Hàng lướt sóng tranh thủ xả, thị trường lại cắm đầu giảm
Lượng hàng bắt đáy về tài khoản chiều nay đa số vẫn có chút lãi và không có gì bất ngờ khi áp lực bán hạ giá tăng vọt. VN-Index bổ nhào xuống dưới tham chiếu rất sớm và độ rộng cũng co hẹp lại nhanh chóng, phản ánh áp lực bán xuất hiện trên diện rộng. Dù VIC, VHM rất nỗ lực tăng cộng thêm VCB bất ngờ được kéo xanh đợt ATC cũng không đỡ được chỉ số...
Lượng hàng bắt đáy về tài khoản chiều nay đa số vẫn có chút lãi và không có gì bất ngờ khi áp lực bán hạ giá tăng vọt. VN-Index bổ nhào xuống dưới tham chiếu rất sớm và độ rộng cũng co hẹp lại nhanh chóng, phản ánh áp lực bán xuất hiện trên diện rộng. Dù VIC, VHM rất nỗ lực tăng cộng thêm VCB bất ngờ được kéo xanh đợt ATC cũng không đỡ được chỉ số.
VN-Index đóng cửa giảm 0,34%, tương đương mất 4,26 điểm. Chỉ số không phản ánh đúng diễn biến vì có cả trăm cổ phiếu giảm hơn 1% và độ rộng cuối phiên chỉ còn 177 mã tăng/275 mã giảm. Một vài mã vốn hóa lớn tuy không giữ được chỉ số xanh nhưng cũng “giảm xóc” một chút.
Cổ phiếu trụ hoành tráng nhất chiều nay là VIC khi bật cao thêm tới 1,14% so với giá chốt phiên sáng và tăng chung cuộc 1,68% so với tham chiếu. VHM chiều nay đuối, chỉ tăng thêm 0,11% và chốt phiên tăng 2,31%. Đây là 2 trong số 4 trụ vốn hóa lớn nhất thị trường hiện tại. Đặc biệt VCB trong đợt ATC được kéo khá mạnh lên 94.500 đồng, thành tăng 0,21% so với tham chiếu. Cuối đợt khớp lệnh liên tục, cổ phiếu này vẫn còn đỏ.
Rổ VN30 đóng cửa chỉ có 7 mã xanh nhưng tới 18 mã đỏ, VN30-Index giảm 0,24%. Loạt cổ phiếu giảm sâu là GVR giảm 2,01%, CTG giảm 1,75%, SSI giảm 1,47%, PLX giảm 1,48%, MWG giảm 1,52%, MSN giảm 1,36%, TPB giảm 1,34%, BID giảm 1,33%. Số tăng trừ VIC và VHM thì không có mã nào đáng kể.
Khả năng nâng đỡ chỉ số bất ngờ đặt vào tay các trụ bị lãng quên khá lâu. VHM đi ngang suốt tháng 3 và đến hôm nay mới bùng lên. VIC trong 2 tuần trở lại đây cũng không có gì đặc biệt. Chỉ 2 mã này đã đỡ 1,8 điểm cho VN-Index và đỡ 2 điểm cho VN30-Index.
Trong 177 cổ phiếu còn xanh hôm nay cũng có vài mã khá mạnh. Trừ VIC, VHM, có thể kể tới PNJ tăng 3,71% thanh khoản 322,2 tỷ đồng; HAG tăng 1,9% với 298,6 tỷ; LPB tăng 1,08% với 245,1 tỷ; BAF tăng 2,79% với 157,5 tỷ. Đây là các mã đã mạnh từ sáng và chiều nay cũng bị xả nhiều nhưng có dòng tiền đỡ tốt nên thanh khoản rất cao và vẫn giữ được giá. Nhóm thanh khoản nhỏ hơn diễn biến cũng tích cực dù không có số đông tham gia như DPG tăng 1,39%, HVN tăng 3,43%, AGG tăng 3,08%, TV2 tăng 3,58%, QCG, DCL kịch trần…
Phía giảm dĩ nhiên áp đảo, không chỉ về số lượng (275 mã) mà còn ở số giảm sâu: HoSE ghi nhận 103 mã giảm hơn 1% với thanh khoản chiếm 40% tổng giá trị sàn. Lực xả cực mạnh đẩy thanh khoản lên hàng trăm tỷ đồng và giá giảm sâu xuất hiện tại NVL, DIG, MWG, VIX, PVD, SSI, GEX, PDR, DXG, VND…
Diễn biến giá quay đầu cả loạt hôm nay không phải là bất ngờ vì nhu cầu lướt sóng vẫn đang chiếm ưu thế. Lấy ví dụ nhóm chứng khoán, hôm qua tăng giá bùng nổ với tin dự kiến vận hành hệ thống KRX vào tháng 5, nhưng hôm nay giảm toàn bộ. Thông tin thì vẫn vậy nhưng lợi nhuận tốt thì nhà đầu cơ xả hàng. Cổ phiếu bất động sản cũng vậy, khi giá tăng thì có đủ lý do, nhưng chỉ sau một đêm các lý do đó lại không giải thích được diễn biến giảm hôm nay.
Thanh khoản đang sụt giảm rất nhanh khi nhà đầu tư chỉ lướt sóng nhỏ. Tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX hôm nay chỉ còn hơn 16.400 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay tiếp tục duy trì cường độ bán mạnh, xả thêm khoảng 1.067 tỷ đồng nữa trên HoSE và mức bán ròng là 369,3 tỷ đồng. MBB không còn được giao dịch thêm trong khi cả loạt cổ phiếu khác bị xả tăng cường. Tính chung cả ngày, mức rút vốn lên tới 624,5 tỷ và MBB được mua ròng 408,9 tỷ đồng. Các cổ phiếu bị bán cực mạnh là VHM -216,3 tỷ, NVL -167,8 tỷ, VNM -65,9 tỷ, PVD -62,5 tỷ, PDR -58,9 tỷ, MWG -48,6 tỷ, MSN -47,4 tỷ, VPB -45,9 tỷ, DIG -44,6 tỷ.