Hải Phòng sử dụng mái nhà xưởng trong khu công nghiệp để sản xuất điện mặt trời
Hải Phòng có 15 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 600 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư lũy kế lên tới trên 34 tỷ USD, do vậy nhu cầu sử dụng điện năng là rất lớn. Việc có thêm những nhà đầu tư vào sản xuất điện năng cung cấp cho thị trường là vô cùng cần thiết, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch.
Ngày 29/6, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cùng Đại sứ quán Vương Quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Iceland, Phòng Thương mại và công nghiệp Anh và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Sao Đỏ phối hợp tổ chức Hội thảo và xúc tiến đầu tư "Năng lượng tái tạo trong khu công nghiệp bền vững”.
Với mục đích hướng đến sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm hơn, hội thảo tập trung phân tích, đánh giá tính hiểu quả, bền vững trong sản xuất công nghiệp khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời), đặc biệt nguồn năng lượng này được hình thành từ những tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái nhà văn phòng, công xưởng trong chính khu công nghiệp.
Để hiện thực hóa mục đích này, ngay trong khuôn khổ hội thảo, Công ty Shire Oak International (Vương quốc Anh) và Công ty Cổ phần Đầu tư Sao Đỏ và Công ty Cổ phần Kinh doanh Điện Nam Đình Vũ đã chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược và Hợp đồng mua bán điện áp mái.
Theo đó, Cty Shire Oak International sẽ đầu tư, lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời trên các mái nhà xưởng trong khu công nghiệp Nam Đình Vũ để cung cấp điện sạch cho các nhà đầu tư thứ cấp.
Trao đổi với Vneconomy, ông Mark Shorrock – Chủ tịch Công ty Shire Oak International cho biết, hiện nay những sản phẩm sản xuất từ năng lượng tái được các “chuỗi” cung ứng ưu tiên đón nhận hơn so với sử dụng năng lượng truyền thống. Trong tương lai gần, thế giới sẽ áp dụng mức thuế sử dụng cac bon đối với sản phẩm, hàng hóa, khi đó các sản phẩm được sản xuất bằng năng lượng tái tạo sẽ có sức cạnh tranh cao hơn.
Ông Mark Shorrock nhận định, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới nên rất thuận lợi trong sản xuất năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện… bên cạnh đó, Việt Nam đang là nơi thu hút, tập trung rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư nên nhu cầu sử dụng điện năng là rất lớn, chính vì vậy Shire Oak International xác định đây là thị trường giàu tiềm năng để đầu tư, phát triển lâu dài ngành năng lượng tái tạo.
Theo các chuyên gia, các khi khu công nghiệp triển khai, cung cấp năng lượng tái tạo sẽ có tính cạnh tranh cao hơn do giá điện tái tạo sẽ rẻ hơn so với điện truyền thống, đồng thời các nhà đầu tư thứ cấp sẽ có thêm nguồn thu từ việc cho thuê các mái nhà xưởng để lắp đặt pin mặt trời.
Ông Nguyễn Thành Phương – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sao Đỏ chia sẻ, hiện đã có gần 10 nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp Nam Đình Vũ sẵn sàng hợp tác trong việc cho thuê mái nhà xưởng và ký hợp đồng mua điện tái tạo để sản xuất.
Được biết, trước thời điểm Khu Công Nghiệp Nam Đình Vũ triển khai đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, Khu công nghiệp Deep C –Hải Phòng hiện đã và đang cung cấp 1 phần năng lượng sản xuất từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời cho 1 số nhà đầu tư thứ cấp, một số khu công nghiệp khác trên địa bàn như Tràng Duệ, Nam Cầu Kiền… cũng đã và đang triển khai đầu tư loại hình này.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, hiện Hải Phòng có 15 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 600 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư lũy kế lên tới trên 34 tỷ USD, do vậy nhu cầu sử dụng điện năng là rất lớn. Việc có thêm những nhà đầu tư vào sản xuất điện năng cung cấp cho thị trường là vô cùng cần thiết, đặc biệt là nguồn năng lượng sạch.
“Hải Phòng đang hướng tới xây dựng và phát triển các khu công nghiệp theo tiêu chí xanh, sinh thái, nên việc chuyển dịch trong sử dụng năng lượng mới, thân thiện với môi trường luôn được thành phố quan tâm, ưu tiên hàng đầu”, ông Lê Trung Kiên nhấn mạnh.