Hành vi tiêu dùng rượu, bia sẽ thay đổi ra sao nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt?
Theo các chuyên gia, ở Việt Nam, rượu, bia là sản phẩm tiêu dùng phổ biến với sản lượng tiêu thụ cao nên cần có biện pháp hạn chế. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần đo lường độ co giãn với giá cả của sản phẩm rượu, bia để có phương án đánh thuế tối ưu nhất…
Tại toạ đàm "Đảm bảo lợi ích bền vững khi sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức chiều 31/7, các chuyên gia cho biết một trong những mục tiêu quan trọng khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn là nhằm giảm tiêu thụ rượu, bia.
Do đó, cơ quan soạn thảo cần làm rõ việc tăng thuế dẫn đến tăng giá sẽ tác động đến hành vi tiêu dùng ra sao?
“Chúng ta phải kết hợp nhiều công cụ với nhau chứ không đơn thuần đưa chính sách thẳng thừng là xong. Thay vào đó, cũng cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những bên liên quan hiểu được những băn khoăn, trăn trở, khó khăn của các cá nhân dưới tác động của chính sách”.
“Cũng phải nhìn lại quá khứ để xem tại sao mà thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn đã tăng khá mạnh nhưng chưa điều tiết được hành vi tiêu dùng như kỳ vọng. Bộ Y tế đã đưa ra các số liệu chứng minh tổng sản lượng tiêu thụ với rượu, bia không giảm mà vẫn tăng qua các năm”, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), đặt vấn đề.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Đặng Thúy Hà, Chuyên gia nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Giám đốc khu vực miền Bắc, NielsenIQ Việt Nam, lý giải rằng do nhiều yếu tố văn hoá nên trải qua nhiều năm, rượu, bia không chỉ đơn thuần là một loại đồ uống mà còn là thói quen với nhiều người, không thể thiếu trong các các bữa tiệc hay các buổi gặp mặt thân mật.
Theo bà Hà, xu hướng tiêu dùng, hành vi tiêu dùng không chỉ chịu tác động bởi giá sản phẩm mà còn có những yếu tố khác như nhân khẩu học, vùng miền.
Từ góc độ kinh tế, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, lưu ý rằng những sản phẩm tiêu dùng đã thành thói quen có độ co giãn với giá cả thấp; thay đổi về giá một chút sẽ không khiến nhu cầu mất đi. Nếu là một sản phẩm có độ co giãn về giá cao thì người có khả năng thanh toán thấp sẽ ngừng tiêu dùng nếu giá tăng; người có khả năng thanh toán cao thì vẫn tiếp tục duy trì.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy với các sản phẩm như thuốc lá, rượu, bia, nhóm người tiêu dùng thu nhập cao, nhận thức tốt, khi được truyền thông về tác hại của sản phẩm thì họ sẽ thay đổi hành vi. Một số khác chưa nhận thức được tác hại của sản phẩm nên vẫn chưa thay đổi hành vi và vẫn giữ thói quen tiêu dùng.
“Thậm chí, một số người có thể mua những sản phẩm rượu, bia không chính thức, tự sản xuất, tự nấu; vô hình chung chuyển từ hành vi tiêu dùng một sản phẩm được kiểm nghiệm, được kiểm soát an toàn sang hành vi tiêu dùng một sản phẩm mới không an toàn; tạo tác dụng ngược với mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân”, GS. TS Hoàng Văn Cường nói.
“Có rất nhiều người không có tiền, không có đủ nhận thức và hiểu biết hoặc thậm chí có khi họ tặc lưỡi đời chỉ sống có một lần thôi. Đây là số đông trong xã hội, là đối tượng các cơ quan quản lý cần quan tâm khi đưa ra chính sách. Trong nghiên cứu của chúng tôi, giới tri thức có thu nhập cao, sẵn sàng chi tiền dù giá cá tăng cao đi chăng nữa chiếm khoảng hơn 20% và chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không bị tác động nhiều”, bà Đặng Thuý Hà băn khoăn về nguy cơ người tiêu dùng chuyển sang các sản phẩm trôi nổi, chất lượng thấp nếu giá tăng mạnh.
“Chúng ta phải kết hợp nhiều công cụ với nhau chứ không đơn thuần đưa chính sách thẳng thừng là xong. Thay vào đó, cũng cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những bên liên quan hiểu được những băn khoăn, trăn trở, khó khăn của các cá nhân dưới tác động của chính sách”, bà Hà nói.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc như hiện nay thì cả doanh nghiệp lẫn người dân vẫn có thói quen "thắt lưng, buộc bụng". Do đó, nếu giá tăng sốc, người dân thay đổi cái hành vi tiêu dùng sang những sản phẩm rẻ tiền hơn nhưng chất lượng thấp, không có nguồn gốc xuất xứ thì mục tiêu cao cả nhất của thuế tiêu thụ đặc biệt, đó là thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chưa chắc đã đạt được.