại các địa bàn có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa, lũ. Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, các thiệt hại do mưa, lũ sau bão đã làm 2 người bị thương; thiệt hại về tài sản đang được thống kê.
Trước diễn biến lũ trên sông Hồng như trên, Sở Giao thông Vận Tải thành phố Hà Nội đã ra thông báo khôi phục phương án tổ chức giao thông trên cầu Long Biên, cầu Đuống, Quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên và huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội từ 15h00 ngày 13/9.
Thông báo nêu rõ, khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Long Biên (km3+056) tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, cho phép người đi bộ, xe thô sơ, xe 2 bánh qua cầu Long Biên cả 2 hướng.
Khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Đuống (km9+667) tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng , cho phép người đi bộ và các loại phương tiện qua cầu Đuống cả 2 hướng, nhưng cấm xe tải có tải trọng trên 13 Tấn qua cầu.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông báo, từ 13 giờ sẽ thông tuyến đường sắt cho các tàu chạy qua cầu Long Biên và cầu Đuống.
Cụ thể, các chuyến tàu khách đầu tiên sau thông tuyến từ Hà Nội đi Hải Phòng qua cầu Long Biên mang mác LP6, LP5 kết thúc và xuất phát tại ga Hà Nội; trong đó, mác tàu LP5 dự kiến xuất phát lúc 15 giờ 15 phút. Mác tàu LP8, LP7 kết thúc và xuất phát tại ga Long Biên.
Từ ngày mai 14/9, tuyến Hà Nội - Hải Phòng hoạt động trở lại bình thường với 4 đôi tàu hàng ngày chạy từ ga Hà Nội hoặc ga Long Biên đến Hải Phòng và ngược lại.
Được biết, ngành đường sắt đã hoàn thành kiểm tra và thử tài thành công các chuyến tàu qua cầu Long Biên và cầu Đuống, bảo đảm an toàn hệ thống cầu cũng như an toàn cho người và các phương tiện qua lại.
Đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam (tàu Thống Nhất) đã hoạt động bình thường trở lại sau các thông báo hủy chạy tàu do ảnh hưởng bão và hoàn lưu bão số 3 từ hôm qua 13/9. Các mác tàu Thống nhất tiếp tục khai thác theo kế hoạch.
Hiện tại, trên một số đoạn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai vẫn còn cây cối gãy đổ, hư hỏng cột thông tin tín hiệu, nước ngập đỉnh ray, trôi nền đá...ngành đường sắt đang huy động nhân lực, vật lực tích cực khắc phục để có thể thông đường toàn tuyến sớm nhất.