Hà Nội thúc đẩy xây dựng các dự án vui chơi giải trí lớn
Thành phố sẽ rà soát quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Trong đó, sẽ tập trung nguồn lực xây dựng một số điểm du lịch đặc sắc, thúc đẩy triển khai các dự án vui chơi giải trí lớn, thu hút đầu tư xây dựng dự án tổ hợp mua sắm (outlet); nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch…
Tại kế hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội năm 2023 (kế hoạch số 79) do UBND thành phố vừa ban hành, Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 22 triệu lượt khách trong năm nay, tăng 17,6% so với 2022. Bao gồm: 3 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 2 lần và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022; Tổng thu từ khách du lịch đạt 77 ngàn tỷ đồng, tăng 28,2% năm 2022; Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 45%, tăng 5 điểm % so với năm trước.
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC XÂY DỰNG CÁC ĐIỂM DU LỊCH ĐẶC SẮC
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể là tập trung các nguồn lực xây dựng và phát triển một số khu, điểm du lịch thực sự đặc sắc, nổi bật, mang thương hiệu du lịch Thủ đô, là đại diện hình ảnh phục vụ cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Thành phố như: Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Phố cổ - hồ Hoàn Kiếm, Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Vườn Quốc gia Ba Vì...;
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai xây dựng các dự án vui chơi, giải trí lớn phục vụ du lịch trên địa bàn Thành phố như: Công viên vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh), Dự án tuyến cáp treo Hương Bình, chùa Hương (huyện Mỹ Đức),... Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút kêu gọi đầu tư xây dựng các dự án lớn như: Dự án Tổ hợp mua sắm (Outlet), Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch, Bến cảng Bát Tràng...;
Nghiên cứu lập và triển khai đề án, kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, sinh thái tại khu vực hai bên và bãi giữa sông Hồng; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện), du lịch nông nghiệp, nông thôn,... đảm bảo đồng bộ, thống nhất, khớp nối với quy hoạch phân khu của các quận, huyện, thị xã trong phạm vi dự án;
Tập trung triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm: Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương), làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), làng cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực Ba Vì...
Bên cạnh đó, sẽ tập trung nâng cấp, phát triển các tuyến du lịch từ Trung tâm Thành phố đến: Làng nghề gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm); chùa Hương (huyện Mỹ Đức) kết nối với khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) - Tràng An (Ninh Bình); khu vực Sơn Tây - Ba Vì; Thạch Thất - Quốc Oai; Đông Anh - Sóc Sơn; Đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: sản phẩm du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, sản phẩm du lịch bay khinh khí cầu tại các quận: Tây Hồ, Long Biên, thị xã Sơn Tây...; Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch golf, trong đó tập trung phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch golf, nâng cao khả năng tiếp cận du lịch golf.
THÚC ĐẨY HỢP TÁC CÔNG – TƯ TRONG ĐẦU TƯ, VẬN HÀNH CÁC KHU DU LỊCH
Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh nghiên cứu đầu tư phát triển, khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô... gắn với các điểm đến du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại các quận, huyện, thị xã. Trước mắt tập trung nghiên cứu tổ chức, khai thác tuyến bus Bến Bạc - Bát Tràng trong năm nay; Triển khai thí điểm cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách kết nối từ trung tâm Thành phố đến Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, phát triển các tuyến vận tải du lịch, phương tiện vận chuyển khách du lịch chất lượng cao từ trung tâm Thành phố, trung tâm đô thị đến các điểm đến du lịch; Triển khai xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm về đêm hấp dẫn phục vụ khách du lịch quốc tế. Đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch kết nối, các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, với giá cả hợp lý phục vụ các nhóm khách đoàn.
Đồng thời làm mới các hoạt động tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; phát huy hiệu quả tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ); tại khu đô thị Nam vành đai 3 (quận Hoàng Mai), tại khu vực hồ Thiền Quang - Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng); khu phố ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã; phát triển các khu vực vui chơi giải trí về đêm hấp dẫn, chuyên nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm đêm tại các khu, điểm du lịch, tuyến phố đi bộ trên địa bàn Thành phố...; Thúc đẩy hợp tác công - tư với các hình thức “Lãnh đạo công - quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư” trong đầu tư, vận hành tại một số khu, điểm du lịch, công trình văn hóa có đủ điều kiện…
Lãnh đạo thành phố cho biết, trong thời gian tới, với mục tiêu thu hút đông đảo khách du lịch, giữ vững vai trò là trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hà Nội sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý về du lịch trên địa bàn Thành phố, tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Được biết, trong 2021, Hà Nội đã đón 18,7 triệu lượt khách, gấp 4,7 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với con số của năm 2021.
Cũng trong năm qua, Hà Nội liên tiếp được bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách. Cụ thể, Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn Hà Nội là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022; Chuyên trang du lịch TripAdvisor xếp Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách top 25 điểm đến cho người mê ẩm thực; Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de đánh giá Hà Nội là một trong những điểm đến ưa thích nhất Đông Nam Á; Google Destination Insights xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất; Hãng hàng không Iceland (Icelandair) xếp Hà Nội đứng thứ 9 trong 10 thành phố hàng đầu thế giới để khám phá văn hóa, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe...