Hệ lụy nếu áp giá điện kinh doanh cho trạm sạc
Lượng ô tô điện tại các đô thị đang có xu hướng gia tăng trong 2 năm gần đây, kéo theo nhu cầu sử dụng điện tại các trạm sạc ngày càng lớn. Một số chuyên gia và đại diện doanh nghiệp cho rằng, giá điện cho trạm sạc cần phải đủ rẻ để xe điện có ưu thế vượt trội so với xe chạy xăng, dầu, góp phần đẩy nhanh tiến trình Net Zero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
Vấn đề xác định giá bán lẻ điện cho trạm sạc đang dấy lên nhiều tranh luận giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp trong thời gian qua. Trước đó, tháng 7/2023, Bộ Công Thương xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới. Trong đó, giá bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc xe điện được quy định theo cấp điện áp và theo khung giờ. Cụ thể, với cấp điện áp từ trung áp trở lên (từ 01 kV), giá điện cho trạm sạc trong khung giờ thấp điểm (22h đêm đến 4h sáng) bằng 68% giá bán lẻ điện bình quân; khung giờ cao điểm (9h 30 đến 11h 30 và từ 17h đến 20h) bằng 175% giá bán lẻ điện bình quân; khung giờ bình thường (thời gian còn lại trong ngày) bằng 112% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.247 đồng/kWh. Với cấp điện áp hạ áp dưới 01 kV, giá điện tương ứng là bằng 70%, 205% và 119% so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu áp dụng theo cơ cấu giá này, giá bán lẻ điện cho trạm sạc tương đương mức bình quân giá bán lẻ điện cho kinh doanh.
Đến tháng 11/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 2941/QĐ-BCT ngày 8/11/2023 quy định về giá bán điện. Tuy nhiên, trong Quyết định này đã lược bỏ phần giá bán lẻ điện cho trạm sạc. Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến giá bán lẻ điện cho trạm sạc được tính như giá bán lẻ điện kinh doanh. Cụ thể, với cấp điện áp dưới 6 kV, giờ bình thường 2.870 đồng/kWh, giờ thấp điểm 1.746 đồng/kWh, giờ cao điểm 4.937 đồng/kWh.
Với việc tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), VinFast đã điều chỉnh chi phí sạc xe điện kể từ ngày 15/11/2023. Cụ thể, chi phí sạc xe điện tại các trạm sạc công cộng VinFast từ 3.210,9 VNĐ/kWh (Đã bao gồm VAT) tăng lên thành 3.355 VNĐ/ kWh (Đã bao gồm VAT).
Tính đến thời điểm hiện tại, VinFast đã triển khai hạ tầng trạm sạc gồm 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện phục vụ 80/85 thành phố của Việt Nam. 106 tuyến quốc lộ và cao tốc đã có trạm sạc, đa dạng loại công suất từ sạc thường đến siêu nhanh, nhằm hỗ trợ người dùng có nhu cầu di chuyển đường dài. Tại khu vực thành phố và các trung tâm, người dùng có thể tìm trạm sạc công cộng tại các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, chung cư, toà nhà văn phòng... Khoảng cách di chuyển giữa 2 trạm sạc không quá 3,5 km.
Đại diện VinFast cho biết, tại các trạm sạc, người dùng ô tô mới là người trực tiếp tiêu thụ điện năng, không phải do cơ sở kinh doanh trạm sạc tiêu thụ. Do đó, nếu áp dụng giá điện kinh doanh sẽ làm tăng chi phí sạc pin và người dùng ô tô điện sẽ phải chịu khoản chi phí này.
Sau khi nhận được đề xuất của VinFast, Chính phủ đã giao các liên Bộ Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính nghiên cứu, xem xét xử lý theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ trong tháng 1/2024.
Tại Thái Lan, giá bán lẻ điện thấp nhất cho mỗi kWh hiện nay ở Thái Lan là hơn 2,3 baht (khoảng 1.579 đồng) và cao nhất là hơn 6,8 baht (4.669 đồng), chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phụ phí giá nhiên liệu. Tuy nhiên, do bị áp thêm giá công suất và phí cố định hàng tháng nên giá dịch vụ sạc điện tại quốc gia này khá cao. Cụ thể, giá sạc điện của PEA VOLTA đối với bộ sạc điện công suất 25 kW (Normal Charger) theo khung giờ cao điểm và thấp điểm lần lượt tương đương 4.737 đồng/kWh, 3.433 đồng/kWh; đối với bộ sạc điện công suất 50-120 kW (Fast Charger) là 5.012 đồng/kWh và 3.639 đồng/kWh; đối với bộ sạc điện công suất 360 kW (Super Charger) là 6.042 đồng/kWh và 3.776 đồng/kWh.
Các chuyên gia nhận định, mức giá 3.355 đồng/kWh mà VinFast đưa ra cho các trạm sạc ở Việt Nam vẫn khá rẻ nếu so sánh với các doanh nghiệp ở Thái Lan. Tuy nhiên, nếu áp dụng đơn giá điện kinh doanh cho trạm sạc thì VinFast và các doanh nghiệp đầu tư trạm sạc gần như không có lãi, thậm chí có thể lỗ vốn nếu khách hàng tập trung sạc pin vào giờ cao điểm. Do đó, cần xem xét áp dụng giá bán lẻ điện cho sản xuất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển trạm sạc tại Việt Nam.
Đối với người dùng ô tô điện, nếu áp dụng giá bán lẻ điện kinh doanh cho trạm sạc thì giá dịch vụ sạc pin có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Điều này có thể dẫn đến tình trạng người dùng chuyển sang các phương thức sạc pin khác có chi phí rẻ hơn hoặc “lách” luật bằng nhiều cách khác nhau.
Ví dụ, một số người lựa chọn lắp đặt bộ sạc tại nhà (Home Charger), sau đó tìm cách tách 2 công tơ điện, trong đó một công tơ chỉ phục vụ việc sạc pin nhưng vẫn thanh toán theo đơn giá điện sinh hoạt. Thông thường, đối với một chiếc VinFast VF 6 có dung lượng pin 59,6 kWh, mỗi tháng di chuyển khoảng 1.500 km trong thành phố sẽ tốn khoảng 224 kWh điện, tương đương lũy tiến Bậc 4, tổng chi phí sạc pin khoảng 611.000 đồng (chưa bao gồm VAT).
Trong khi đó, nếu sạc tại trạm sạc công cộng sẽ phải trả khoảng 751.000 đồng. Thậm chí, có trường hợp thỏa thuận “ngầm” với đơn vị đang sử dụng điện sản xuất, hoặc điện cho khối hành chính, sự nghiệp để lắp đặt các bộ sạc treo tường nhằm hưởng giá điện thấp hơn so với điện kinh doanh. Điều này vô hình trung sẽ gây khó khăn cho công tác giám sát, quản lý điện năng và làm chậm lại tiến trình xây dựng hạ tầng trạm sạc công cộng tại Việt Nam.