Hà Nội sẽ chặt hạ và trồng thay thế những cây xanh không bảo đảm an toàn
UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp về nội dung nằm trong dự thảo Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố…
Dự thảo đã nhắc đến nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị; phân công, phân cấp quản lý hệ thống cây xanh đô thị; quy hoạch, kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh công cộng đô thị.
Cụ thể, tại nội dung "Kế hoạch đầu tư, phát triển cây xanh sử dụng công cộng đô thị 5 năm và hàng năm" có đề xuất khảo sát, lập kế hoạch trồng mới, cải tạo, chỉnh trang cây trên đường phố, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng khác của đô thị và các dự án đầu tư xây dựng công trình có hạng mục cây xanh.
Theo đó Hà Nội sẽ khảo sát, chặt hạ và trồng thay thế cây bị chết, cây có nguy cơ không bảo đảm an toàn, cây có nguy cơ gãy đổ đột ngột, cây bị sâu bệnh không có khả năng điều trị, cây già cỗi, cây còi cọc, cong, nghiêng, không đạt yêu cầu thẩm mỹ và kém phát huy tác dụng cải thiện môi trường; cải tạo cây xanh thuộc danh mục cây cấm trồng trong đô thị.
Ngoài ra về nội dung "Trồng cây xanh đô thị", dự thảo nêu: với cây xanh đường phố, cây trồng thuộc các dự án đầu tư được thiết kế đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật, trước khi phê duyệt hồ sơ thiết kế chủ đầu tư gửi cơ quan quản lý nhà nước về cây xanh để thống nhất về chủng loại, tiêu chuẩn, thời gian chăm sóc, bảo vệ, bảo hành cây xanh.
Việc trồng mới, bổ sung, thay thế cây xanh trên cùng một tuyến đường phố (đối với tuyến đường, phố đang có hệ thống cây xanh hiện trạng), Hà Nội sẽ lựa chọn một loài cây chủ đạo để trồng mới, thay thế, bổ sung cho đoạn đường. Khoảng cách cây trồng phải bảo đảm quy định và theo phân loại cây xanh đô thị; trồng cây ở khoảng trước tường ngăn giữa hai nhà phố, tránh trồng giữa cổng hoặc chính diện nhà dân, cơ quan, tổ chức.
Tại các dải phân cách, nút giao thông, ngoài việc phải tuân thủ về bảo vệ an toàn giao thông tổ chức trồng cây bóng mát, cây mảng, cây bụi, hoa tạo thành mảng xanh tăng cảnh quan, mỹ quan đô thị; cây xanh được trồng không che khuất biển, đèn tín hiệu giao thông, bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông; trường hợp tán cây rộng che khuất biển, đèn tín hiệu giao thông thì phải di dời hoặc cắt tỉa tán để bảo đảm tầm quan sát.
Quy định cũng có riêng một điều về việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Theo đó, Sở Xây dựng có thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong trường hợp cây xanh do UBND TP quản lý; UBND cấp huyện cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trên địa bàn hành chính quản lý...
Thực tế, vào mùa mưa bão hàng năm, người dân các đô thị lớn luôn thường trực nỗi lo về tình trạng cây xanh gãy đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào với những hậu quả khó lường, nhẹ thì gây hư hỏng nhà cửa, tài sản; nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên điều đáng nói là tình trạng này thậm chí xảy ra ngay cả trong điều kiện thời tiết bình thường, không có mưa bão, giông gió.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, để phòng ngừa tai nạn do cây gãy đổ, việc thay thế những cây đã quá già cỗi, thiếu thẩm mỹ rất cần thiết, nhưng không phải là chặt bỏ hết cây cổ thụ mà cần có cách làm khoa học, bởi không khó nếu đánh giá tình trạng của cây bằng các công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, khi nghiên cứu cây trồng đô thị, cần tính đến khả năng sinh học của từng loài và phải trồng lâu dài, có tầm nhìn theo từng tuyến phố của Thủ đô Hà Nội.