Thị trường mất đà, khối ngoại xả cực mạnh nếu không tính thỏa thuận MBB
Sáng nay nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua ròng thỏa thuận tới hơn 427 tỷ đồng với gần 17 triệu cổ phiếu MBB nhưng tổng vị thế của khối này trên HoSE vẫn là bán ròng tới 255,2 tỷ. Hàng loạt cổ phiếu khác bị xả rất mạnh và ngay cả MBB cũng bị bán ròng qua khớp lệnh. Thị trường mất quán tính rất nhanh và chốt phiên sáng VN-Index chỉ còn tăng 1,51 điểm tương đương 0,12%...
Sáng nay nhà đầu tư nước ngoài giao dịch mua ròng thỏa thuận tới hơn 427 tỷ đồng với gần 17 triệu cổ phiếu MBB nhưng tổng vị thế của khối này trên HoSE vẫn là bán ròng tới 255,2 tỷ. Hàng loạt cổ phiếu khác bị xả rất mạnh và ngay cả MBB cũng bị bán ròng qua khớp lệnh. Thị trường mất quán tính rất nhanh và chốt phiên sáng VN-Index chỉ còn tăng 1,51 điểm tương đương 0,12%.
Sau phiên tăng bùng nổ hôm qua, thị trường tiếp tục có thêm gần 1 giờ đầu phiên sáng nay tăng tiếp. VN-Index lên cao nhất lúc gần 10h, tăng xấp xỉ 6 điểm. Đợt tăng này có sự dẫn dắt của một vài cổ phiếu trụ bị lãng quên như VIC, VHM. Tuy nhiên khả năng lôi kéo các nhóm dẫn dắt khác không tốt, độ rộng co hẹp dần và tới 2/3 thời gian còn lại thị trường trượt giảm, VN-Index mất dần độ cao.
Hiện VHM vẫn đang là trụ mạnh nhất của chỉ số, chốt phiên sáng tăng 2,2% so với tham chiếu. Tuy nhiên mức giá này đã là suy yếu đáng kể tới 1,12% so với đỉnh đầu ngày. VIC thậm chí kém hơn, chỉ còn tăng 0,52%, tức là trả lại thị trường 0,93% so với đỉnh. Nhóm ngân hàng cũng đang đóng góp VPB tăng 1,81%, TCB tăng 0,98% trong nhóm dẫn dắt điểm số. Hai mã này cũng đã hạ độ cao khá nhiều, VPB để mất 1,25% so với đỉnh và TCB mất 1,18%.
Dù vậy nhóm blue-chips VN30 vẫn khá tốt so với các nhóm còn lại. Chỉ số VN30-Index tăng 0,35% với 14 mã tăng/13 mã giảm trong khi Midcap tăng yếu 0,19% và Smallcap tăng không đáng kể 0,03%. Nhóm blue-chips là động lực kéo chỉ số nửa đầu phiên sáng nay với toàn bộ 30 mã đều tăng giá với các trụ cực khỏe như VHM, VPB, TCB. Đến cuối phiên tất cả đều suy yếu và 13 mã giảm đủ nhiều để rơi qua tham chiếu.
Độ rộng của VN-Index cũng cho thấy diễn biến tương tự. Lúc đạt đỉnh chỉ số này có tới 263 mã tăng/135 mã giảm. Đến cuối phiên chỉ còn 231 mã tăng/200 mã giảm. Trong khi đó thanh khoản sàn HoSE lại tăng khoảng 10% so với sáng hôm qua, đạt trên 7.397 tỷ đồng. Như vậy dòng tiền có tích cực hơn nhưng chỉ trong thời gian khá ngắn, còn lại thanh khoản vẫn do khối lượng bán ra tăng dần về cuối phiên.
Dù vậy giao dịch vẫn chưa chuyển sang tiêu cực vì khá nhiều cổ phiếu vẫn duy trì giá, dù bị ép xuống tương đối mạnh. Trong 200 mã đỏ, cũng mới có 44 mã giảm hơn 1% và thanh khoản nhóm này chỉ chiếm 5,1% tổng giá trị khớp của sàn. Phía tăng còn 49 mã tăng hơn 1% và thanh khoản chiếm 27,1% sàn. Các mã có dòng tiền đỡ ấn tượng là VHM tăng 2,2% thanh khoản 694,3 tỷ đồng; VPB tăng 1,81% với 428,1 tỷ; PNJ tăng 2,58% với 212,7 tỷ; HAG tăng 3,8% với 193,1 tỷ; LPB tăng 1,62% với 148,6 tỷ; BAF tăng 2,05% với 97,4 tỷ.
Do đầu ngày thị trường vẫn tăng tốt nên biên độ trượt giá vẫn chưa đủ để đảo ngược diễn biến, chủ yếu mới là ép giá co hẹp biên độ tăng tổng thể. Như thống kê ở trên, ngay cả khi có cả trăm mã đảo chiều thì biên độ giảm so với tham chiếu cũng chưa lớn. Dĩ nhiên phải đến chiều nay lượng hàng bắt đáy tốt nhất mới về đến tài khoản và sức ép có thể tăng thêm.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay ghi nhận bán ròng 255,2 tỷ đồng trên sàn HoSE. Tổng vị thế này không phải là quá lớn, nhưng là nhờ giao dịch thỏa thuận mua ròng 427 tỷ đồng ở MBB ngay ít phút đầu phiên. Toàn thời gian còn lại là áp lực bán ra tăng dần lên. Thậm chí MBB đến cuối phiên sáng cũng chỉ còn giá trị mua ròng 410,3 tỷ đồng, tức là cũng bị bán ròng trên giao dịch khớp lệnh. Nếu không tính giao dịch thỏa thuận riêng lẻ của MBB thì khối ngoại xả ròng trên HoSE tới trên 600 tỷ đồng sáng nay.
Ngoài MBB, không còn bất kỳ cổ phiếu nào được mua đáng chú ý. Mã được mua ròng tốt nhất sau MBB là BAF cũng chỉ chưa tới 12 tỷ đồng. Ngược lại phía bán xuất hiện nhiều giao dịch lớn như VHM -115,7 tỷ, NVL -107 tỷ, VNM -45,2 tỷ, MSN -35,4 tỷ, PVD -28,3 tỷ, VPB -25,3 tỷ, GEX -20,8 tỷ, CTG -20,5 tỷ và chứng chỉ quỹ FUEVFVND -24 tỷ đồng.