Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều điểm sáng dù vẫn trong “mùa đông gọi vốn”
Agritech & Foodtech là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn, với tỷ lệ đóng góp tăng mạnh từ khoảng 1% năm 2023 lên 27% tổng giá trị đầu tư năm 2024, fintech cũng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng…
Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2024 được đánh giá là sôi động. Các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin đang thu hút nhiều sự quan tâm và đầu tư.
GIAO DỊCH TRỊ GIÁ TỪ 1-5 TRIỆU USD CHIẾM 82%, TĂNG 9%
Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá có nhiều điểm sáng. Theo Báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024” của StartupBlink, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó, các lĩnh vực thu hút vốn nhiều từ nhà đầu tư bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ thực phẩm, giải pháp doanh nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.
Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng tích cực vào năm 2024. Về thứ hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024, Việt Nam đã tăng hai bậc từ vị trí thứ 58 lên 56. Việt Nam đứng thứ 31 toàn cầu về số lượng startup. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 5.
Mặc dù vậy, "mùa đông tài trợ" vẫn tiếp diễn trên toàn cầu, không ngoại lệ với Việt Nam. Theo Báo cáo Hệ sinh thái startup công nghệ Việt Nam năm 2024 của VinVentures, năm 2024 đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam khi tổng giá trị các thương vụ giảm 30%, còn 308 triệu USD. Số lượng thương vụ cũng giảm nhẹ, từ 77 thương vụ năm 2023 xuống còn 75 thương vụ.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này là do quy mô các thương vụ giai đoạn sau giảm mạnh, trong khi các nhà đầu tư có xu hướng ưu tiên các khoản đầu tư nhỏ hơn, đặc biệt ở các vòng pre-seed và seed.
Cụ thể, các giao dịch trị giá từ 1-5 triệu USD chiếm tới 82% tổng số thương vụ, tăng 9% so với năm ngoái. Tuy nhiên, nhóm này chỉ đóng góp 18% tổng giá trị đầu tư. Trong khi đó, các giao dịch trị giá 5-20 triệu USD chiếm 39% tổng giá trị, vượt qua nhóm 50-100 triệu USD, vốn dẫn đầu năm 2023 với 36% tổng giá trị.
Các thương vụ ở giai đoạn sau, thuộc nhóm 20-100 triệu USD, ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về giá trị trung bình. Từ mức 77 triệu USD năm 2023, giá trị trung bình của nhóm này giảm xuống chỉ còn 39 triệu USD trong năm nay.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG TRONG HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ VIỆT NAM
Bất chấp sự suy giảm chung, hệ sinh thái startup công nghệ Việt Nam năm 2024 vẫn xuất hiện những lĩnh vực đầu tư nổi bật. Theo đó, Agritech & Foodtech là lĩnh vực dẫn đầu thu hút vốn, với tỷ lệ đóng góp tăng mạnh từ khoảng 1% năm 2023 lên 27% tổng giá trị đầu tư năm 2024. Thành tựu này chủ yếu đến từ thương vụ trị giá 70 triệu USD của Techcoop, chiếm tới 90% giá trị của toàn ngành Agritech.
Ngoài ra, mảng tiêu dùng (Consumer) đứng ở vị trí thứ hai, lĩnh vực này tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Các startup trong lĩnh vực fintech dù giảm xuống vị trí thứ ba về giá trị đầu tư, vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về số lượng thương vụ. Trong khi đó, các lĩnh vực SaaS và Proptech đứng ở vị trí thấp nhất. SaaS duy trì thị phần ổn định khoảng 1%, trong khi Proptech giảm mạnh từ khoảng 1% xuống dưới 0,05%.
Trước đó, Báo cáo "Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo 2024" của Do Ventures đã nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một ngọn hải đăng của khu vực về cơ hội đầu tư công nghệ. Nền kinh tế số Việt Nam chứng kiến mức tăng trưởng cao nhất ở Đông Nam Á trong hai năm liên tiếp vào năm 2022 và 2023. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn, đổi mới công nghệ đã trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Riêng đối với lĩnh vực fintech, một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý trong thời đại số, năm 2024, ngành fintech Việt Nam đã tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng với quy mô thị trường đạt 16,62 tỷ USD, tương ứng mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) 20,23%. Hiện tại, hơn 130 startup Fintech đang hoạt động, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính. Ví điện tử vẫn giữ vai trò chủ đạo với 50 triệu ví hoạt động, tăng gần 40% so với năm 2023.
Những xu hướng nổi bật trong năm bao gồm sự mở rộng của các ví điện tử như MoMo và ZaloPay sang lĩnh vực tài chính cá nhân, bao gồm quản lý tài chính, đầu tư và tiết kiệm. Các nhà cung cấp này tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện trải nghiệm người dùng và tạo sự khác biệt trên thị trường.
Trong lĩnh vực cho vay, các khoản vay giáo dục và Earned Wage Access đang thu hút sự chú ý nhờ khả năng quản lý rủi ro tốt hơn, tập trung vào các phân khúc khách hàng ổn định. Ngoài ra, Luật Dữ liệu Việt Nam (ban hành ngày 30/11/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025) đã cấm mua bán dữ liệu cá nhân, mở ra cơ hội cho các startup sử dụng dữ liệu từ các nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng nhắn tin và phần mềm kế toán để phát triển điểm tín dụng thay thế, tích hợp AI.
Tuy nhiên, ngành Fintech cũng đối mặt với nhiều thách thức. Giá trị các thương vụ đầu tư vào Fintech giảm mạnh, chỉ còn 39,8 triệu USD, tương ứng mức sụt giảm 70%, với chỉ 6 thương vụ được thực hiện trong năm.
Bên cạnh đó, nguy cơ rủi ro tín dụng gia tăng khi nhiều người vay có tài chính không ổn định, trình độ tài chính hạn chế và lịch sử tín dụng mơ hồ. Cuối cùng, sự cạnh tranh khốc liệt từ các ngân hàng số với công nghệ thanh toán QR và các yêu cầu pháp lý ngày càng chặt chẽ đang đặt áp lực lớn lên các startup Fintech, buộc họ phải đạt quy mô đủ lớn để tồn tại và phát triển.
Nhìn chung, dù thị trường đầu tư Việt Nam năm 2024 đối mặt với nhiều thách thức, các lĩnh vực như Agritech & Foodtech, cùng với sự bền bỉ của Fintech, hứa hẹn sẽ là động lực chính cho sự phát triển trong những năm tới. Để vượt qua giai đoạn suy giảm hiện tại, các nhà đầu tư và startup cần tập trung vào việc tạo ra giá trị bền vững, đổi mới sáng tạo, và khai thác triệt để các tiềm năng chưa được khai phá trong thị trường.