Hà Nội: Nhức nhối nạn “xe dù”, “bến cóc”
Việc giải quyết tình trạng “xe dù”, “bến cóc” tại một số trục đường gần bến xe, ga tàu ở Hà Nội được ví như “ném đá ao bèo”. Bởi lẽ, cứ mỗi đợt ra quân của lực lượng chức năng thì rất nề nếp, khuôn khổ; nhưng sau đó tình trạng vi phạm lại tiếp diễn như cũ...
“Bến cóc” ngày càng “phình to”
Sở GTVT Hà Nội vừa đưa vào khai thác 41 điểm dừng đón, trả khách cho xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn Thành phố bao gồm các tuyến: QL6 (đoạn Hà Đông - Chương Mỹ); đường Hồ Chí Minh (đoạn Hoà Lạc - Xuân Mai); QL21 (đoạn Chốt Nghệ - Hoà Lạc); QL32 (đoạn Hoài Đức - Đan Phượng - Phúc Thọ - Sơn Tây - Ba Vì); đường Võ Văn Kiệt (đoạn cầu Thăng Long - QL2); QL3 (đoạn qua địa phận Hà Nội).
Theo danh sách trên, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, ngoài xe buýt, không có bất kỳ điểm đón, trả khách nào được cấp phép cho xe khách tuyến cố định. Các văn bản trước đây cũng đều khẳng định, xe vận tải hành khách tuyến cố định chỉ được đón, trả khách trong các bến xe. Đồng thời, như thường lệ, năm nào, lực lượng chức năng cũng “hứa hẹn” sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù, bến cóc”. Nhưng trên thực tế thì tình trạng dừng, đỗ xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra một cách ngang nhiên hàng ngày.
"Xe dù", "bến cóc" vẫn lộng hành ở Hà Nội
30 phút có mặt tại khu vực đường Khuất Duy Tiến, đoạn tiếp giáp phố Hoàng Ngân (Hà Nội) chiều 24/10, phóng viên ghi nhận ít nhất 3-4 trường hợp xe khách tuyến cố định dừng xe để đón, trả khách vãng lai.
Khu vực này được ví như “nút thắt cổ chai” bởi lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn trên đường Khuất Duy Tiến, đường nhánh từ Vành đai 3 trên cao xuống Khuất Duy Tiến và đường Hoàng Ngân rẽ sang nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ vào hầu hết các khung giờ trong ngày.
“Bến cóc” này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa bị giải tỏa, thậm chí ngày càng có dấu hiệu mở rộng quy mô. Theo ghi nhận của PV AutoNews, các phương tiện xe khách 29-45 chỗ ngồi, xe limousine và một số “xe dù” ngang nhiên hoạt động với tần suất khoảng 10-15 phút / chuyến vào đón, trả khách.
Hàng loạt dịch vụ ăn theo, lấn chiếm vỉa hè như quán nước, xem ôm, xe công nghệ, taxi luôn túc trực tại “bến” để sẵn sàng phục vụ hành khách từ trên xe bước xuống.
“Con voi” vẫn chui lọt “lỗ kim”
Những căn cứ pháp lý cùng với cơ chế quản lý, giám sát hoạt động vận tải hành khách tại Hà Nội đã sớm được xây dựng và hoàn thiện những năm gần đây.
Về văn bản quy phạm pháp luật, việc đón, trả khách đối với xe khách tuyến cố định được quy định rõ tại Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải. Xe khách được phép đón, trả khách tại các điểm dừng đã được Sở GTVT cấp tỉnh cấp phép. Thời gian dừng xe tối đa đối với mỗi ôtô không quá 3 phút.
Về quản lý trật tự, an toàn giao thông, dọc tuyến đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến thuộc địa bàn quản lý của Đội CSGT số 6, số 7 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội), Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, phối hợp với lực lượng Công an quận và Công an các phường tại từng địa bàn.
Về quản lý hoạt động vận tải, ngoài cơ chế quản lý tại các bến xe khách, từ đầu tháng 3 năm nay, Sở GTVT Hà Nội đã có thể truy cập và sử dụng thử nghiệm hệ thống giám sát hình ảnh từ camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải. Trên phần mềm hệ thống thể hiện rõ thông tin về: biển số xe, trạng thái di chuyển, tuyến di chuyển, camera trước xe và camera bên trong xe.
Thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ tháng 5/2022 đến tháng 8/2022, Sở GTVT Hà Nội mới đây vừa ban hành quyết định thu hồi phù hiệu đối với 1.547 phương tiện, thuộc 450 đơn vị kinh doanh vận tải, vi phạm tốc độ. Đây được coi là chế tài xử lý có sức răn đe nhất đối với các trường hợp tái vi phạm nhiều lần.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là danh sách các trường hợp xe khách chạy quá tốc độ cho phép; còn đối với hành vi chạy “rùa bò”, đón, trả khách không đúng nơi quy định lại chưa có báo cáo cụ thể.
Trên thực tế, việc xử lý “xe dù”, “bến cóc” lâu nay vẫn được “khoán gọn” cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và cảnh sát trật tự tại địa bàn. Tuy nhiên, với nhiều tình huống, các lực lượng trên không đủ chức năng, thẩm quyền để xử lý, hoặc mức xử phạt chưa đủ sức răn đe và thường chỉ xử phạt được từng trường hợp vi phạm đơn lẻ.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết dứt điểm tình trạng “xe dù”, “bến cóc” sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn, thay vì chỉ tập trung vào công tác tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng. Trong đó, cần tạo cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn để xử lý các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để xảy ra vi phạm trật tự an toàn giao thông. Hình thức xử phạt cao nhất có thể là thu hồi phù hiệu hoặc rút giấy phép kinh doanh vận tải đối với trường hợp vi phạm nhiều lần.