Hải Phòng bỏ quy hoạch phát triển xe buýt

Nam Khánh Đỗ Hoàng
Chia sẻ

Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2025 xe buýt sẽ vận chuyển hơn 54 đến hơn 70 triệu lượt khách, nhưng đến nay hệ thống xe buýt mỗi năm chỉ vận chuyển được 2,4 triệu lượt khách, chưa đáp ứng được 1% nhu cầu…

Hải Phòng bỏ quy hoạch mạng lưới xe buýt vì hiệu quả quá thấp so với mục tiêu đề ra
Hải Phòng bỏ quy hoạch mạng lưới xe buýt vì hiệu quả quá thấp so với mục tiêu đề ra

HĐND TP. Hải Phòng khoá XVI vừa thông qua nghị quyết chấm dứt hiệu lực của nghị quyết số 29/NQ-HĐND (ngày 8/12/2017) về điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do nhiều nội dung nhiệm vụ không đạt được mục tiêu đề ra, hệ thống xe buýt mỗi năm chưa đáp ứng được 1% nhu cầu đi lại của người dân.

MỤC TIÊU ĐÁP ỨNG 10-15% NHU CẦU ĐI LẠI VÀO NĂM 2030

Theo nghị quyết số 29/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND TP. Hải Phòng về điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt, trong giai đoạn 2017-2020 duy trì 14 tuyến xe buýt hiện có, phát triển một số tuyến xe buýt kết nối đến các khu công nghiệp, khu đô thị mới, trung tâm các quận huyện. Giai đoạn này phát triển thành 22 tuyến xe buýt, trong đó có 1 tuyến liền kề nối với tỉnh Quảng Ninh và 21 tuyến nội tỉnh (trong đó có 1 tuyến vòng tròn nội đô).

Đến năm 2020, nhu cầu phương tiện là 258 xe (trong đó có 73 xe loại 40 chỗ, 101 xe loại 50 chỗ, 84 xe loại 55 chỗ), nhu cầu quỹ đất là 3,27 ha, vốn đầu tư hơn 299 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phương tiện là 294,9 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư các điểm dừng nhà chờ 4,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách), khối lượng vận chuyển đạt hơn 31 đến hơn 44 triệu lượt khách/ năm, đáp ứng 5-7% nhu cầu đi lại của người dân.

Giai đoạn 2021-2025, tăng cường kết nối mạng lưới tuyến, tăng tần suất phục vụ trên một số tuyến chính, phát triển mở rộng mạng lưới. Giai đoạn này quy hoạch 31 tuyến xe buýt, trong đó có 3 tuyến liền kề nối với tỉnh Quảng Ninh (1 tuyến) và Hải Dương (2 tuyến), 28 tuyến nội tỉnh, trong đó có 2 tuyến vòng tròn nội đô, 2 tuyến nội bộ khu công nghiệp VSIP.

Mục tiêu đến năm 2025, nhu cầu phương tiện là 346 xe (trong đó 107 xe loại 40 chỗ, 155 xe loại 50 chỗ, 84 xe loại 55 chỗ), nhu cầu quỹ đất là 5,16 ha, nhu cầu vốn đầu tư 98,6 tỷ đồng (vốn đầu tư cho phương tiện 94,3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư cho các điểm dừng nhà chờ 4,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách), khối lượng vận chuyển đạt hơn 54 đến hơn 70 triệu lượt khách/năm, đáp ứng 7-10% nhu cầu đi lại của người dân.

Giai đoạn 2026-2030, phát triển mở rộng mạng lưới tuyến phủ khắp địa bàn thành phố và sang các tỉnh lân cận. Giai đoạn này quy hoạch 38 tuyến xe buýt, trong đó có 6 tuyến xe buýt liền kề nối với các tỉnh Quảng Ninh (2 tuyến), Hải Dương (3 tuyến), Thái Bình (1 tuyến) và 32 tuyến buýt nội tỉnh, trong đó có 2 tuyến vòng tròn nội đô, 2 tuyến nội bộ khu công nghiệp VSIP.

Mục tiêu đến năm 2030, nhu cầu phương tiện là 443 xe (trong đó có 135 xe loại 40 chỗ, 224 xe loại 50 chỗ, 84 xe loại 55 chỗ), nhu cầu quỹ đất là 5,16ha, nhu cầu vốn đầu tư là 111,3 tỷ đồng (vốn đầu tư cho phương tiện 105,1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá, vốn đầu tư cho các điểm dừng nhà chờ 6,2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách), khối lượng vận chuyển đạt hơn 78 triệu đến hơn 117 triệu lượt khách/ năm, đáp ứng 10-15% nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt còn định hướng chuyển một số tuyến xe buýt đang khai thác thành các tuyến xe buýt nhanh (BRT) nếu đủ điều kiện. Cụ thể giai đoạn 2017-2020 quy hoạch 1 tuyến, giai đoạn 2021-2025 quy hoạch 1 tuyến, giai đoạn 2026-2030 quy hoạch 2 tuyến.

CÁC MỤC TIÊU ĐỀU KHÔNG ĐẠT

Quy hoạch hoành tráng nhưng thực tế trong giai đoạn 2018-2023 tổng sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt chỉ đạt 12 triệu lượt, riêng năm 2023 đạt 2,4 triệu lượt khách, đáp ứng dưới 1% nhu cầu đi lại của người dân, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đến năm 2025 vận chuyển được hơn 54 triệu đến hơn 70 triêu lượt khách trên năm (7-10% nhu cầu đi lại của người dân).

Về phát triển mạng lưới xe buýt, đến nay thành phố chỉ có 10/31 tuyến xe buýt đang hoạt động (đạt 32%), xe buýt nhanh BRT cả 2 tuyến được quy hoạch trong giai đoạn 2017-2025 đều chưa có. Toàn thành phố chỉ có 90 phương tiện xe buýt hoạt động, bằng 26% nhu cầu phương tiện đến năm 2025 (346 phương tiện) do số lượng tuyến hoạt động chỉ đạt 32% so với quy hoạch.

Hệ thống hạ tầng cũng tương tự, dù nhu cầu quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng xe buýt (bãi đỗ, điểm trung chuyển, điểm đầu cuối) rất lớn nhưng việc phát triển quỹ đất cho mạng lưới xe buýt còn rất hạn chế. Các đơn vị xe buýt chủ yếu đỗ phương tiện tại các bến xe khách (Vĩnh Niệm, Thượng Lý, Vĩnh Bảo, An Lão), tại một số bãi đỗ xe của các doanh nghiệp tư nhân hoặc phải sử dụng tạm lòng đường để dừng đỗ, tập kết phương tiện. Một số bãi đỗ tại Bến xe khách phía Tây 2, Bến xe khách phía Bắc, bến xe khách phía Đông, bến xe khách Minh Đức mới chỉ có trong… quy hoạch.

Giai đoạn 2018-2023, số vốn đầu tư mua sắm phương tiện xe buýt khoảng 80 tỷ đồng, chủ yếu do các đơn vị xe buýt vay ngân hàng, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% lãi suất thời gian 5 năm. Sở Giao thông vận tải thực hiện duy tu sửa chữa bổ sung hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt với tổng kinh phí chỉ khoảng 5,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp.

Theo đánh giá của UBND TP. Hải Phòng, sau 5 năm thực hiện nghị quyết 29/NQ-HĐND, nhiều nội dung nhiệm vụ chưa hoàn thành so với mục tiêu, số lượng tuyến xe buýt hoạt động ít, một số tuyến sau chết yểu, ngân sách hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển tuyến mới, sản lượng vận chuyển hành khách rất thấp. Các phương tiện xe buýt xuống cấp do không được thay thế, hiệu quả khai thác chất lượng phục vụ không cao, chưa có phương tiện sử dụng nhiên liệu thận thiện môi trường.

PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

Theo UBND TP. Hải Phòng, trong những năm gần đây, mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều công trình giao thông lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng, các tuyến đường hiện hữu được quan tâm cải tạo mở rộng. Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở lưu trú, bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… mới đi vào hoạt động làm phát sinh đột biến nhu cầu đi lại tại một số khu vực nên cần điều chỉnh quy hoạch để mở mới một số tuyến xe buýt nằm ngoài các tuyến cũ.

Tuy nhiên, theo Luật Quy hoạch, quy hoạch phát triển mạng lưới xe buýt không thuộc các trường hợp tiếp tục thực hiện, tiếp tục thực hiện đến hết thời kỳ quy hoạch, điều chỉnh theo quy hoạch cấp cao hơn hoặc tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, không có cơ sở để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế.

Để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích phát triển mạng lưới xe buýt, UBND TP. Hải Phòng cho rằng cần chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 29/NQ-HĐND của HĐND thành phố. Việc chấm này không ảnh hưởng đến hoạt động của mạng lưới xe buýt trên địa bàn, hoạt động xe buýt thực hiện theo quy định pháp luật, việc phát triển hạ tầng xe buýt thực hiện trên cơ sở quy hoạch thành phố, quy hoạch chi tiết của các quận huyện và theo nhu cầu thực tế.

Hơn nữa, ngày 10/6/2024, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản giao Sở Giao thông vận tải chủ trì cùng các sở ngành địa phương liên quan nghiên cứu lập đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị kết hợp giao thông công cộng. Sở Giao thông vận tải đang chủ trì cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất JICA hỗ trợ nghiên cứu đề án theo hình thức viện trợ không hoàn lại. Đề án dự kiến sẽ nghiên cứu đồng bộ đường sắt đô thị kết hợp mạng lưới xe buýt, đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng của Hải Phòng trong tương lai.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con