Hai "đại gia" bảo hiểm kinh doanh có lãi nhưng đầu tư tài chính chưa hiệu quả
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội lưu ý một số khoản đầu tư của PVI và PJICO ngót nghét cả chục năm mới thu được một ít vốn...
Theo đó, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Riêng trong lĩnh vực bảo hiểm có 2 doanh nghiệp được kiểm toán là Tổng công ty Bảo hiểm PVI (Bảo hiểm PVI) và Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex (PJICO).
Kết quả cho thấy 2 doanh nghiệp bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi.
Theo đó, lợi nhuận trước thuế, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Bảo hiểm PVI là 1.072,52 tỷ đồng và 11,78%; PJICO là 227,46 tỷ đồng và 11,9%. Biên khả năng thanh toán của PJICO bằng 119% biên khả năng thanh toán tối thiểu…
Song, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hai đơn vị này đầu tư tài chính chưa hiệu quả.
Cụ thể, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đầu tư 200 tỷ đồng trái phiếu Công ty Cổ phần Sông Đà Thăng Long từ năm 2010 chưa thu được lãi (đã thu gốc 32,03 tỷ đồng), dự phòng rủi ro đã trích 167,97 tỷ đồng; còn 02 khoản đầu tư góp vốn 20,90 tỷ đồng vào Tổng công ty Bảo dưỡng, sửa chữa công trình dầu khí và Công ty Cổ phần Điện Việt Lào không có lợi nhuận hay cổ tức được chia từ khi nhận bàn giao (năm 2011) của PVI. Ngoài ra, từ năm 2015 đến 31/12/2020 Tổng công ty Bảo hiểm PVI phải trả 1,97 tỷ đồng phí quản lý 2 khoản đầu tư này cho Công ty Quản lý quỹ PVI.
PVI tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Sau khi được cổ phần hoá, PVN hiện còn nắm giữ 35% vốn tại đây, là cổ đông lớn thứ 2 sau HDI Global (nắm giữ 38,2% vốn). PVI cung cấp các sản phẩm chính trong lĩnh vực Năng lượng (chiếm thị phần tuyệt đối) và hàng hải, tài sản – kỹ thuật...
Một cái tên khác được Kiểm toán Nhà nước nhắc tới là PJICO. Nhiều khoản đầu tư của PJICO phải trích lập dự phòng rủi ro với tỉ lệ cao. Cụ thể: PJICO đầu tư 23,8 tỷ đồng cổ phiếu Tổng công ty Dầu Việt Nam thì phải trích lập dự phòng tới 58,1%. Khoản đầu tư 7,97 tỷ đồng cổ phiếu Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng phải trích lập dự phòng 46,2%; đầu tư 3,34 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu FOODINCO, trích lập dự phòng 31,3%.
Hiện, Nhà nước đang nắm giữ 40,95% vốn tại PJICO, thông qua Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).