Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Nhật Dương
Chia sẻ

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập...

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp phát triển sản xuất, tạo việc làm. Ảnh - N.Dương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp phát triển sản xuất, tạo việc làm. Ảnh - N.Dương.

Mỗi năm tỷ lệ thanh niên bước vào tuổi lao động cao nên công tác đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên luôn được Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng. 

VỐN TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH GIÚP TẠO VIỆC LÀM, TĂNG THU NHẬP

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong giai đoạn 2016 đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên tập trung chủ yếu vào 6 chương trình tín dụng lớn như: Chương trình tín dụng hộ nghèo; Chương trình tín dụng hộ cận nghèo; Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo; Chương trình cho vay giải quyết việc làm; Chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn; Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến ngày 28/2/2023, tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Đoàn Thanh niên quản lý đạt 41.778 tỷ đồng, chiếm 14,55% tổng dư nợ vốn ủy thác và chiếm 14,47% tổng dư nợ các chương trình với gần 25.000 tổ Tiết kiệm và vay vốn, và 952.000 khách hàng còn dư nợ.

Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam cho rằng, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên.

Anh Vũ Đức Anh (xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những thanh niên đã khởi nghiệp nhờ được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách. Sau thời gian đi làm thuê xa nhà vất vả nhưng thu nhập thấp, cuối năm 2018, anh Đức Anh trở về quê và vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Dương với số tiền 200 triệu đồng để mua 800 con giống vịt, ngan.

Sau 6 tháng chăn thả, các con giống đã đẻ trứng, anh Đức Anh mua lò ấp để bán vịt, ngan giống cho người dân quanh vùng và bán ra thị trường. Cùng với đó, xung quanh hồ, anh trồng thêm mía, mít Thái không hạt, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Úc. Mô hình kinh tế này đã tạo nguồn doanh thu cho anh Đức Anh 300 triệu đồng/năm. Đến nay, ngoài việc tạo được việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 4 hộ gia đình tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Hay như anh Nguyễn Ngọc Phú, chủ cơ sở muối ngào Ngọc Phú, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Anh Phú xuất thân từ gia đình trung nông, phải lao động từ nhỏ với nghề làm hồ, sau khi lớn lên đi làm ở nhiều nơi. Với khát vọng vươn lên làm giàu, năm 2021 anh trở về địa phương và được xã đoàn Mỹ Quý giới thiệu nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phú vay 200 triệu đồng với thời hạn 48 tháng để mua 1 máy trộn muối, 1 chảo ngào muối và các trang thiết bị khác.

Qua quá trình sản xuất cơ sở đã có lãi, mang về doanh thu 200 triệu đồng/năm, ngoài việc trả nợ cho ngân hàng đúng theo phân kỳ thỏa thuận, phần lãi dư anh còn mua thêm được 1 máy trộn và 2 chảo ngào muối, tạo thêm được việc làm ổn định cho 4 lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm của anh được bán tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số địa phương khác.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HIỆU QUẢ TÍN DỤNG

Vốn tín dụng chính sách đã giúp tạo việc làm cho nhiều thanh niên, song theo Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của thanh niên và các đối tượng chính sách khác.

Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách đối với thanh niên chưa cao, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là, nhiều thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, lập nghiệp tự phát. Đối với doanh nghiệp của thanh niên khởi nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, không có tài sản thế chấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp.

Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức nhà nước, tổ chức đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...nơi thanh niên khởi nghiệp vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi gia súc… Điều này, dẫn đến một bộ phận thanh niên khởi nghiệp sử dụng vốn vay chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trước những thực tế như vậy, Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trên địa bàn.

Đồng thời, cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư... với họat động tín dụng chính sách.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, mặc dù hằng năm các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ việc làm đã góp phần hỗ trợ hàng trăm nghìn thanh niên được tạo việc làm qua các nguồn tín dụng ưu đãi, song nguồn lực cho các chương trình, dự án này vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, Thứ trường Lê Văn Thanh nhấn mạnh, thời gian tới, cần chú trọng lồng ghép hỗ trợ việc làm cho thanh niên vào quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuỳ theo đặc thù thanh niên thuộc nhóm đối tượng nào thì triển khai chương trình hỗ trợ phù hợp.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con